Giáo dục truyền thống cho học sinh qua các buổi tham quan
Thực hiện Phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực', các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện nội dung tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích Cách mạng ở địa phương.
Học sinh trường THCS Phúc Ứng (Sơn Dương) tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Ảnh: Anh Chung
Giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường là một trong những nội dung quan trọng được các liên đội trường học trên địa bàn tỉnh ưu tiên hàng đầu. Bằng những hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện của từng trường cũng như tình hình thực tế tại địa phương, nhiều trường học đã tổ chức cho các em học sinh được học tập, tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử.
Theo Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn, hàng năm, 100% các liên đội đều triển khai các hoạt động giáo dục nhằm giúp các em học sinh hiểu thêm lịch sử truyền thống của Đảng, của Đoàn, Đội, lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với đó, giúp các em mở mang kiến thức và tiếp cận gần hơn với lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương. Bên cạnh các hình thức như: Tổ chức các cuộc thi viết, thi rung chuông vàng... thì các buổi tham quan trải nghiệm thực tế được nhiều em học sinh ưa thích hơn cả. Một số địa danh được liên đội các trường học lựa chọn để các em học sinh tham quan, tìm hiểu tiêu biểu như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Bảo tàng tỉnh, Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Đền thờ Bác Hồ gắn với Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang)… Một số trường học tùy điều kiện có thể tổ chức các buổi tham quan xa hơn tại Hà Nội như: Khu di tích K9 Đá Chông, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…
Thông qua các buổi tham quan thực tế, các em học sinh có cơ hội tìm hiểu, mở mang kiến thức lịch sử của mình. Em Đào Thị Huyên, lớp 9B, trường THCS Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nói, trong năm học 2018 - 2019 vừa qua, em đã cố gắng học tập và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Kết thúc năm học, em và các bạn có kết quả học tập tốt trong trường được đi thăm Lăng Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Qua buổi tham quan thực tế, chúng em đã hiểu thêm về cuộc đời và hành trình lịch sử tìm đường cứu nước của Bác Hồ… Điều làm em ấn tượng nhất đó là khi chúng em xếp hàng vào thăm ngôi nhà sàn khi xưa Bác ở, mọi thứ đều rất mộc mạc, đơn sơ. Sau khi trở về, em tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học tập tốt, chăm ngoan hơn để xứng đáng với thế hệ cha anh đã ngã xuống bảo vệ đất nước và mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, đây cũng là dịp để các em học sinh phát triển kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, biết chia sẻ... Em Lê Thục Anh, lớp 7D, trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nói, trước ngày cùng cả lớp đi tham quan tại Khu di tích K9 Đá Chông và Đảo Ngọc Xanh, em đã tự mình chuẩn bị quần áo, mũ và các đồ dùng cần thiết cho chuyến đi. Trong chuyến đi, em và các bạn trong lớp đã cùng nhau hát, trò chuyện, vui chơi... Em thấy đây là chuyến đi thật ý nghĩa, không chỉ giúp chúng em hiểu thêm lịch sử của khu di tích mà còn tăng cường giao lưu, đoàn kết với các bạn trong lớp.
Theo cô giáo Khổng Thị Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Lâm (Yên Sơn), nhằm giữ gìn và giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm nhà trường đều tổ chức ít nhất một lần cho các em học sinh đến tham quan các khu di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh. Trước khi tổ chức chương trình, nhà trường sẽ cùng thống nhất với các bậc phụ huynh để không chỉ các em có thành tích học tập tốt mà tất cả học sinh trong trường đều có cơ hội được đi tham quan. Ban Giám hiệu nhà trường cũng làm việc với các công ty du lịch, lữ hành để đảm bảo cho các em có một chuyến đi an toàn.
Bằng hình thức tổ chức những chuyến tham quan trải nghiệm thiết thực vừa học tập, vừa vui chơi, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường trở nên gần gũi và sinh động hơn với các em học sinh. Qua đó, giúp các em học sinh nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, được phát triển toàn diện.