Giáo dục | Xã Hội | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sinh thời, Bác Hồ từng nói: 'Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan'. Qua lời của Bác cho chúng ta thấy một thực tế, quan tâm trẻ chính là cho trẻ sống đúng với tuổi thơ của mình. Như thế nào là sống đúng: hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, biết những nhu cầu cơ bản của cuộc sống (ăn, ngủ, học hành). Vậy trẻ em hiện nay đã được sống đúng với tuổi thơ của mình hay không?

Cuộc sống hiện đại đúng là rất khác ngày xưa, ngày mà những người lớn chúng ta hiện nay (kể cả gia đình và những người làm công tác giảng dạy) đã trải qua một tuổi thơ rất đơn sơ, mộc mạc với cánh diều, với trò chơi “trận giả”, “bịt mắt bắt dê”, với các lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa của người vùng cao, với lời ru của mẹ, câu chuyện cổ tích của bà...soi chiếu lại thì khoảng thời gian đó có lẽ là vui nhất, hồn nhiên và đáng nhớ nhất. Hiện tại, với một cuộc sống phát triển nhanh, hội nhập, tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì rõ ràng tuổi thơ của trẻ em đã có nhiều sự thay đổi. Sự thay đổi đó có nhiều mặt tích cực như: cuộc sống đầy đủ hơn, được học tập nhiều môn học hơn, có nhiều khu vui chơi hơn, được tham gia nhiều chương trình truyền hình hơn. Nhưng cũng đặt ra một vấn đề để chúng ta cùng suy ngẫm: liệu rằng các em có được vui vẻ, hạnh phúc hay ngày càng gia tăng những áp lực từ nhiều phía.

Trước hết, tôi quan sát thấy ngày nay trẻ em có rất ít thời gian và không gian để vui chơi. Từ hệ thống các môn học, bài tập nhiều chiếm hầu hết thời gian. Hình ảnh thân quen mà chúng ta bắt gặp trên đường là một chiếc cặp to, một cặp kính to trên một thân hình nho nhỏ, vội vàng để đến lớp cho kịp giờ; hết giờ học vội vàng để đi học các môn năng khiếu: tính nhanh, tính nhẩm, đàn, nhạc, vẽ...không gian của các em chỉ quanh quẩn trong phòng học, từ phòng học to đến phòng học nhỏ, từ một không gian học tập này đến một không gian học tập khác. Ở nông thôn hay miền núi, trẻ em còn có không gian để vui đùa với không khí trong lành, hòa mình vào thiên nhiên nhưng nếu ở thành phố lớn thì đó là điều xa xỉ bởi các yếu tố không an toàn luôn bủa vây: bắt cóc, tai nạn, cướp, không khí ô nhiễm...

Trẻ em cần được vui chơi, học tập theo đúng lứa tuổi.

Trẻ em cần được vui chơi, học tập theo đúng lứa tuổi.

Học nhiều là vậy nhưng chúng ta hãy quan sát để nhận thấy có những điều hết sức cơ bản thường ngày mà một số trẻ em ngày nay vẫn chưa làm được: Chào hỏi người lớn tuổi; giao tiếp hài hòa với các bạn; giữ vệ sinh; đi vệ sinh đúng cách; tham gia giao thông; bảo vệ bản thân trước người lạ, kẻ xấu, trước các hiện tượng của thiên nhiên; giúp đỡ người già, thương yêu em bé...thậm chí có nhiều trẻ học lớp 2, lớp 3 mà ăn uống bố mẹ phải bón, đi vệ sinh cũng phải có người trợ giúp...

Về tâm lý, chúng ta nhận thấy trẻ em ngày nay liệu có được sự hồn nhiên vốn có hay thiếu tự giác, đối phó; hay buồn, hay nổi nóng hoặc lầm lì, ít nói hoặc đánh nhau... Hay chúng ta chỉ đang nhìn vào điểm số, vào thứ bậc, vào giấy khen và những lời tung hô lên mạng còn thực tế chúng ta đã quan tâm đến chính con mình đang nghĩ gì? Có thực sự được sống với tuổi thơ hay không.

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng trên?

