Giáo hoàng Francis đơn giản hóa lễ tang của bản thân trước khi qua đời
Lễ tang giáo hoàng theo truyền thống vốn là nghi thức long trọng, nhưng gần đây Giáo hoàng Francis đã phê chuẩn kế hoạch đơn giản hóa toàn bộ nghi lễ.

Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88. Ảnh: Reuters.
AP đưa tin Giáo hoàng Francis đã sửa đổi các nghi lễ trong lễ tang, đơn giản hóa thủ tục để nhấn mạnh vai trò giám mục của bản thân. Thông tin này được tờ Vatican L’Osservatore Romano công bố hôm 20/11/2024 trong cuốn sách phụng sự mới được cập nhật thay thế phiên bản năm 2000.
Hôm 21/4, Vatican thông báo tin Giáo hoàng Francis qua đời. Vị giáo hoàng 88 tuổi đã chịu nhiều căn bệnh khác nhau trong suốt 12 năm qua. Hôm 18/2, ông nhập viện do suy hô hấp cấp tính vì nhiễm trùng. Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là hôm 20/4 từ ban công Vương cung Thánh đường St Peter.
Đức hồng y Kevin Farrell thông báo Giáo hoàng Francis qua đời Đức hồng y Kevin Farrell ngày 21/4 thông báo Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88.
Theo truyền thống, các vị giáo hoàng trước đây thường được an táng trong ba lớp quan tài lồng vào nhau, làm từ gỗ bách, bằng chì và bằng gỗ sồi. Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis chọn quan tài gỗ đơn giản, có lót kẽm bên trong, BBC đưa tin.
Ông cũng bãi bỏ truyền thống đặt thi hài giáo hoàng trên bục cao - gọi là catafalque - tại Vương cung Thánh đường St Peter để công chúng kính viếng. Thay vào đó, giáo dân sẽ được mời đến tiễn biệt khi thi hài giáo hoàng nằm trong quan tài mở nắp.
Giáo hoàng Francis cũng sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên trong hơn một thế kỷ được an táng bên ngoài Vatican theo nguyện vọng cá nhân. Ông sẽ yên nghỉ tại Basilica of St. Mary Major, một trong bốn đại vương cung thánh đường của giáo hoàng tại Roma.
Thep Trưởng ban nghi lễ phụng vụ Vatican - Đức Ông Diego Ravelli, việc đơn giản hóa thủ tục "nhằm nhấn mạnh đây là lễ tang của mục tử và môn đệ Đức Kito, thay vì của một người quyền thế trên thế gian này".
Kể từ khi được bầu vào năm 2013, Giáo hoàng Francis luôn tránh xa những nghi thức trang nghiêm gắn liền với cương vị, với mong muốn khẳng định vai trò giám mục Roma và là người phục vụ cho “Giáo hội của người nghèo”.
Ông sống tại Nhà khách Thánh Marta trong Vatican thay vì Điện Tông Tòa, và thường di chuyển bằng các loại xe nhỏ như Ford thay vì SUV sang trọng.
Bao giờ Vatican có giáo hoàng mới?
Khi Giáo hoàng qua đời, Vatican sẽ phải nhanh chóng lựa chọn người kế nhiệm. Khoảng 2-3 tuần sau tang lễ, Hồng y đoàn (bao gồm tất cả hồng y của giáo hội Công giáo) sẽ triệu tập mật nghị hồng y tại Nhà nguyện Sistina để bầu Giáo hoàng mới.
Về nguyên tắc, mọi tín đồ Công giáo là nam giới có thể trở thành giáo hoàng. Tuy vậy, trong 700 năm qua, các giáo hoàng đều được lựa chọn từ Hồng y đoàn. Khác với nền chính trị thông thường, các ứng viên giáo hoàng thường không công khai vận động tranh cử.
Vào ngày bỏ phiếu, Nhà nguyện Sistina sẽ bị phong tỏa. Các hồng y phải tuyên thệ giữ bí mật. Chỉ những hồng y dưới 80 tuổi được phép bỏ phiếu, do đó, khoảng 120 người sẽ bỏ phiếu kín để bầu ra giáo hoàng mới.
Nếu không ứng viên nào giành được hai phần ba số phiếu bầu, các hồng y sẽ phải bỏ phiếu lại. Mỗi ngày, họ có thể tổ chức tới bốn vòng bỏ phiếu. Hồi năm 2013, Giáo hoàng Francis chỉ được bầu sau vòng bỏ phiếu thứ năm. Tuy nhiên, quy trình có thể còn lâu hơn: Một mật nghị hồi thế kỷ XIII kéo dài ba năm, trong khi một mật nghị khác vào thế kỷ XVIII kéo dài bốn tháng.
Sau khi được kiểm đếm, các lá phiếu sẽ bị đốt. Một chiếc lò khác có nhiệm vụ đốt một loại hóa chất để thông báo kết quả cho thế giới: Nếu khói màu đen, các hồng y sẽ phải tiếp tục làm việc. Nếu khói trắng bốc lên, giáo hoàng mới đã được bầu.
Trước thời điểm đó, hồng y nhiếp chính và hai hồng y khác sẽ tạm thời đảm nhận cương vị điều hành Tòa Thánh. Dù vậy, một số quyết định phải tạm hoãn tới khi có giáo hoàng mới - như tấn phong giám mục hay phát hành một số văn bản quan trọng.