Giáo dục và xử phạt - biện pháp căn cơ nâng cao văn hóa giao thông

Từ đầu năm đến nay, số vụ tai nạn giao thông ở nước ta đã giảm mạnh, ý thức tham gia giao thông của người dân được cải thiện rõ rệt.

Thời gian tới, bên cạnh tăng cường xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nâng cao văn hóa giao thông của người dân, thông qua các giải pháp căn cơ như tuyên truyền, giáo dục, cải thiện hạ tầng giao thông.

Coi giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, từ ngày 1 đến 31-1, toàn quốc xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông, làm 917 người tử vong, 1.163 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 18,25%, số người tử vong giảm 9,83%, số người bị thương giảm 20,12%.

Tại TP Hà Nội, trong cùng thời gian, toàn thành phố xảy ra 94 vụ tai nạn giao thông, làm 59 người tử vong, 72 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giảm 38, số người tử vong giảm 8, số người bị thương giảm 21.

Số vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông cũng giảm đáng kể. Từ ngày 1-1 đến 4-2, lực lượng cảnh sát giao thông TP Hà Nội đã xử lý 19.892 trường hợp vi phạm, giảm 42,6% so với tháng trước. Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, tại nhiều tuyến đường và nút giao thông của Thủ đô, tình trạng vượt đèn đỏ, lấn làn, dừng đỗ sai quy định đã giảm rõ rệt. Người tham gia giao thông đã có ý thức hơn, có văn hóa hơn trong việc tuân thủ đèn tín hiệu, không chen lấn, lạng lách khi di chuyển.

Đánh giá Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ đã có tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của người dân, theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, để nâng cao văn hóa giao thông, cần thực hiện song song 2 nhiệm vụ là giáo dục và xử phạt.

Việc ban hành nghị định để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt với các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, là đúng đắn. Đây cũng là biện pháp để uốn nắn thói quen của người tham gia giao thông, thực tế cho thấy đã đạt hiệu quả tốt, tuy nhiên về lâu dài cần tập trung nâng cao hoạt động giáo dục, phải coi giáo dục văn hóa giao thông là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh, khi văn hóa giao thông được nâng cao thì số vụ tai nạn giao thông sẽ giảm. Ngoài việc tự giác tuân thủ luật giao thông, người dân cần nâng cao kiến thức và văn hóa ứng xử, tham gia giao thông với tinh thần nhân ái, nhân hậu, biết nhường nhịn, tiết chế, tránh tâm lý so kè, kèn cựa nhau khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, người tham gia giao thông cần điều khiển phương tiện di chuyển đúng tốc độ quy định, hoặc di chuyển nhanh, chậm trong giới hạn tốc độ cho phép để phù hợp với tình hình thực tế của hạ tầng giao thông, phù hợp với tình hình thời tiết, mật độ phương tiện tham gia giao thông tại từng thời điểm khác nhau.

Cùng với đẩy mạnh công tác giáo dục, cần có hoạt động xử phạt. Mục tiêu của xử phạt để nâng cao hiệu quả của giáo dục, vì vậy khi xử phạt cần nghiêm minh, đúng người, đúng lỗi, xem xét khách quan, thấu đáo, với mục tiêu đặt lợi ích và sự an toàn của người dân lên trên hết.

 Người dân chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông tại TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HƯNG

Người dân chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông tại TP Hà Nội. Ảnh: PHẠM HƯNG

Điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông hợp lý

Hiện nay, hạ tầng và công tác tổ chức giao thông tại các nút giao còn nhiều bất cập, hệ thống biển báo tại nhiều nơi chưa rõ ràng, bị che khuất gây khó quan sát.

Về đèn giao thông, quy định thời gian đếm ngược của các màu đèn tại nhiều nơi chưa hợp lý, có chỗ nhanh quá, có chỗ lại chậm quá, thời gian đèn vàng ngắn, thậm chí có điểm tín hiệu còn bị lệch.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào hoạt động tổ chức giao thông. Các thiết bị thông minh sẽ tự nhận diện để điều chỉnh thời gian của đèn giao thông, thay đổi phù hợp với lưu lượng giao thông trên từng tuyến đường trong từng thời điểm khác nhau.

Đối với vấn đề này, TS Khương Kim Tạo bày tỏ quan điểm, việc để hiển thị thời gian đếm ngược của tín hiệu đèn sẽ vô tình gây áp lực cho người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông hiện có xu hướng đi chậm, rà phanh từ rất sớm khi tới các nút giao vì sợ vi phạm, thậm chí có trường hợp đèn xanh vẫn còn 7-8 giây nhưng nhiều xe đi phía trước đã chủ động dừng, kéo theo cả đoàn xe phía sau đi chậm theo. Với mật độ giao thông Hà Nội hiện nay, điều này rất dễ gây ùn tắc. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia giao thông có thói quen cho phương tiện di chuyển khi đèn đỏ sắp chuyển sang đèn xanh, điều này dễ tạo ra xung đột với dòng phương tiện đang được di chuyển.

Theo TS Khương Kim Tạo, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, người tham gia giao thông chỉ cần ứng xử theo màu đèn chứ không cần quan tâm đến thời gian đếm ngược, theo đó đèn xanh là được đi, đèn đỏ là phải dừng, còn đèn vàng sẽ được điều chỉnh thời gian tăng lên để các phương tiện đang di chuyển đúng tốc độ hoàn toàn đủ thời gian dừng lại mà không gây nguy hiểm cho các phương tiện phía sau. Nếu thời lượng đèn vàng được điều chỉnh hợp lý sẽ giảm áp lực tâm lý cho người tham gia giao thông, tránh trường hợp nhiều xe đi chậm hoặc dừng đột ngột vì sợ vi phạm, điều này cũng sẽ góp phần nâng cao văn hóa giao thông.

Để thực hiện tốt điều này, lực lượng tổ chức giao thông cần có các hoạt động thử nghiệm thực tế trên các tuyến đường để đưa ra các phương án tổ chức giao thông phù hợp, đồng thời chú trọng cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giao-duc-va-xu-phat-bien-phap-can-co-nang-cao-van-hoa-giao-thong-814852