Điều đầu tiên có lẽ phải thẳng thắn chia sẻ đó là tâm lý kỳ vọng quá lớn vào trẻ của các bậc phụ huynh. Tâm lý này thể hiện bản ngã của người lớn tuổi luôn đưa con mình ra để so sánh, để khoe khoang với bạn bè, đồng nghiệp hoặc ngay trong gia đình. Chính tâm lý này của người lớn vô hình đã áp đặt lên trẻ một tư tưởng phải học, học giỏi, học để lấy thành tích, lấy giấy khen, tham gia các cuộc thi... Từ đó, hình thành trong tiềm thức của trẻ một cuộc sống ganh đua rất sớm, thất bại là xấu hổ; thất bại sợ cha mẹ đánh đòn, trách mắng, thất bại là điều không thể chấp nhận được. Để tránh điều đó, trẻ sẽ phải căng mình lên học tập, trẻ phải tập nói dối, đối phó, nhìn bài bạn...chỉ để chiều lòng người lớn chứ thực tế trong tâm của mình liệu trẻ em có mong muốn điều đó. Và tôi nghĩ bản thân người lớn cũng không có thời gian để nghĩ trẻ đang mong muốn điều gì vì đang quá bận tâm vào tìm trường tốt, cô tốt, lớp học thêm tốt, phương pháp tốt cho con mình.

Cha mẹ chưa dành nhiều thời gian để lắng nghe con, chơi với con, học với con. Họ luôn có suy nghĩ phải đi làm, phải kiếm tiền, phải xã giao. Nếu không có tiền, không có quan hệ con mình không có điều kiện được học tốt, học những trường đẳng cấp, học những giáo viên giỏi. Và như vậy sẽ tụt hậu, sẽ đứng cuối lớp, sẽ bị người khác chê bai không biết dạy con...Nhưng điều đứa trẻ cần lại chính là thứ người lớn không có: thời gian. Trẻ cần được lắng nghe, chia sẻ, động viên, khích lệ. Nhưng đáp lại những điều đó, chúng ta thường nghe những câu quen thuộc: “con thì biết gì”, “mẹ biết con định nói gì rồi, thôi nhé, việc đó không nghĩ như vậy”; điệp khúc “con phải...”; “con làm cha mẹ xấu hổ”...nếu chúng ta là người lớn thử đặt mình trong địa vị con trẻ rồi ngẫm nghĩ xem chúng ta sẽ thế nào nếu hàng ngày nghe những điều đó. Liệu rằng đó có phải đang tạo áp lực, trở thành kim cương.

Bên cạnh những vấn đề trên chúng ta thấy một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em như hiện nay đó là quá nhiều các phương pháp giáo dục. Qua theo dõi trên mạng Internet và qua nghiên cứu sách về đề tài giáo dục, tôi nhận thấy hiện có nhiều phương pháp giáo dục khác nhau: giáo dục kiểu Mỹ, Do thái, Pháp, Ý, Hàn Quốc, Nhật, nào là câu chuyện cha voi, mẹ hổ...nhưng tuyệt nhiên không thấy phương pháp học tập made in Việt Nam. Rõ ràng là trẻ em Việt Nam nhưng lại phải áp dụng phương pháp giáo dục của nước ngoài. Đồng ý, cần phải có sự tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng vấn đề đặt ra là áp dụng như thế nào, ra sao. Nhìn qua, các phương pháp giáo dục của nước ngoài đang áp đặt vào trẻ em Việt Nam và chúng ta muốn có một kết quả như trẻ em nước ngoài liệu có hiệu quả? Trong khi đó từ vị trí địa lý, lịch sử, thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau...vậy việc áp dụng các phương pháp đó có giống nhau? Có nhiều em liên tục được bố mẹ nhồi nhét tổng hợp các phương pháp học, bởi cha mẹ cuồng các nước phát triển và mỗi người lại chọn một phương pháp khác nhau, không có được tiếng nói chung. Hệ quả của các phương pháp đó là đứa trẻ như là một vật thí nghiệm và chúng không biết theo ai, theo điều gì và định hình giá trị của bản thân.

