Toàn cảnh tỉnh Nam Định trước khi hợp nhất với Ninh Bình, Hà Nam
Sở hữu lợi thế địa lý, nguồn lực về con người, nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và chủ động áp dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi hấp dẫn, bộ tiêu chí thu hút đầu tư rõ ràng, Nam Định đã tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế.
Nam Định có diện tích tự nhiên khoảng 1.700km2, bờ biển dài 72km, dân số hơn 2,23 triệu người, là tỉnh giữ vị trí chiến lược ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Đại lộ Thiên Trường Nam Định - Ảnh: Trần Hồng
Nam Định có gần 30 năm thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Người Nam Định thông minh, hiếu học, sáng tạo, cần cù và khéo léo. Toàn tỉnh có 4 trường đại học, 7 trường cao đẳng và hàng chục trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, mỗi năm đào tạo hàng nghìn kỹ sư, công nhân kỹ thuật tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư.

Nam Định đào tạo hàng nghìn kỹ sư, công nhân kỹ thuật tay nghề cao mỗi năm
Nam Định sở hữu lợi thế chiến lược về giao thông với vị trí đắc địa, nằm gần các tuyến giao thông trọng điểm như đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tuyến đường bộ ven biển và các tuyến kết nối nội vùng giúp tối ưu hóa chi phí logistics, giảm thiểu thời gian vận chuyển hàng hóa.

Trụ sở hành chính tỉnh Nam Định
Mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và cảng biển được đầu tư đồng bộ, thông suốt, với các dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường nối vùng kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển và dự án cầu vượt sông Đáy…được tập trung đẩy nhanh tiến độ, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.

Cầu Song Hào, Nam Định
Kinh tế tỉnh Nam Định quý I/2025 tăng trưởng 11,86% so với cùng kỳ năm 2024 - đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất từ trước đến nay; xếp thứ 1 vùng đồng bằng Sông Hồng và thứ 3 cả nước. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò động lực tăng trưởng với mức đóng góp 7,31 điểm phần trăm.

Diện mạo Nam Định thay đổi từng ngày
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước đạt 14.632 tỷ đồng, Quy mô GRDP tỉnh Nam Định theo giá hiện hành ước đạt 27.700 tỷ đồng, Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, phản ánh rõ nét chiến lược phát triển kinh tế đa ngành của tỉnh.

Sân vận động Thiên Trường
Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện theo các tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu; đến nay, toàn tỉnh có 143/146 (97,9%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 54/146 (37%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 9/15 (60%) thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Khu Công nghiệp Mỹ Thuận
Nam Định đang tạo ra bước đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Theo Sở Tài chính, tính đến ngày 25/3/2025, tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 227 triệu USD, trong đó cấp mới cho 07 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 121 triệu USD.