Giáo dục và đào tạo, khuyến học khuyến tài góp phần phát triển kinh tế TP.HCM

Tập trung vào công tác giáo dục đào tạo, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hôi học tập góp là phần phát triển kinh tế của TP.HCM.

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TP.HCM do ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 9/10.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, đầu năm 2024, TP.HCM chính thức được công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Đây là một dấu mốc để đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài của thành phố được phát triển hơn nữa. Công tác khuyến học, khuyến tài là trách nhiệm, vai trò của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ riêng của ngành Giáo dục và đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội hay khuyến học.

Do đó thời gian tới, ông Sơn mong muốn các đơn vị, các hội khuyến học tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đạt được, khắc phục những khó khăn trong công tác khuyến học, khuyến tài, trong đó phát huy vai trò của chỉ đạo các cấp ủy đảng, tập trung chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu học tập của các đối tượng. Đặc biệt, cần tiếp tục gắn công tác khuyến học với hệ thống trường học và công tác truyền thông.

Ông Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, ở góc độ cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, nếu muốn phát triển kinh tế xã hội mà không có công tác giáo dục dạy nghề và khuyến học khuyến tài thì coi như con số không:

"Có những ngành nghề trực tiếp đem lại nguồn kinh tế lớn cho thành phố, nhưng cũng có ngành nghề, hội đoàn gián tiếp và nếu không có những yếu tố này sẽ không có được sức mạnh. Nếu không đầu tư cho giáo dục đào tạo, dạy nghề, công tác khuyến học khuyến tài chúng ta sẽ yếu trong việc phát triển thành phố cũng như đất nước", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Lê Hồng Sơn (ở giữa), Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

Ông Lê Hồng Sơn (ở giữa), Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

Tại tọa đàm, ông Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, với khoảng 80% sinh viên đến từ các tỉnh thành khác, nhiều sinh viên là con em người làm nông nên nhà trường cũng tính đến những giải pháp không để sinh viên nào gặp khó về tài chính phải nghỉ học. Một năm nhà trường trao khoảng 27 tỷ đồng tiền học bổng bằng nhiều nguồn. Bên cạnh đó, mức học phí cũng dao động từ 7-15 triệu/học kỳ dù trong bối cảnh tự chủ đại học, nguồn thu..

Ông Nam cũng đề xuất, TP.HCM nên có giải pháp để phát triển các chương trình thông qua các cơ chế, từ đó giúp sinh viên có thể vay vốn trong quá trình học tập.

Vũ Hường/VOV TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc-va-dao-tao-khuyen-hoc-khuyen-tai-gop-phan-phat-trien-kinh-te-tphcm-post1127221.vov