Giải pháp giáo dục gia đình dành cho trẻ em hiện nay

Việc đưa ra một giải pháp toàn diện cho giáo dục trẻ em hiện nay là điều rất khó, nó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội hóa giáo dục. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến góc độ giáo dục gia đình. Qua lăng kính chủ quan, tôi gợi mở một số định hướng giáo dục trẻ em để các bậc cha mẹ cùng nhau nhau suy ngẫm:

Nhận thức giá trị giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em

Trong giáo dục trẻ em, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Bởi vì thời gian trẻ em ở bên gia đình là chủ yếu, thời gian đến trường của các em từ hệ thống mầm non, tiểu học không nhiều, chưa kể các em còn nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, nghỉ tết, nghỉ hè và trong bối cảnh đại dịch Covid 19 các em đã và đang học tập online. Gia đình chính là nôi đào tạo và tiếp nhận sản phẩm của quá trình đào tạo từ phía gia đình và từ nhà trường. Hơn hết, trách nhiệm giáo dục trẻ em chính yếu thuộc về gia đình và cha mẹ đóng vai trò nền tảng, quan trọng. Phải nhận thức rõ và chịu trách nhiệm về điều này chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nền giáo dục nói chung và giáo dục nhà trường nói riêng. Chỉ có nhận thức đúng, nâng cao trách nhiệm giáo dục gia đình thì chính con trẻ mới có thể tiến bộ cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, lễ tiết...

Hãy đồng hành cùng nhà trường trong giáo dục trẻ em

Cha mẹ cần xác định rõ việc thường xuyên thực hiện quan hệ phối hợp với nhà trường trong quản lý và giáo dục trẻ em. Mối quan hệ này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Vẫn còn tình trạng một số gia đình đi họp phụ huynh nhầm lớp; không biết con học trường nào, ai là giáo viên chủ nhiệm và hàng ngày con học điều gì. Chính việc vô tâm trong giáo dục trẻ này mới dẫn tới đứt đoạn mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình. Vẫn nhiều cô giáo, thầy giáo tâm huyết trong giáo dục trẻ và có những trao đổi với phụ huynh thông qua hình thức như lập nhóm mạng xã hội, phê vào sách học, sổ liên lạc...nhưng các gia đình chưa quan tâm rốt ráo và chủ động trong trao đổi, đến khi một sự việc nghiêm trọng xảy ra thì mới tá hỏa đi giải quyết hậu quả bằng cách trách phạt trẻ em, phê bình nhà trường. Thậm chí có những hành động cực đoan khác như trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Điểm thuận lợi trong thời đại công nghệ 4.0 chính là việc liên lạc giữa gia đình và nhà trường đã có sự hỗ trợ của mạng Internet nên việc kết nối rất thuận lợi, chỉ cần quan tâm và giữ mối liên hệ đó thì việc giáo dục trẻ sẽ đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả.

Giáo dục trẻ em nên chú trọng cả về lễ nghĩa và kiến thức

“Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn luôn đúng trong bối cảnh xã hội bây giờ. Với trẻ em phải giáo dục những giá trị thuộc về đạo đức, lễ tiết, tác phong xem đó là gốc để phát triển bền vững sau này. Những nghi thức đơn giản như: chào hỏi, ngồi ăn; ngồi học bài trong lớp; giữ vệ sinh thân thể; giúp đỡ bạn bè; tham gia kế hoạch nhỏ...sẽ hình thành trong các em tinh thần hợp tác, biết chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Đó chính là tinh thần hợp tác quốc tế hiện nay. Rồi việc chào hỏi thể hiện việc kính trên nhường dưới, hình thành dần trong trẻ ý thức xếp hàng, chờ đợi...Bên cạnh đó, bồi dưỡng kiến thức cho trẻ cũng cần lựa chọn những nội dung bao quát rộng, đa dạng và giàu tính khám phá để kích thích các em tìm hiểu. Học phải đi đôi với hành, các bạn học bảo vệ môi trường thì bố mẹ có thể cho các bạn nhỏ tham gia lao động công ích, ngày chủ nhật xanh, tham gia dọn dẹp phòng ở, nhà ở, khu vực nơi mình ở, trồng cây...phù hợp từng lứa tuổi. Như vậy, trẻ vừa có hoạt động ngoại khóa lành mạnh, vừa rèn luyện thể chất cũng như gắn lý thuyết đã học vào thực tế cuộc sống.

