Giáo dục vùng cao: Nỗi lo sau mùa dịch Covid-19

Giáo dục vùng cao: Nỗi lo sau mùa dịch Covid-19

Bài 1: Nhiều học sinh chưa ra lớp

Bài 2: Nỗi lo như dài thêm

Bài 3: Cần nhiều giải pháp quyết liệt

LCĐT - Không còn lâu nữa là năm học 2019 - 2020 kết thúc. Tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài, bỏ học nhiều sau đợt nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 ở vùng cao Lào Cai sẽ để lại nhiều hệ lụy nếu ngành giáo dục cũng như chính quyền các địa phương không có giải pháp mạnh mẽ, kịp thời.

Nỗ lực “giải cứu” học sinh

Cũng tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nàn Sín (huyện Si Ma Cai), cô giáo Ngô Thùy Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong ngày đầu tái giảng, rất nhiều học sinh chưa ra lớp, trong đó có 17 học sinh tảo hôn. Sau đó, với rất nhiều cố gắng, nhà trường đã vận động được 10 học sinh mới tảo hôn đi học trở lại, như các em Cư Thị Chấu, Sùng Thị Sở, Ma Thị Dủa, Giàng Seo Tá (lớp 9A), Ly Thị Chủ, Giàng Seo Vềnh, Lù Thị Ly (lớp 9B)… Xúc động nhất là lần vận động em Cư Thị Chấu (lớp 9A). Chấu có học lực khá, nhà ở thôn Phìn Chư nhưng bị một thanh niên ở thôn Giàng Chá Chải “kéo” về làm vợ. Cô Dương đã kiên trì thuyết phục gia đình cho Chấu đi học lại, phân tích vì em học tốt nếu bỏ học thì rất tiếc. Do áp lực gia đình nên khi ấy Chấu chỉ im lặng và khóc. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục của cô Dương, chồng và mẹ chồng Chấu cuối cùng cũng đồng ý cho em trở lại trường. Chấu hiện tại rất vui vẻ và chịu khó đi học cùng các bạn.

Cô giáo Thào Thị Bầu, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nàn Sín (Si Ma Cai) tuyên truyền cho học sinh về hệ lụy tảo hôn.

Cô giáo Thào Thị Bầu, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nàn Sín (Si Ma Cai) tuyên truyền cho học sinh về hệ lụy tảo hôn.

Thầy giáo Phạm Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Si Ma Cai, người có 15 năm gắn bó với vùng cao Si Ma Cai cho biết, sau đợt nghỉ chống dịch Covid-19, riêng xã Nàn Sín có 10 học sinh của trường không ra lớp. Lãnh đạo trường trực tiếp cùng giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo UBND xã, trưởng thôn đến tận nhà các em vận động, kết quả là đã vận động được 4 học sinh ra lớp. “Mỗi lần đi vận động được học sinh tảo hôn, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh muốn nghỉ học trở lại trường, chúng tôi như đạt được kỳ tích, vui vì “giải cứu” được học sinh, trong lòng cũng vơi bớt nỗi lo”, thầy Hoàng chia sẻ.

Theo thầy giáo Phan Như Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Mường Khương, sau khi vận động được học sinh tảo hôn ra lớp, để giữ được các em học tập lâu dài cũng là bài toán khó, nhất là học sinh nữ. Các thầy cô giáo thường xuyên tuyên truyền giáo dục giới tính cũng như tâm sự, động viên để các em cố gắng học tập. Nhà trường cũng tích cực tuyên truyền các học sinh khác trong trường không học theo những bạn tảo hôn nhưng cũng tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với học sinh tảo hôn đang tiếp tục đi học.

Cần biện pháp mạnh xử lý tảo hôn

Qua trao đổi với đại diện nhiều trường học và tìm hiểu thực tế, nguyên nhân chính dẫn đến học sinh không ra lớp sau đợt nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến vấn đề tảo hôn và học sinh bỏ học đi làm thuê, lao động giúp gia đình. Thầy giáo Lù Văn Thành, Trường THPT số 3 Mường Khương, nơi có 15/23 học sinh chưa ra lớp do tảo hôn cho biết: Nhà trường đã báo cáo UBND huyện Mường Khương để có phương án chỉ đạo các xã tăng cường vận động học sinh ra lớp. Cùng với đó, trường phối hợp với UBND các xã hằng ngày lập danh sách học sinh nghỉ học để nắm tình hình. Trường đã thành lập ban vận động học sinh ra lớp và mỗi lớp có 1 tiểu ban vận động học sinh gồm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên quản lý bán trú, 5 học sinh tích cực trong lớp. Nhà trường mong cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý vấn đề tảo hôn.

