Giáo dục truyền thống qua các hoạt động trải nghiệm
Thay vì chỉ cho học sinh ngồi nghe những bài học lịch sử, văn hóa trên lớp học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế tại các địa chỉ đỏ, khu di tích lịch sử, văn hóa, khu lưu niệm… Đây là hoạt động rất ý nghĩa, giúp các em học sinh nắm vững kiến thức lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống địa phương, giúp học sinh thêm yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam.
Tự hào văn hóa - lịch sử địa phương
Trong chuyến đi tham quan do trường tổ chức, hơn 200 em học sinh khối tiểu học và trung học cơ sở, Trường TH&THCS Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng đã được đến thăm Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Đây là lần đầu tiên các em được trực tiếp nghe, nhìn và tìm hiểu những câu chuyện lịch sử, văn hóa gắn với vùng đất Bù Đăng như: Tiếng chày giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của người đồng bào nơi đây ở môi trường thực tế.
Để các bài học được tiếp thu một cách sinh động, các em học sinh còn được tham gia các hoạt động vui chơi, trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống khi được học chơi đàn đá, dệt thổ cẩm, giã gạo…
Thầy Nguyễn Phi Long, Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Nghĩa Bình cho biết, khi nhà trường ban hành kế hoạch về việc tổ chức tham quan, trải nghiệm cho học sinh, hội phụ huynh của lớp thống nhất rất cao. Không chỉ được trải nghiệm thực tế, qua phương pháp học này, các em còn chủ động tìm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Những bài học mà các em tự thu nhận được từ trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ đọng lại lâu bền, sâu sắc hơn.
Cũng với mong muốn giáo dục truyền thống cách mạng cho đội viên, thiếu niên nhi đồng nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024),các em học sinh Trường THCS Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài cũng đã được đến thăm Khu di tích lịch sử quốc gia Phú Riềng Đỏ tại ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú. Tại đây, các em được trực tiếp tìm hiểu những câu chuyện lịch sử về sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng; phong trào yêu nước, phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Chuyến đi tuy ngắn nhưng tất cả học sinh đều tỏ ra thích thú, tò mò. Em Cao Thị Thu Hương, học sinh lớp 9A5, Trường THCS Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài chia sẻ: “Mặc dù là dân địa phương nhưng đây là lần đầu tiên em đến với Khu di tích lịch sử quốc gia Phú Riềng đỏ. Được trực tiếp lắng nghe những câu chuyện lịch sử cùng những hình ảnh thực tế em đã hiểu rõ hơn về lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân nơi đây. Phú Riềng đỏ mãi mãi trở thành niềm tự hào trong những trang sử vàng của Bình Phước và dân tộc Việt Nam.
Nuôi dưỡng tình yêu quê hương
Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thời gian qua, sự kết nối giữa ngành văn hóa và ngành giáo dục đã tạo cơ hội để các em học sinh được đến các “địa chỉ đỏ”. Qua mỗi lần tham quan, một số trường cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích.
Theo ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bình Phước là địa phương có số lượng lớn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 45 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Bảo tàng tỉnh Bình Phước hiện lưu giữ hơn 14.000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật liên quan đến lịch sử kháng chiến, lĩnh vực dân tộc học, khảo cổ học... Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh của tỉnh Bình Phước có tính đặc thù riêng, gắn liền với lịch sử cách mạng, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Việc giáo dục giá trị di tích lịch sử, văn hóa thông qua hoạt động trải nghiệm thực tiễn là một trong những giải pháp hiệu quả, vừa tốt trong việc phát huy giá trị di sản, vừa khơi dậy, bồi đắp tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ và bổ trợ hiệu quả cho hoạt động giáo dục, định hướng lý tưởng cách mạng, góp phần vun đắp tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của giới trẻ trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam trong thế giới hội nhập hiện nay.