Giáo dục tư thục góp phần thúc đẩy quốc tế hóa, nâng cao chất lượng lao động

Với phương châm 3 thực 'Thực Học, Thực Hành, Thực Nghiệp', Trường Cao Đẳng Lý Thái Tổ đã và đang đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cao cho thị trường.

Giáo dục tư thục – một trong những thành phần của kinh tế tư nhân hiện đang giữ vai trò là bộ phận quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của nhiều cơ sở giáo dục tư thục thời gian qua đã đóng góp tích cực vào quá trình xã hội hóa giáo dục, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, giảm áp lực cho khối công lập. Đồng thời, giáo dục tư thục cũng góp phần nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc hợp tác, liên kết đào tạo và áp dụng các mô hình tiên tiến, hiện đại.

Do đó, để thúc đẩy hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng phát triển, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã đẩy mạnh việc ban hành các chính sách nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân nêu quan điểm: "Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...".

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ là một trong những cơ sở giáo dục tư thục tiêu biểu đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận thời gian qua. Theo đó, nhà trường đã không ngừng đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy và mở rộng hợp tác với doanh nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

95% sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cho hay, nhà trường được thành lập theo Quyết định số 1133/QĐ-LĐTBXH ngày 12/08/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (trước đây), đặt tại Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tận dụng vị thế được đặt tại một khu vực công nghiệp hóa mạnh mẽ, gần các khu công nghiệp lớn như VSIP, Tiên Sơn, và Yên Phong, cùng việc tích cực đẩy mạnh chương trình đào tạo phát triển, sau gần 5 năm (tính đến năm 2024), nhà trường đã trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nghề. Với phương châm 3 thực “Thực Học, Thực Hành, Thực Nghiệp”, nhà trường đã và đang đáp ứng nhu cầu, yêu cầu về nhân lực của nhiều doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước.

Thầy Đông nhớ lại, thời kỳ đầu thành lập, trường phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chưa đủ mạnh, cùng với đó là nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp tư thục còn hạn chế.

Chính vì vậy, nhà trường đã nỗ lực vượt qua bằng cách đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại, đồng thời hợp tác với nhiều doanh nghiệp FDI để mời chuyên gia tham gia giảng dạy.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng hỗ trợ cho nhà trường thông qua một số chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh như Nghị quyết 10/2021/NQ-HĐND để miễn giảm học phí cho người học và Nghị quyết 05/2024/NQ-HĐND quy định hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Có thể nói, sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã giúp trường từng bước khẳng định vị thế như hiện tại.

Trong gần 5 năm qua, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần nâng cao uy tín của nhà trường và đóng góp tích cực cho hệ thống giáo dục quốc dân.

Cụ thể, năm 2022, trường triển khai mô hình đào tạo 1+1+1 với Công ty Trách nhiệm hữu hạn khoa học kỹ thuật Goertek Vina (thành viên của tập đoàn GoerTek, Trung Quốc) và một số cơ sở giáo dục tại Trung Quốc như Học viện nghề nghiệp Cơ điện Quảng Tây, với hơn 50 sinh viên tham gia, 100% được đánh giá cao về kỹ năng nghề nghiệp.

Đến nay, mô hình đào tạo 1+1+1 của Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã trở thành hình mẫu cho nhiều trường nghề khác ở địa phương và trên cả nước. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, đúng với tinh thần của Chỉ thị 21-CT/TW năm 2023 về đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đến năm 2024, trường đã tổ chức Hội thảo “Cùng LIC phát triển nguồn nhân lực trong xu hướng công nghiệp xanh - sạch - thông minh”, nơi sinh viên trải nghiệm những công nghệ như robot, đồng thời mở rộng tuyển sinh tại Bắc Ninh và một số địa phương lân cận.

“Dấu ấn mà tôi nhớ nhất là sự công nhận của những doanh nghiệp lớn như Goertek Vina, Luxshare, và Rorze với nhà trường, khi họ cam kết đồng hành cùng trường trong đào tạo và thực hành. Sự cam kết ấy đã giúp 95% sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp với mức lương khởi điểm từ 9-12 triệu đồng/tháng”, thầy Đông kể lại.

Không chỉ góp phần giải quyết bài toán việc làm mà còn nâng cao chất lượng lao động

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Đông, sự ra đời của Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề việc làm cho xã hội, không chỉ cho sinh viên sau tốt nghiệp mà còn cho đội ngũ giáo viên và nhân viên tại tỉnh Bắc Ninh cũng như khu vực lân cận.

Về kết quả hoạt động giáo dục, thầy Đông thông tin, trường hiện đào tạo với quy mô trên 1000 sinh viên ở nhiều ngành trọng điểm như Công nghệ cơ khí, Điện công nghiệp, Tự động hóa và Công nghệ thông tin. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của nhà trường đều đạt 100%, trong đó 95% có việc làm ngay sau tốt nghiệp, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Mức lương khởi điểm của sinh viên sau khi ra trường thường dao động từ 9-12 triệu đồng/tháng và sau một thời gian làm việc có thể đạt khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Không những vậy, nhà trường còn đẩy mạnh phát triển quốc tế hóa. Từ năm 2023, trường đã triển khai chương trình trao đổi sinh viên với Hàn Quốc và Nhật Bản, với 50 sinh viên mỗi năm đạt trình độ ngoại ngữ, đồng thời được đào tạo kỹ năng chuyên môn theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong nghiên cứu khoa học, trường thực hiện hợp tác với Luxshare để thực hiện các dự án cải tiến công nghệ như ứng dụng Cobot – Robot cộng tác và Camvision trong kiểm tra chất lượng sản phẩm, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Những thành tựu này không chỉ khẳng định vị thế của trường mà còn đóng góp cho hệ thống giáo dục quốc dân bằng cách cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm gánh nặng cho các trường công lập, và thúc đẩy sự đa dạng trong giáo dục nghề nghiệp.