Theo ông Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai, vấn đề học sinh bỏ học, nghỉ học thời gian qua cần phải được các trường công khai, lên tiếng một cách trung thực để có sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và xã hội. Để giải quyết vấn đề tảo hôn - nguyên nhân chính dẫn tới học sinh nghỉ học và bỏ học hiện nay - phương pháp tuyên truyền, vận động chỉ có hiệu quả nhất định. Đây là vấn đề chung của toàn xã hội, cần cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, xử lý tảo hôn theo quy định của pháp luật mới đủ sức răn đe.

Ông Giàng Sín Chớ, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai khẳng định: Ngay trong tháng 6, huyện sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện các mô hình tự quản, trong đó nhấn mạnh giải pháp đưa nội dung vận động học sinh ra lớp vào hương ước, quy ước thôn, bản và các dòng họ. Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Si Ma Cai đã xử 1 trường hợp tảo hôn, thời gian tới sẽ tăng cường giải pháp này nhằm giảm tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn.

Chú trọng phân luồng học sinh

Cuối tháng 5/2020, khi chúng tôi có mặt tại xã La Pan Tẩn (huyện Mường Khương) thì tại UBND xã cũng đang diễn ra một hội nghị về bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần và triển khai tuyển sinh đầu cấp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT năm 2020. Hội nghị với sự chủ trì của lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Khương, đại diện UBND các xã và các trường học trên địa bàn.

Huyện Mường Khương tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ chuyên cần.

Huyện Mường Khương tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ chuyên cần.

Ông Phùng Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Những năm gần đây, công tác tuyển sinh đầu cấp THCS, THPT còn nhiều vấn đề cần quan tâm, chỉ đạo. Đối với tuyển sinh vào lớp 10 đảm bảo, song không duy trì được số lượng theo nguồn tuyển sinh; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT, học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp đạt 76% nhưng chưa thực sự bền vững; phân luồng chỉ tiêu vào THPT, trung tâm GDTX, học nghề chưa đảm bảo kế hoạch; tỷ lệ học sinh vào học đại học, sơ cấp cao; vào học nghề, học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp còn thấp. Vì thế cần điều chỉnh tăng tỷ lệ học sinh vào học nghề, học cao đẳng, trung cấp để cân đối giữa các lĩnh vực và phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Về giải pháp vận động học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần hiện nay, ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết: Sau đợt nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, tỷ lệ học sinh ra lớp trên toàn tỉnh khá khả quan. Tuy nhiên ở một số huyện như Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát… vẫn còn tình trạng học sinh nghỉ học do tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đi làm ăn xa, lao động giúp gia đình. Đối với giáo dục vùng cao, muốn có chất lượng giáo dục thì trước hết phải có tỷ lệ chuyên cần, đảm bảo sỹ số học sinh.

“Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị lãnh đạo UBND các huyện chỉ đạo ban chỉ đạo giáo dục từ huyện đến xã, thôn, bản cùng với các trường rà soát lại số lượng học sinh chưa ra lớp và vào cuộc mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong nâng cao tỷ lệ chuyên cần, duy trì số lượng học sinh”, ông Tâm nhấn mạnh.

Em Vàng Thị Dính, lớp 9B, Trường PTDT bán trú THCS La Pan Tẩn (huyện Mường Khương) đã được đến trường.

Em Vàng Thị Dính, lớp 9B, Trường PTDT bán trú THCS La Pan Tẩn (huyện Mường Khương) đã được đến trường.

Để giải bài toán học sinh vùng cao bỏ học do tảo hôn, đi làm thuê, cuộc sống khó khăn không phải là câu chuyện có thể làm ngay một sớm, một chiều. Chúng tôi chưa thể khép lại vấn đề này trong một loạt bài nhưng muốn chia sẻ thông tin vui từ cô giáo Nguyễn Thị Mi Mi, Giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, Trường PTDT bán trú THCS La Pan Tẩn, huyện Mường Khương đã nói: “Vừa qua, tôi cùng thầy hiệu trưởng nhà trường, cán bộ xã, trong đó có cả công an xã đến nhà chồng em Vàng Thị Dính để đưa em Dính trở lại trường. Hiện nay, Dính đang ở bán trú tại trường và rất vui vì được đi học trở lại. Nếu nhà chồng Dính tiếp tục không cho Dính đi học thì chính quyền xã, công an xã sẽ xử lý nghiêm”.

Thiết nghĩ, nếu xã nào cũng vào cuộc quyết liệt như La Pan Tẩn có lẽ nhiều học sinh vùng cao sẽ được nối lại ước mơ cắp sách đến trường.

Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/giao-duc-vung-cao-noi-lo-sau-mua-dich-covid-19-z5n20200622152646963.htm