Những thủ tục diễn ra sau khi Giáo hoàng Francis qua đời

Giáo hoàng Francis qua đời sẽ khởi động một loạt nghi lễ được thực hiện cẩn thận trước khi mật nghị bầu chọn người kế nhiệm.

Nghi lễ bắt đầu từ thông báo chính thức về việc giáo hoàng qua đời, đặt thi thể của giáo hoàng ở nơi các tín đồ được tiếp cận để bày tỏ lòng thành kính, sau đó là lễ tang và chôn cất.

Năm ngoái, Giáo hoàng Francis đã sửa đổi nhiều nghi lễ theo hướng đơn giản hóa, để thể hiện rằng ông chỉ là một giám mục và thi thể ông sẽ được chôn cất bên ngoài tòa thánh Vatican theo đúng ý nguyện của mình. Tuy nhiên, các yếu tố cốt lõi khác trong quy định của tòa thánh vẫn được thực hiện.

Giáo hoàng Francis. (Ảnh: AP)

Giáo hoàng Francis. (Ảnh: AP)

Các giáo hoàng thường sửa đổi quy tắc mật nghị bầu người kế nhiệm, nhưng cách tổ chức tang lễ cho giáo hoàng được duy trì từ năm 2000, cho đến khi Giáo hoàng Francis đưa ra một số điều chỉnh.

Khi Giáo hoàng danh dự Benedict XVI qua đời ngày 31/12/2022, Vatican phải xử lý một vấn đề mới khi tổ chức tang lễ cho vị giáo hoàng nghỉ hưu đầu tiên sau 600 năm.

Vài tháng sau, Giáo hoàng Francis tiết lộ rằng ông đang làm việc với người chủ trì nghi lễ của Vatican - Tổng giám mục Diego Ravelli, để sửa đổi toàn bộ sách nghi lễ theo hướng đơn giản hóa. Tổng giám mục Ravelli cho biết, những thay đổi này nhằm "nhấn mạnh tang lễ của Giáo hoàng La Mã là tang lễ của một mục tử và môn đồ của Chúa Kitô chứ không phải của một người đàn ông quyền lực của thế giới này".

Thông báo tin buồn

Thủ tục đầu tiên diễn ra tại nơi ở của giáo hoàng, sau đó là tại Vương cung thánh đường Thánh Peter, và cuối cùng là tại nơi chôn cất.

Quy định cải cách cho phép xác nhận chính thức về việc giáo hoàng qua đời tại nhà nguyện riêng của Giáo hoàng Francis, thay vì phòng ngủ của ông.

Giáo hoàng Francis chọn sống trong một dãy phòng nhỏ tại khách sạn Santa Marta của Vatican thay vì Điện Tông tòa. Ông có một nhà nguyện riêng tại Santa Marta.

Sau khi giáo hoàng qua đời, người đứng đầu cơ quan y tế Vatican sẽ khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân tử vong và viết báo cáo. Thi thể được mặc đồ trắng, đặt trong nhà nguyện riêng của giáo hoàng để tiến hành nghi lễ thông cáo việc ông qua đời, do thị thần chủ trì.

Thị thần là người điều hành Tòa thánh trong khoảng thời gian từ khi một giáo hoàng qua đời hoặc từ chức cho đến khi một giáo hoàng khác được bầu.

Thị thần hiện tại là Hồng y người Mỹ Kevin Farrell, một trong những phụ tá đáng tin cậy nhất của Giáo hoàng Francis.

Theo quy định sửa đổi, thủ tục này không còn yêu cầu phải đặt thi hài trong chiếc quan tài 3 lớp, gồm gỗ bách, chì và gỗ sồi nữa. Thi hài của Giáo hoàng Francis sẽ được đặt trong một chiếc quan tài bằng gỗ, bên trong là quan tài bằng kẽm.

Giám mục thị thần soạn thảo bản tuyên bố qua đời chính thức, đính kèm giấy chứng nhận đã được người đứng đầu cơ quan y tế chuẩn bị.

Sau đó, người chủ trì nghi lễ - Hồng y Ravelli quyết định thời điểm các tín đồ khác có thể đến viếng trước khi quan tài được chuyển đến Vương cung thánh đường Thánh Peter để công chúng vào viếng.

Trong Vương cung thánh đường

Khi thi hài giáo hoàng được đưa vào Vương cung thánh đường, tiếng hát Kinh cầu các thánh sẽ vang lên. Quan tài được niêm phong vào đêm trước lễ tang, giáo chủ thị thần chủ trì việc đóng và niêm phong quan tài, trước sự chứng kiến của các hồng y cấp cao khác.

Một tấm vải trắng được phủ lên mặt giáo hoàng. Một chiếc túi đựng tiền xu được đúc trong thời kỳ giáo hoàng lãnh đạo được đặt vào quan tài cùng với bài viết dài 1 trang về giai đoạn giáo hoàng dẫn dắt. Tài liệu này được gọi là "rogito" trong tiếng Ý.

Người chủ trì nghi lễ đọc to văn bản này rồi cuộn lại và đưa vào quan tài qua ống hình trụ. Bản sao của tài liệu này được lưu trong kho của Vatican.

Nắp của cả quan tài kẽm và quan tài gỗ đều có hình thánh giá và huy hiệu của giáo hoàng. Huy hiệu của Giáo hoàng Francis có hình chiếc khiên và biểu tượng dòng Tên của ông, cùng với dòng chữ "Miserando atque eligendo", tiếng Latin có nghĩa là "Vì thương xót, Người đã gọi ông".

Lễ tang và chôn cất

Lễ tang do người đứng đầu của Hồng y đoàn chủ trì. Người đứng đầu Hồng y đoàn hiện tại là Hồng y người Ý Giovanni Battista Re, 91 tuổi. Cấp phó là Hồng y người Argentina Leonardo Sandri, 81 tuổi.

Đầu năm nay, Giáo hoàng Francis đã gia hạn nhiệm kỳ 5 năm của cả hai vị thay vì bổ nhiệm người mới.

Những cải cách của Giáo hoàng Francis cho phép chôn cất thi hài ông ngoài Vatican. Khi còn sống, Giáo hoàng Francis cho biết ông muốn được chôn cất không phải ở Vương cung thánh đường Thánh Peter hay các hang ở đó, nơi hầu hết các giáo hoàng được chôn cất, mà là ở Vương cung thánh đường Thánh Mary Major ở thị trấn gần đó.

Lựa chọn này thể hiện lòng tôn kính đối với biểu tượng của Đức mẹ Maria được đặt tại đó. Sau mỗi chuyến công du nước ngoài trước đây, Giáo hoàng Francis thường đến Vương cung thánh đường để cầu nguyện trước bức tranh theo phong cách Byzantine có hình ảnh Đức Mẹ Maria, khoác trên mình chiếc áo choàng màu xanh, bế Chúa Jesus hài đồng, cầm một cuốn sách bằng vàng nạm ngọc.

Với lễ tang, Giáo hội Công giáo bắt đầu 9 ngày để tang chính thức, được gọi là "novemdiales", sau đó mật nghị bắt đầu.

Bình Giang

Theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-thu-tuc-dien-ra-sau-khi-giao-hoang-francis-qua-doi-post1735734.tpo