Giáo dục | Xã Hội | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (DTBT TH) Nậm Pì, xã Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn) hiện có 162 học sinh thuộc diện được ăn, ở bán trú tại trường. Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, từ ban giám hiệu, các thầy, cô giáo và nhân viên nhà trường đang nỗ lực từng ngày chăm lo cho học sinh như chính con em mình.

Nói về những khó khăn, thiếu thốn có lẽ Trường Phổ thông DTBT TH Nậm Pì hiện nay đang là trường khó khăn nhất huyện biên giới Nậm Nhùn. Nói vậy bởi toàn bộ cơ sở vật chất, trường lớp học vẫn là các khu nhà tạm, nhà lắp ghép được các tổ chức, cá nhân tài trợ. Đối với học sinh bán trú, 162 em được bố trí 2 phòng ở tập thể có diện tích chưa đến 150m2. Phần lớn các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Vì vậy, việc dạy và học của thầy giáo, cô giáo cũng như học sinh nơi đây có phần vất vả hơn so với các xã khác trên địa bàn.

Giờ ăn trưa của học sinh ở bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn).

Giờ ăn trưa của học sinh ở bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn).

Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tại Trường Phổ thông DTBT TH Nậm Pì, mỗi học sinh thực hiện chế độ ăn, ở bán trú sẽ nhận được mức hỗ trợ 15kg gạo/tháng cùng số tiền bằng 40% mức lương cơ sở. Được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh, như vậy số tiền ăn hàng ngày của các em khoảng 19.600 nghìn đồng/ngày cho 3 bữa ăn (sáng, trưa, tối). Với số tiền trên, việc duy trì và lên thực đơn hàng ngày để đảm bảo dinh dưỡng là rất khó.

Thầy Nguyễn Xuân Thành-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có 383 học sinh và chỉ có 162 em ở bán trú, nếu có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn chúng tôi sẽ đón thêm các em về ở bán trú tại trường. Chế độ ăn quá thấp, thực phẩm đắt đỏ nên để duy trì bữa ăn hàng ngày cho các em rất vất vả. Các món chủ đạo thường là trứng, cá, thịt lợn, thịt gà và đậu được thay đổi hàng ngày. Thường trong ngày sẽ có bữa trưa hoặc tối các em được ăn thịt, còn buổi sáng ăn mì tôm hoặc uống sữa trước khi lên lớp.

Cùng với đó, do quá chật nên điều kiện về vệ sinh cá nhân, vệ sinh tập thể hàng ngày cũng chưa được đảm bảo. Buổi sáng, khi ngủ dậy em nào cũng cần phải thực hiện vệ sinh cá nhân trước khi lên lớp. Song ít nhà vệ sinh, các em phải chờ nhau hay dậy thật sớm nếu không sẽ không kịp giờ lên lớp. Bếp nấu ăn cũng do nhà trường tự vận động làm tạm bợ, chưa đảm bảo được các quy định đối với bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường tiểu học. Việc nấu nướng hàng ngày được giao cho hai nhân viên hợp đồng cùng với sự phụ giúp của các thầy, cô giáo trong trường. Không chỉ khó cho học sinh, các thầy, cô giáo tại Trường Phổ thông DTBT TH Nậm Pì cũng rất vất vả khi tổ chức ăn, ở cho học sinh bán trú. Cứ thay phiên nhau, dù ở xa hay gần tối nào cũng phải có 1-2 thầy, cô ở lại để nhắc nhở chuyện ăn, ở và vệ sinh của học sinh.

Cô Lâm Thị Tuyết (giáo viên nhà trường) cho biết: Trung bình mỗi tháng tôi có bốn buổi trực bán trú, số tiền phụ cấp được hưởng là 447 nghìn đồng/tháng. Vì các em còn nhỏ nên phải thường xuyên nhắc nhở, giúp các em từ việc cá nhân cho đến dậy các em học, ôn bài hàng ngày. Tôi mong trong những năm tới, nhà trường sẽ được đầu tư cơ sở vật chất khang trang hơn, có thêm hỗ trợ đối với học sinh và giáo viên ở những trường có học sinh bán trú.

Trước những khó khăn đó, ban giám hiệu cùng các thầy, cô giáo Trường Phổ thông DTBT TH đã có nhiều giải pháp để chăm lo cho học sinh bán trú, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, đảm bảo được sỹ số các lớp học. Sau giờ lên lớp các thầy, cô giáo và học sinh ở bán trú tăng gia thêm bằng việc trồng rau trên diện tích đất trống của nhà trường. Vừa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp lại vừa tạo được nguồn rau sạch tại chỗ cung cấp cho bếp ăn của học sinh bán trú, rèn kỹ năng sống cho các em. Kêu gọi nhiều nguồn hỗ trợ khác từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ… giúp các em thay đổi thực đơn hàng ngày. Với những đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường luôn có hợp đồng rõ ràng, biết rõ nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm đông lạnh. Tuân thủ quy trình bảo quản và chế biến thực phẩm cho học sinh.

Nhờ đó, kết thúc học kỳ I, năm học 2021-2022, sỹ số các lớp học luôn đảm bảo trên 98%. Đánh giá môn học và các hoạt động giáo dục mức “hoàn thành” trở lên đạt trên 99%. Phấn đấu đến hết năm học có 99,2% trở lên học sinh được công nhận “Hoàn thành chương trình lớp học”; 100% học sinh được công nhận “Hoàn thành chương trình tiểu học”.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c/gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-ch%C4%83m-lo-cho-h%E1%BB%8Dc-sinh-b%C3%A1n-tr%C3%BA