Giáo hoàng Francis và sức mạnh từ sự khiêm nhường

Sách 'Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường' viết về phong cách lãnh đạo của Giáo hoàng Francis, người luôn kết nối với người khác bằng sự lịch thiệp và chân thành.

 Giáo hoàng Francis. Ảnh: Reuters.

Giáo hoàng Francis. Ảnh: Reuters.

Sau khi được bầu vào vị trí cao nhất trong Giáo hội Công giáo (tháng 3/2013), Giáo hoàng Francis (giáo sĩ dòng Tên người Argentina, người đầu tiên ngoài châu Âu nhậm chức Giáo hoàng từ năm 741) đã nỗ lực cải tổ bộ máy điều hành tại Vatican và đổi mới Giáo hội.

Những việc làm tích cực này của ông đã mở ra những đường hướng ngoại giao mới với mục tiêu đưa Giáo hội trở thành một tổ chức cởi mở và hướng đến tất cả mọi người, bất kể tầng lớp, xuất thân.

Năm 2014, Tạp chí Fortune đã bình chọn ông là nhà lãnh đạo vĩ đại. Còn thời báo Times chọn ông là nhân vật của năm 2013.

Điều gì làm nên một nhà lãnh đạo được ái mộ trên toàn thế giới? Câu trả lời đến từ sự khiêm nhường trong lối sống của Giáo hoàng Francis và cách ông dẫn dắt con chiên. Hay nói cách khác sức mạnh của Giáo hoàng Francis có được từ chính đức tính khiêm nhường của ông.

Trong cuốn Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường, Jeffrey A. Krames - CEO và chủ tịch của JK Literary Services, một công ty phát hành sách về các chủ đề lãnh đạo quản lý và kinh doanh - cho biết, Giáo hoàng Francis luôn tin rằng sự khiêm nhường mang đến cho lãnh đạo một lợi thế mà không một phẩm chất nào đem lại được. Khiêm nhường sẽ thay đổi mọi thứ.

“Nếu chúng ta có thể phát triển một tâm thế thực sự khiêm nhường, thì chúng ta có thể thay đổi thế giới” - Bergoglio đã viết như vậy trước khi trở thành Giáo hoàng. Và ông đã chứng tỏ rằng khiêm nhường không bao giờ thừa và con người có thể học để khiêm nhường hơn.

 Sách Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường. Ảnh: MC.

Sách Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường. Ảnh: MC.

Jeffrey A. Krames cũng cho rằng Giáo hoàng Francis là người lãnh đạo của mọi người chứ không phải của tổ chức. Từ nhận định này, ông đã đưa ra định nghĩa “lãnh đạo” được sử dụng xuyên suốt cuốn sách: “Lãnh đạo là khả năng chia sẻ một tầm nhìn và kêu gọi người khác cùng thực hiện”.

Đề cập đến lối sống khiêm nhường của Giáo hoàng Francis, Jeffrey A. Krames cho biết trước khi trở thành Giáo hoàng, Ngài thường ra ngoài vào ban đêm ở Buenos Aires để giúp đỡ người nghèo.

Trước thời điểm diễn ra Mật nghị Hồng y và được lựa chọn làm Giáo hoàng, Bergoglio đã ở một nhà tập thể đơn sơ trong vùng.

Giáo hoàng Francis còn đi lại bằng chiếc xe Ford Focus, từ chối sống tại căn hộ giáo hoàng sang trọng, quan tâm chăm sóc những số phận cực khổ của xã hội.

Trong những năm đầu tiên làm Giáo hoàng, Francis luôn thể hiện là một người khiêm nhường. Tuy nhiên, khiêm nhường không có nghĩa ông là một nhà lãnh đạo hời hợt.

Ông đã gạt bỏ một loạt lãnh đạo bảo thủ ra khỏi Giáo triều, những người có thể ảnh hưởng đến kế hoạch hành động của Giáo hoàng trong quá trình biến Giáo hội trở nên cởi mở và tập trung hơn. Nói về khả năng lãnh đạo của Giáo hoàng Francis, Jeffrey A. Krames cho biết ông không phải là người hoàn hảo. Francis thường tự gọi mình là “người có tội” và không đòi hỏi sự hoàn hảo từ bất cứ người nào. “Tôi là ai mà phán xét?” đã trở thành sáu chữ đáng nhớ nhất của ông.

Bên cạnh việc phân tích nghệ thuật lãnh đạo bằng sự khiêm nhường, Jeffrey A. Krames còn diễn giải những quan điểm và hành động của Giáo hoàng Francis thành 12 bài học có thể áp dụng trong thực tiễn.

Những bài học đó là: phá bỏ bức tường ngăn cách giữa mọi người, chú trọng nâng cao thế mạnh của người khác, cân nhắc và tham khảo mọi ý kiến, giao tiếp với mọi người…

Có thể nói Lãnh đạo bằng sự khiêm nhường là cuốn sách thiết thực đối với các nhà quản lý, lãnh đạo. Sách hữu ích dành cho bất kỳ ai mong muốn kết nối với người khác bằng sự lịch thiệp và chân thành.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/giao-hoang-francis-va-suc-manh-tu-su-khiem-nhuong-post1547786.html