Cử tri nêu nhiều ý kiến thiết thực để hoàn thiện chính sách

Ngày 9/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, đóng góp ý kiến dự án Luật Nhà giáo.

Cử tri Bắc Ninh đóng góp ý kiến dự án Luật Nhà giáo

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Ngày 9/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, đóng góp ý kiến dự án Luật Nhà giáo.

Xác định đây là luật mới, khó, tác động rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp ý kiến về nhiều nội dung liên quan tới chế độ, chính sách cho nhà giáo; cơ chế bảo vệ nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền… Các ý kiến mong muốn pháp luật về nhà giáo khi được xây dựng thành một đạo luật riêng sẽ mang tính nhân văn hơn, có chính sách, chế độ xứng đáng, đảm bảo sự công bằng để các nhà giáo yên tâm cống hiến; tạo điều kiện cho nhà giáo tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục phát huy được tối đa sở trường, năng lực; góp phần chung vào phát triển sự nghiệp giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bắc Ninh cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, Luật Nhà giáo được toàn ngành và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ lâu. Khi thực hiện, đây sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bà Vân cũng như các đồng nghiệp quan tâm đến tiền lương, phụ cấp; các chính sách hỗ trợ… Đặc biệt là chính sách để thu hút người giỏi vào làm công tác giảng dạy, cống hiến cho ngành giáo dục bởi chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng giáo dục.

Đại biểu đề nghị nội dung bổ sung cụm từ “bảo lưu thâm niên số năm công tác giảng dạy, quản lý tại cơ sở giáo dục đối với cán bộ quản lý cấp Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo” để bảo đảm sự công bằng, thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống và tạo động lực để đội ngũ cán bộ quản lý tiếp tục cống hiến cho ngành.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Tài đề nghị các cơ quan xây dựng, ban hành Luật nghiên cứu, điều chỉnh cho hưởng chế độ lương giữa giáo viên mầm non với các cấp học khác tương đương nhau (về hạng, ngạch, bậc). Cụ thể, hiện nay, giáo viên mầm non có trình độ đại học hoặc cao hơn nếu trúng tuyển bậc mầm non cũng chỉ được bổ nhiệm hạng III có hệ số lương 2,1 - 4,89, việc thăng hạng lên hạng II thì cần bảo đảm tiêu chuẩn, thời gian giữ hạng nhưng hệ số lương không thay đổi nhiều, việc thăng hạng lên hạng I thì quá khó, đa số giáo viên mầm non cũng chỉ được xếp hạng III, II. Mà hạng II cũng chỉ như hạng III của các cấp học khác.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn ghi nhận, cảm ơn những ý kiến đóng góp của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời làm rõ thêm các nội dung, quan điểm, chủ trương của tỉnh đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục và các ý kiến kiến nghị của cử tri về chính sách thâm niên đối với giáo viên biệt phái về làm nhiệm vụ quản lý giáo dục; vấn đề tự chủ, sáp nhập cơ sở giáo dục; biên chế; chế độ đối với giáo viên mầm non.

Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ và các huyện, thị xã, thành phố rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, đề xuất bố trí biên chế phù hợp; nghiên cứu các chính sách của Trung ương để vận dụng, ban hành chính sách của tỉnh về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới. Các sở, ngành, địa phương nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền

Trà Vinh: Cử tri chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Sáng 9/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh đã có buổi tiếp xúc với trên 50 cử tri ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước ở lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch hiện nay; đóng góp ý kiến đối với các dự thảo luật. Đồng thời đề xuất bổ sung biên chế, kiến nghị một số chính sách liên quan đến chế độ bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn đối với diễn viên, cộng tác viên, huấn luyện viên, vận động viên…; chính sách đặc thù trong đào tạo cho đội ngũ kế thừa đối với Đoàn Nghệ Thuật Khmer Ánh Bình Minh; hỗ trợ đầu tư thiết chế văn hóa tại các câu lạc bộ đờn ca tài tử…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Trà Vinh Cao Quốc Dũng kiến nghị đến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Trà Vinh Cao Quốc Dũng kiến nghị đến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Cao Quốc Dũng Vinh đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét, hỗ trợ ngành bổ sung Di tích lịch sử đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) vào danh mục các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ (theo quy định tại Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ và Thông tư số 20/2010/TT-BCA ngày 23/06/2010 của Bộ Công an). Bởi Khu di tích này có diện tích rất lớn, được trưng bày nhiều hiện vật cổ có giá trị đặc biệt quan trọng nhưng hiện chỉ có 2 nhân viên bảo vệ trực xuyên suốt ngày và đêm, không đảm bảo an toàn cho di tích.

Đối với Dự thảo luật di sản văn hóa (sửa đổi), Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh Lê Thành Vinh đề xuất tại Điều 64: Điều kiện để thành lập bảo tàng công lập và cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập, cần bổ sung nội dung điều kiện, tiêu chí xếp hạng Bảo tàng tư nhân và chính sách hỗ trợ cụ thể cho Bảo tàng tư nhân: về kinh phí, cơ sở vật chất, chuyên môn nghiệp vụ. UBND tỉnh Trà Vinh vừa cấp giấy phép hoạt động Bảo tàng ngoài công lập đối với “Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh” tại xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè.

Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh Huỳnh Văn Kiên kiến nghị tại Nghị định 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung thẩm quyền cho Thanh tra ngành văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho Thanh tra ngành.

Cử tri Hà Văn Tịnh, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Cử tri Hà Văn Tịnh, Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Tại hội nghị, ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được lãnh đạo sở, ngành liên quan giải đáp thỏa đáng. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương, ý kiến đóng góp cho các dự thảo luật được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tổng hợp, nghiên cứu, chọn lọc đề đạt đến Quốc hội.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy vai trò của ngành trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ những người làm văn hóa phát triển toàn diện, đảm bảo “vừa hồng, vừa chuyên”. Bên cạnh đó, Sở cần nghiên cứu, xin chủ trương UBND tỉnh xây dựng thêm chính sách cho người hoạt động trong ngành; đặc biệt là chính sách đặc thù đối với vận động viên có thành tích quốc tế.

Thái Hùng - Thanh Hòa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-neu-nhieu-y-kien-thiet-thuc-de-hoan-thien-chinh-sach-20241009170108041.htm