Mặt khác, về quy mô tuyển dụng của nhà trường, từ khi thành lập năm 2019, trường đã tạo việc làm cho hơn 50 giảng viên, nhân viên cơ hữu và hơn 100 giảng viên thỉnh giảng. Trong giai đoạn từ 2025, để đáp ứng nhu cầu mở rộng đào tạo, nhà trường vẫn liên tục bổ sung các giảng viên, nhân sự có chất lượng cho nhà trường.

Ngoài ra, trường còn tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn cho người lao động. Đơn cử, từ năm 2021, nhà trường đã đào tạo hơn 300 lao động cho các doanh nghiệp đối tác về kỹ năng vận hành hệ thống nhúng, Camvision, và lập trình điều khiển PLC…, giúp họ đáp ứng yêu cầu công việc tại các khu công nghiệp.

Có thể nói rằng, những đóng góp này không chỉ giải quyết bài toán việc làm mà còn nâng cao chất lượng lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là tại Bắc Ninh – nơi có hơn 1,2 triệu lao động trong các khu công nghiệp.

Thông tin thêm, thầy Đông cho hay, theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2019, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã tích cực tham gia thúc đẩy xã hội hóa giáo dục thông qua việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, hợp tác với doanh nghiệp, và mở rộng các chương trình đào tạo quốc tế hóa.

Thứ nhất, nhà trường hợp tác với hơn 150 doanh nghiệp FDI, như Goertek Vina, Luxshare, và Foxconn để xây dựng các chương trình đào tạo sát thực tế.

Thứ hai, trường đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, với 5 phòng thí nghiệm công nghệ cao được xây dựng trong giai đoạn 2023-2025, nhờ huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí của tỉnh Bắc Ninh (Nghị quyết 05/2024/NQ-HĐND). Điều này giúp sinh viên tiếp cận các công nghệ hiện đại như AI, Camvision, và robot công nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ ba, tổ chức nhiều chương trình trao đổi quốc tế với một số trường ở Trung Quốc và Nhật Bản. Chương trình có sự tham gia của khoảng 50 sinh viên mỗi năm từ 2023. Các em đều được nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn. Những hoạt động này đã thực sự góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống giáo dục công lập và đa dạng hóa các loại hình đào tạo.

Mặt khác, theo thầy Đông, hệ thống giáo dục tư thục của nước ta hiện nay, trong đó có Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế, nhờ vào sự linh hoạt và khả năng hội nhập quốc tế vượt trội so với nhiều trường công lập.

Trước hết, các trường tư thục có thể nhanh chóng cập nhật công nghệ và phương pháp đào tạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu.

Tại Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, nhà trường đã tích hợp các công nghệ như AI, Camvision, và robot công nghiệp vào đào tạo tiệm cận công nghệ bán dẫn, giúp sinh viên đáp ứng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp FDI như Goertek Vina, Amkor và Luxshare. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong mắt nhiều đối tác quốc tế.

Bên cạnh đó, giáo dục tư thục còn góp phần giúp thúc đẩy quốc tế hóa thông qua các chương trình hợp tác và trao đổi.

Từ năm 2023, nhà trường đã triển khai chương trình trao đổi sinh viên với Trung Quốc và Nhật Bản, với 50 sinh viên mỗi năm đạt trình độ ngoại ngữ, được các doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao. Những hoạt động này đã giúp giáo dục Việt Nam hội nhập sâu hơn với các tiêu chuẩn toàn cầu.

Hơn nữa, theo thầy Đông, giáo dục tư thục còn góp phần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, giảm áp lực cho hệ thống công lập, và tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp toàn cầu. Đơn cử như công nghệ bán dẫn – lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030.

Có thể nói rằng, sự linh hoạt và đổi mới của các trường tư thục đã và đang giúp giáo dục Việt Nam khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia châu Á như Thái Lan hay Malaysia.

Kiến nghị miễn/ giảm thuế sử dụng đất cho các trường tư thục

Để giáo dục tư thục phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Phó Giáo sư Nguyễn Tiến Đông đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ, dựa trên những thách thức hiện nay.

Về chính sách thuế, kiến nghị Nhà nước miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất cho các trường tư thục, đặc biệt trong giai đoạn đầu thành lập. Hiện nay, các trường tư thục phải đóng 100% thuế sử dụng đất, gây áp lực tài chính lớn, trong khi nguồn thu từ học phí còn hạn chế (chỉ từ 1,6 - 2 triệu đồng/người học/tháng tại nhiều trường. Miễn thuế đất sẽ giúp các trường có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, như phòng thí nghiệm vi mạch cho ngành công nghệ bán dẫn.

Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, cần có kế hoạch đồng bộ, đảm bảo cân đối giữa trường công lập và tư thục. Tại Bắc Ninh, hầu hết các trường đều mong muốn được ưu tiên giao đất hoặc cho thuê đất dài hạn với chi phí ưu đãi để mở rộng cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030.

Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước tạo điều kiện bình đẳng trong tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, như vốn ODA hoặc các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện ở mức lãi suất 3,3%/năm. Cần tăng quy mô vốn và đơn giản hóa thủ tục để các trường tư thục dễ dàng tiếp cận, từ đó đầu tư vào thiết bị hiện đại và nâng cao chất lượng đào tạo.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phân luồng học sinh, nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các trường nghề thu hút học sinh, sinh viên giỏi và khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-tu-thuc-gop-phan-thuc-day-quoc-te-hoa-nang-cao-chat-luong-lao-dong-post251376.gd