Giáo dục vùng cao: Nỗi lo sau mùa dịch Covid-19
Bài 1: Nhiều học sinh chưa ra lớp
Bài 2: Nỗi lo như dài thêm
LCĐT - Câu chuyện về hàng trăm học sinh nghỉ học, bỏ học sau kỳ nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19 đang gióng lên hồi chuông báo động đối với nhiều trường học vùng cao Lào Cai.
“Nóng” chuyện học sinh tảo hôn
Mặc dù đã phần nào đoán trước được những nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh nghỉ học sau kỳ nghỉ kéo dài vì dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi nghe chia sẻ của các thầy cô giáo ở một số trường học.
Cô giáo Nguyễn Thị Mi Mi, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B Trường PTDT bán trú THCS La Pan Tẩn (huyện Mường Khương) rưng rưng khi kể lại chuyện Vàng Thị Dính - học sinh của lớp. Dính đã đi học trở lại được 1 tuần nhưng một lần về nhà ở thôn Sà San đã bị thanh niên tên là Thào Cú ở thôn Cu Ty Chải “kéo” về làm vợ, không cho đi học. Dính đã trốn lên đồi gọi cho cô giáo chủ nhiệm kể lại chuyện này và muốn nhà trường giúp đỡ để em được đi học tiếp. Tuy nhiên, khi thầy cô giáo đến, bố đẻ em chỉ nói “nó đi lấy chồng rồi thì giờ nhà chồng cho đi học mới được đi”, còn nhà chồng thì nhất quyết không cho Dính trở lại lớp.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS La Pan Tẩn cho biết: Trong 8 học sinh chưa ra lớp hiện nay, có 3 học sinh tảo hôn, 3 học sinh đi Trung Quốc làm thuê, 2 học sinh đi làm thuê ở tỉnh xa. Điều đáng nói là trong 3 học sinh tảo hôn thì có 1 học sinh lớp 6B là em Sùng Thị Chư. Sau khi bị “kéo”, Chư muốn đi học lại nhưng gia đình chồng không cho đi học. Còn em Giàng Xoa, học sinh lớp 9, sau khi tảo hôn không muốn đi học nữa. Hầu hết học sinh nữ bị “kéo” là do người Mông ở đây vẫn còn tập tục lạc hậu, muốn lấy con dâu về để có thêm người lao động cho gia đình.
Tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nàn Sín (huyện Si Ma Cai), sự thật vì sao 13 học sinh chưa ra lớp khiến chúng tôi bàng hoàng. Thầy giáo Hoàng Văn Khắn đưa cho chúng tôi danh sách học sinh chưa ra lớp, có 7 học sinh nữ nghỉ học do lấy chồng, 5 học sinh khác ở nhà lao động, 1 học sinh ốm điều trị tại bệnh viện; trong đó có 5 học sinh lớp 9, còn lại là lớp 7, lớp 8. Riêng lớp 9B (sỹ số lớp là 19) có 5 học sinh tảo hôn, trong đó 2 em chưa trở lại lớp học. Thật đau xót khi chuyện học sinh THCS ở đây lấy vợ, lấy chồng không phải là “chuyện lạ”.
Đằng sau câu chuyện học sinh tảo hôn
Ở Trường PTDT bán trú THCS La Pan Tẩn, nhiều học sinh tảo hôn do ảnh hưởng của tục “kéo vợ”, “bắt vợ” của người Mông, còn ở những nơi khác, liệu đây có phải là nguyên nhân chính? Cô giáo Thào Thị Bầu, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nàn Sín tâm sự: Chưa năm nào học sinh của trường lại tảo hôn nhiều như năm nay, có lẽ do nghỉ học quá lâu nên mới xảy ra chuyện này. Trong số các trường hợp tảo hôn ở đây, một số do bị “kéo”, còn số khác do các em tự nguyện. Các em cứ thích nhau là về ở với nhau như vợ chồng, gia đình cũng không cần tổ chức đám cưới nên dẫn đến tình huống khi giáo viên hỏi học sinh khác và đến tận nhà các em mới biết sự việc đã xảy ra.
