Giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh
'Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam' - lời Bác Hồ dạy luôn được khắc ghi sâu sắc bởi lịch sử là nền tảng, động lực cho sự phát triển. Việc giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh - thế hệ tương lai của đất nước được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chú trọng. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa thiết thực, ý nghĩa nhằm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho học sinh.

Trường Tiểu học Cao Xá, huyện Lâm Thao tổ chức sinh hoạt dưới cờ với chủ điểm “Thiếu nhi Việt Nam mừng non sông thống nhất” chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Các hoạt động trải nghiệm triển khai sôi nổi, đa dạng góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào, biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Học sinh trường Tiểu học Cao Xá, huyện Lâm Thao xếp hình cờ đỏ sao vàng tại buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ điểm “Thiếu nhi Việt Nam mừng non sông thống nhất”.
Vào tiết sinh hoạt dưới cờ, hơn 900 em học sinh trường Tiểu học học Cao Xá, huyện Lâm Thao được ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, được giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho học sinh. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho giáo viên, học sinh, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Cô giáo Đinh Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường tổ chức sinh hoạt dưới cờ với chủ điểm “Thiếu nhi Việt Nam mừng non sông thống nhất” chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho giáo viên, học sinh, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Học sinh Trường Mầm non Mỹ Thuận 2, huyện Tân Sơn chụp ảnh với cờ Tổ quốc.
Trong không khí những ngày tháng 4 lịch sử, các trường học trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép vào các tiết học giáo dục địa phương những bài thơ, bộ phim tư liệu về các chiến công hào hùng của dân tộc, bồi dưỡng kiến thức lịch sử và hun đúc lòng biết ơn của học sinh đối với thế hệ cha anh. Tại Trường Mầm non Mỹ Thuận 2, huyện Tân Sơn, không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lan tỏa khắp các lớp học. Các cô giáo hướng dẫn các bé cùng nhau vẽ lá cờ Tổ quốc, bản đồ Việt Nam, chú bộ đội. Cô giáo TrầnThị Lý - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường có 183 học sinh. Hoạt động ngoại khóa của cô và trò nhà trường càng trở nên ý nghĩa hơn khi các bé được nghe cô giáo kể về chiến thắng của dân tộc trong ngày 30/4 qua tranh ảnh. Đó là những câu chuyện, ký ức hào hùng về một thời “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước của lớp lớp thế hệ cha ông, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hoạt động này giúp học sinh hiểu được ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Trường THPT Công nghiệp Việt Trì tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh.
Còn tại Trường THPT Công nghiệp Việt Trì, thầy giáo Nguyễn Xuân Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Hơn 1.000 học sinh nhà trường tham dự chương trình kỷ niệm “50 năm Đất nước trọn niềm vui”. Tại chương trình học sinh còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ Đoàn trường biểu diễn. Các ca khúc khắc họa rõ nét sự gian lao cực khổ và sự hy sinh của những người lính anh hùng trong thời gian giành lại độc lập cho đất nước. Qua đó giúp học sinh cảm nhận những mất mát, hy sinh của cha ông, tự hào vì những trang sử hào hùng của dân tộc, từ đó khơi gợi lòng yêu nước, lòng biết ơn. Chương trình kỷ niệm với chủ đề “50 năm Đất nước trọn niềm vui” là dịp để thầy và trò nhà trường cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Đồng thời, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức gìn giữ và phát huy thành quả của thế hệ cha anh đã dày công gây dựng từ đó có động lực mạnh mẽ để phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh có ý nghĩa rất lớn, giúp khơi dậy tinh thần đam mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử dân tộc, từ đó bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc và phát huy trách nhiệm của thế hệ trẻ trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc-truyen-thong-lich-su-cho-hoc-sinh-231969.htm