Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ qua những 'địa chỉ đỏ'
Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022), chúng tôi có dịp về thăm các di tích lịch sử thành lập chi bộ Đảng đầu tiên - nơi khởi nguồn của các phong trào cách mạng trong tỉnh. Mỗi địa danh di tích lịch sử đều gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022), chúng tôi có dịp về thăm các di tích lịch sử thành lập chi bộ Đảng đầu tiên - nơi khởi nguồn của các phong trào cách mạng trong tỉnh. Mỗi địa danh di tích lịch sử đều gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó thực sự trở thành những “địa chỉ đỏ” không chỉ lưu giữ truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương mà còn có vai trò giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước của dân tộc.
Hướng về ngày 30-4 lịch sử năm nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cho đoàn viên, thanh niên hành trình đến với nhà truyền thống huyện, các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ để các đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về lịch sử truyền thống và những công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cha ông đi trước. Cây gạo cầu Cao đầu làng Nam Lạng, xã Trực Tuấn (Trực Ninh), nơi treo lá cờ Đảng đêm 10-12-1929, khởi nguồn của phong trào cách mạng và là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trực Ninh tiếp tục trở thành “địa chỉ đỏ” cho học sinh đến học tập tham quan. Tại đây, qua lời kể của các thầy cô, cán bộ Đoàn Thanh niên xã, các em học sinh được nghe về lịch sử của quê hương, về các thế hệ thanh niên địa phương tham gia chống lại các thủ đoạn “ru ngủ”, đầu độc thanh niên của bọn thực dân, phong kiến. Tháng 8-1945, thôn Nam Lạng được Tỉnh ủy Nam Định và Huyện ủy Trực Ninh chọn làm địa điểm chuẩn bị và tập trung lực lượng quần chúng yêu nước của xã và khu vực lân cận tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền phủ Trực Ninh.
Đến chiều 17-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền hoàn toàn thắng lợi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc phủ Trực Ninh. Từ đây, khí thế giành chính quyền về tay nhân dân lan tỏa mạnh mẽ tới các địa bàn khác trên toàn tỉnh, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Em Phạm Đức Thắng, học sinh lớp 9A, Trường THCS Trực Tuấn cho biết: “Em thấy những chuyến hành trình đến các “địa chỉ đỏ” vô cùng ý nghĩa và bổ ích. Có những câu chuyện lịch sử khi đến đây chúng em mới được biết và hiểu thêm những đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước. Qua mỗi chuyến đi, chúng em cũng tự thấy bản thân mình cần cố gắng, nỗ lực hơn để xây dựng quê hương”. Cũng như Trường THCS Trực Tuấn (Trực Ninh), năm học qua, Trường Tiểu học Xuân Kiên (Xuân Trường) cũng tổ chức học tập trải nghiệm cho học sinh khối lớp 5 tại nhà thờ họ Trịnh xóm 14, xã Xuân Kiên. Nơi đây, ngày 5-4-1946 chi bộ Đảng Kiên Lao đầu tiên được thành lập. Sau khi quét dọn vệ sinh khu di tích và thắp hương, các em học sinh đã được nghe cô giáo và cán bộ Đoàn Thanh niên xã kể về lịch sử chi bộ Kiên Lao được thành lập gồm 3 đảng viên chính thức và 2 đảng viên dự bị. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa to lớn, ghi một dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Kiên Lao, đánh dấu bước trưởng thành và mở ra một giai đoạn mới của phong trào cách mạng ở địa phương. Từ đây, phong trào cách mạng Kiên Lao được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, công tác xây dựng, phát triển Đảng có nhiều thuận lợi. Cô giáo Nguyễn Thị Son, Trường Tiểu học Xuân Kiên cho biết: “Bằng hình thức tham quan trải nghiệm thiết thực vừa học tập, vừa vui chơi, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường trở nên gần gũi và sinh động hơn với các em học sinh. Từ việc học tập trải nghiệm, không chỉ giúp các em củng cố kiến thức về lịch sử quê hương mà còn giáo dục truyền thống cách mạng, về lòng yêu nước của cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây”. Đã thành thông lệ, trong mỗi năm học, cứ vào dịp kết nạp đoàn viên là Đoàn Trường THCS Xuân Thành (Xuân Trường) lại tổ chức lễ kết nạp trang trọng tại chùa 1 Liêu Thượng, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ xã Xuân Thành với các nội dung: Dâng hương, hát Quốc ca, Đoàn ca, báo cáo về quá trình tu dưỡng rèn luyện; biểu dương, khen thưởng các đoàn viên ưu tú, có thành tích xuất sắc; tổ chức trồng cây lưu niệm tại khu di tích… Cô giáo Phạm Thị Thanh Hường, giáo viên - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Xuân Thành cho biết: “Để giúp các em hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, nhà trường thường chọn các “địa chỉ đỏ”, các di tích văn hóa, lịch sử ở địa phương để tổ chức kết nạp đoàn viên mới. Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Em Trịnh Nguyệt Trang, lớp 9A, Trường THCS Xuân Thành là một trong những thiếu niên ưu tú được kết nạp Đoàn tại đây bày tỏ: “Em cảm thấy rất vui, rất vinh dự và tự hào khi đứng chân vào hàng ngũ của Đoàn ngay tại khu di tích lịch sử của xã. Em xin hứa luôn tham gia tích cực hoạt động Đoàn, phát huy xung kích tuổi trẻ phấn đấu học tập, lao động tốt”.
Hành trình tham quan “địa chỉ đỏ” đã đem đến những bài học lớn cho đoàn viên, thanh niên về truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước của cha ông. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống của các địa phương sẽ tiếp tục góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh