Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà

Chương trình Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững vừa diễn ra ở Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng, nhằm giáo dục giới trẻ nâng cao hiểu biết về đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên môi trường...

Lễ tổng kết và trao chứng nhận cho học sinh tham gia chương trình chiều 4/7 vừa qua. (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Lễ tổng kết và trao chứng nhận cho học sinh tham gia chương trình chiều 4/7 vừa qua. (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Mới đây, Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng, tổ chức tổng kết Chương trình thí điểm Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (ESD Bidoup).

Chương trình Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững vừa được tổ chức tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (ESD Bidoup) thuộc tỉnh Lâm Đồng nhằm giáo dục giới trẻ nâng cao hiểu biết về đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển bền vững.

“Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững” (ESD - Education for Sustainable Development) là một mục tiêu quan trọng trong “Mục tiêu Phát triển Bền vững” của Liên hợp quốc, được tất cả các Quốc gia Thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015.

Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà là Vườn Quốc gia đầu tiên tại Việt Nam xây dựng và vận hành chương trình này dưới sự hỗ trợ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Theo ông Nguyễn Lương Minh, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà, “Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà triển khai hoạt động du lịch kết hợp với giáo dục môi trường mục đích vì sự phát triển bền vững, tạo điều kiện cho các em học sinh được rèn luyện, trải nghiệm với thiên nhiên, tạo điều để các em học tập và phát huy kiến thức góp phần trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc bảo vệ rừng.”

 Các em học sinh đang tìm hiểu hệ thực vật trong Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Các em học sinh đang tìm hiểu hệ thực vật trong Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Giáo dục kiến thức bảo vệ môi trường

Chương trình Bidoup ESD đặt mục tiêu phát triển môi trường học tập tương tác và năng động thông qua các hoạt động giáo dục ngoài trời, trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa địa phương.

Những hoạt động này giúp học sinh nâng cao trải nghiệm môi trường tự nhiên, hiểu về bảo tồn đa dạng sinh học, và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này góp phần giúp các em nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển các kỹ năng cần thiết, đóng góp vào sự phát triển bền vững trong tương lai.

 Các học sinh học cách dệt thổ cẩm của người dân địa phương. (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Các học sinh học cách dệt thổ cẩm của người dân địa phương. (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Chương trình được chia thành hai đợt dành cho nhóm học sinh cấp 1 và 2 (từ ngày 1-7 đến 3-7) và nhóm học sinh cấp 3 (từ ngày 3-7 đến ngày 5/7), nội dung được xây dựng phù hợp với từng độ tuổi, kiến thức, tâm lý và thể chất của học sinh với các chủ đề chính bao gồm: khám phá thiên nhiên, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, rèn luyện kỹ năng sinh tồn, tìm hiểu văn hóa địa phương.

 Các em học sinh đang thực hiện kỹ năng “teamwork.” (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Các em học sinh đang thực hiện kỹ năng “teamwork.” (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Theo Tiến sỹ Lê Bửu Thạch, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, Trưởng nhóm thiết kế tư vấn chương trình cho biết “Chương trình ESD Bidoup sẽ được điều chỉnh dựa theo góp ý của các bên liên quan để phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế. Sau khi hoàn tất các điều chỉnh cần thiết, chương trình sẽ chính thức vận hành, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm học tập về môi trường tự nhiên cho các em học sinh. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng và các bên liên quan, góp phần vào sự nghiệp giáo dục và bảo tồn thiên nhiên.”

Phát huy và nhân rộng mô hình

Em Minh Quyên, học sinh lớp 8 trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đinh Thiện Lý, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Chương trình này đã giúp em học hỏi được nhiều kiến thức về thiên nhiên và kỹ năng sinh tồn trong rừng. Nếu có dịp em cũng muốn được tiếp tục tham gia chương trình này vì đây là lần đầu em được tham gia, em rất muốn được học hỏi thêm nhiều kiến thức mới về kỹ năng sinh tồn trong rừng.”

Tham dự hoạt động thí điểm lần này có hơn 60 học sinh đến từ hơn 20 trường Quốc tế và ngoài công lập như Trường Đài Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Pennschool, Marguerite Duras, Trường ESchool, Pathway, VAS, Wellspring, Tây Úc, Á Châu, Royal school, EMASI, Vinschool, AIS, Vstar, Trương Vĩnh Ký, Lawrence S.Ting, Học viện Mỹ-ISHCMC, Song ngữ Nguyễn Văn Luông…

 Các học sinh nhóm cấp 3 đang được diễn giải về hệ thực vật trong rừng. (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Các học sinh nhóm cấp 3 đang được diễn giải về hệ thực vật trong rừng. (Nguồn: Vườn Quốc gia Bidoup)

Theo anh Duy Trác, cha của một học sinh trường EMASI, Thành phố Hồ Chí Minh đi cùng đoàn, chia sẻ: “Biết được dự án này thông qua người bạn giới thiệu và sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định tham gia. Tôi đánh giá đây là chương trình có nhiều hoạt động hữu ích để con tôi có cơ hội khám phá và đắm mình trong thiên nhiên sau một thời gian dài học tập, được lắng nghe tiếng suối chảy, được sờ những cây trong rừng. Tôi thấy đó thật sự là những trải nghiệm quý giá, góp phần giúp con tôi có thêm nhiều kiến thức và tình yêu thiên nhiên”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giao-duc-vi-su-phat-trien-ben-vung-tai-vuon-quoc-gia-bidoup-nui-ba-post963706.vnp