Hãy tìm ra thế mạnh của trẻ và bồi dưỡng theo thế mạnh

Những năm gần đây, các chuyên gia giáo dục đã đề xuất giáo dục khai phóng, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. Vậy phải chăng mỗi gia đình cũng cần nghiêm túc nhìn nhận con mình có năng khiếu, thế mạnh về loại trí thông minh nào: trí thông minh logic, trí thông minh nội tâm; trí thông minh vận động; trí thông minh xã hội; trí thông minh ngôn ngữ; trí thông minh không gian; trí thông minh âm nhạc; trí thông minh thiên nhiên; trí thông minh triết học...vậy con bạn thuộc loại trí thông mình nào? Phải nắm rõ, thấu hiểu đặc điểm của loại trí thông minh đó và bồi dưỡng trẻ đi theo thế mạnh của bản thân trong mối liên hệ với các trí thông minh khác để hỗ trợ cho trí thông minh chính.

Hãy trang bị kiến thức cho bản thân trong giáo dục trẻ em một cách phù hợp

Mỗi bậc cha mẹ cần xác định mình chính là nhà giáo dục. Như vậy, cha mẹ vừa là đóng vai trò là người sinh thành ra trẻ, đồng thời phải đóng vai trò là người thầy của trẻ. Nhưng thực tế các bậc cha mẹ luôn có suy nghĩ mình có học sư phạm đâu, mình có phải nhà giáo dục đâu, việc đó của nhà trường, của giáo viên...suy nghĩ như vậy là không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Muốn giáo dục trẻ em hiệu quả thì phải coi trọng giáo dục gia đình, muốn giáo dục gia đình tốt thì bản thân cha mẹ phải học phương pháp giáo dục phù hợp với con mình, với lứa tuổi của con. Phải dành nhiều thời gian nghiên cứu về giáo dục mầm non, tiểu học, về tâm lý học trẻ em, về các chương trình giáo dục trẻ. Trong điều kiện hiện nay, bất cứ một bậc cha mẹ nào cũng có thể thực hiện chứ không thể phủ nhận là tôi không có trình độ, không có chuyên môn, tôi đang bận...

Yêu thương trẻ vô điều kiện

Đây là vấn đề cốt lõi, trọng tâm mà tôi muốn nhắn gửi đến các bậc đang làm cha mẹ. Hãy cho con trẻ được sống đúng với tuổi thơ của trẻ; được phép biết ăn, biết ngủ, biết học hành. Biết có nghĩa là trải nghiệm chứ không phải là thiên tài, thần đồng trong những việc đó; biết không đồng nghĩa với giỏi; biết không đồng nghĩa phải được nhận phần thưởng hay thành tích khi làm những việc đó. Đơn giản, chỉ cần cho trẻ một không gian tuổi thơ để trải nghiệm đúng với lứa tuổi của trẻ; hãy yêu thương, quan tâm trẻ đúng cách, khoa học đó là cách ươm mầm những đứa trẻ tài năng sau này.

Yêu trẻ đúng cách chính là các bậc cha mẹ hãy cho trẻ được sống với tuổi thơ của chúng. Cha mẹ hãy là người quan sát, định hướng, ươm mầm mà thôi. Hãy loại bỏ các bệnh thành tích; sự đố kỵ, ganh đua, khoe khoang của người lớn lên trên vai một đứa trẻ. Bởi vì, chúng hoàn toàn chưa đủ lớn, chưa đủ biết, chưa đủ hiểu và không xứng đáng phải trưởng thành sớm như vậy. Hãy tôn trọng tuổi thơ của trẻ bằng trí tuệ!

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c/m%E1%BB%97i-gia-%C4%91%C3%ACnh-h%C3%A3y-%C4%91%E1%BB%83-tr%E1%BA%BB-s%E1%BB%91ng-%C4%91%C3%BAng-v%E1%BB%9Bi-tu%E1%BB%95i-th%C6%A1