Ở Trường THPT số 1 Mường Khương, từ khi học sinh quay trở lại trường học, thầy giáo Phan Như Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường lo lắng nhiều hơn. Trường mặc dù nằm ở trung tâm thị trấn Mường Khương nhưng từ đầu năm học 2019 -2020 đến nay đã giảm 38 học sinh (tăng 5 học sinh so với năm học trước). Trong đó, sau đợt nghỉ học phòng, chống dịch đến nay còn 22 học sinh chưa ra lớp. Thầy Quỳnh cho biết nguyên nhân học sinh nghỉ học, bỏ học có nhiều nhưng chiếm một nửa vì tảo hôn, có nguy cơ tảo hôn và số còn lại là đi làm thuê xa, ở nhà giúp gia đình, không muốn đi học tiếp… Học sinh ở các xã xa về trường ở bán trú thì đỡ lo hơn, còn học sinh ở một số xã gần lại hay nghỉ học. Như ở thị trấn Mường Khương còn 6 học sinh chưa ra lớp, xã Tả Ngải Chồ còn 7 học sinh chưa ra lớp. Những năm trước không ít học sinh đi học đại học, cao đẳng về không xin được việc làm cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của thế hệ học sinh sau.
Việc học sinh bỏ học do tảo hôn và các nguyên nhân khác sẽ để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới chính các em và nhà trường. Tương lai các em rồi sẽ về đâu khi bỏ học lấy chồng, lấy vợ, sinh con, gánh trên vai nỗi lo mưu sinh, nghèo đói, nỗi lo đổ vỡ hạnh phúc gia đình? Thầy Quỳnh ái ngại khi nói về chuyện một số học sinh nữ của trường sau khi lấy chồng rồi mang thai, có em bị nhà chồng không cho đi học nữa, có em vẫn cố gắng đi học tiếp.
Khi được hỏi “liệu các em có biết về những hệ lụy sau này và tại sao học sinh vẫn tảo hôn nhiều như vậy?”, thầy Quỳnh trăn trở: Không phải học sinh không biết về các biện pháp tránh thai và những hệ lụy sẽ xảy ra, nhưng phải nhìn nhận thực tế là một số học sinh nữ người dân tộc thiểu số có tâm lý lo sợ người yêu bỏ rơi nên vẫn chấp nhận việc có thai để ràng buộc chồng hoặc người yêu. Đối với học sinh nam, gia đình các em bắt phải lấy vợ để có thêm lao động hoặc có em lo nếu không lấy vợ nhanh thì người yêu sẽ bị kẻ khác “kéo” mất.
Xót xa cho học trò
Cùng mang tâm sự như thầy giáo Quỳnh, cô giáo Ngô Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nàn Sín cho biết: Mới đây, tôi cùng các thầy cô giáo trong trường đến vận động em Ma Thị Chư (học sinh lớp 8A) ở thôn Phìn Chư 3 ra lớp. Chư vốn là học sinh ngoan, lễ phép, học sinh giỏi của lớp. Tuy nhiên, sau thời gian nghỉ tết và nghỉ vì dịch Covid-19, Chư đã bỏ học dài ngày. Bố mẹ Chư cho biết em đã về nhà chồng ở thôn Phìn Chư 3, con gái 14 - 15 tuổi mà không lấy sau này sẽ ế. Nhìn khuôn mặt Chư còn non nớt, tâm hồn còn trẻ thơ mà xót xa.
Trên đường trở về trường từ nhà Chư mù mịt hơi sương, cô giáo Dương còn ghé thăm gia đình một học sinh đã bỏ học từ năm trước vì tảo hôn. Đó là Giàng Thị Dín. Dín đang học lớp 8 thì có tình cảm với một thanh niên cùng thôn, sau đó gia đình em nhận lễ vật của nhà trai, đồng ý gả em về nhà chồng. Bố mẹ chồng bảo cưới xong vẫn cho Dín đi học nhưng vì xấu hổ với bạn bè nên em không trở lại trường nữa mà ở nhà phụ giúp gia đình. Bây giờ, ở tuổi 15, Dín địu trên lưng một em bé chưa đầy 1 tháng tuổi. Gặp cô giáo, Dín xấu hổ, vội quay mặt đi và nói đó là con của mình.
“Năm nào cũng vậy, dù không muốn nhưng nhà trường vẫn phải ghi nhận những trường hợp nữ sinh nghỉ học để lấy chồng. Các em còn quá nhỏ, không có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, không có việc làm ổn định, cuộc sống hôn nhân gia đình lại phức tạp, tương lai của các em rồi đi về đâu? Đó là chưa kể đến những đứa trẻ sinh ra từ cuộc tảo hôn cũng chịu nhiều thiệt thòi”, cô Dương xót xa. “Sau Tết là thời điểm giáo viên vùng cao lo lắng và vất vả nhất bởi các tục lệ như “kéo” vợ diễn ra rất nhiều. Đây chính là lý do mà học sinh hay bỏ học, ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ chuyên cần của nhà trường”.
Bài 3: Cần nhiều giải pháp quyết liệt