Giáo hoàng John Paul II và bức Đức mẹ Việt Nam

Chuyến đi Ad limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam tới Roma năm 1980, trong chuyến đi này, Giáo hoàng John Paul II (1920-2005), đã tiếp phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Vatican, phủ Giáo Hoàng ngày 17/6/1980. Giáo Hoàng John Paul II vốn sinh ra từ nước Ba Lan nên ngài rất có cảm tình với Việt Nam.

Họa sĩ Nam Phong (trái) và Giám mục Paul Bùi Chu Tạo

Bức tranh Ðức Mẹ Việt Nam ở Roma

Giáo hoàng John Paul II ngỏ ý được tới thăm đất nước Việt Nam, nhưng vì bối cảnh lịch sử chưa thể thực hiện được chuyến đi này. Ngài có sáng kiến tới thăm nhà Foyer Phát Diệm tọa lạc tại số 45 đường Pineta Sacchetti, cách đồi Vatican khoảng 4km, là cơ sở duy nhất của Giáo hội Việt Nam tại Roma.

Ngày 22/6/1980, Giáo hoàng John Paul II đã tới thăm nhà Foyer Phát Diệm, trước sự vui mừng của hàng chục giám mục, đông đảo linh mục, tu sỹ, và kiều bào Việt Nam. Hình ảnh chuyến viếng thăm lịch sử này của Giáo hoàng John Paul II còn được gìn giữ tại nhà Foyer Phát Diệm, trong đó có bức hình Đức Thánh Cha ngồi giữa hàng Giám Mục Việt Nam tại phòng khách nhà Foyer Phát Diệm dưới bức hình Đức mẹ Việt Nam.

Chuyến viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II tới Foyer Phát Diệm là một nghĩa cử thân thương ngài muốn gửi tới quê hương Việt Nam.

Phía trên cửa chính vào nhà Foyer Phát Diệm ngày nay còn dòng chữ tiếng Latin được khắc trên tấm bia đá ghi nhớ sự kiện đặc biệt này: “CUM BENEDICTIONE, JOANNES PAULUS P.P.II, 22.VI.1980”, nghĩa là “Cha Chúc Lành”, dòng chữ do Giáo hoàng John Paul II viết và ký tên.

Bức hình Đức mẹ Việt Nam vẫn còn nguyên ở vị trí tại phòng khách nhà Foyer Phát Diệm cho tới ngày nay.

Ngoài ra, linh mục Gioan Trần Mạnh Duyệt - Giám đốc nhà Foyer Phát Diệm cho biết, năm 1965, lúc đó tôi 22 tuổi, khi tới Roma đã thấy bức hình Đức mẹ Việt Nam ở nhà Foyer Phát Diệm.

Ngoài ra, bác sỹ Trần Hoành, hiện đang sống ở Đức - cựu Chủng sinh Trường Truyền giáo Roma những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX cho biết, năm 1953, ông được 10 tuổi đã tận mắt thấy và rất lấy làm thích khi thấy họa sỹ Nam Phong vẽ bức hình Đức Mẹ lớn như người thật. Ông ngạc nhiên hơn khi tới Roma lại thấy bức hình này ở nhà Foyer Phát Diệm.

Tranh Ðức Mẹ Việt Nam được in để cho, tặng

Tượng Đức Mẹ Việt Nam được chuyển thể từ bức tranh của cố họa sĩ Nam Phong đặt ở Nhà chung Phát Diệm

Tượng Đức Mẹ Việt Nam được chuyển thể từ bức tranh của cố họa sĩ Nam Phong đặt ở Nhà chung Phát Diệm

Ở Việt Nam nhiều người chỉ biết tới bức hình Đức mẹ Việt Nam kể từ sau năm 1980. Sau khi các Đức Giám mục Việt Nam đi Ad limina trở về. Các ngài đã đem về Việt Nam những hình ảnh về Roma, ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima… trong đó có ảnh in Đức Mẹ Việt Nam của họa sỹ Nam Phong.

Chia sẻ với Tiền Phong, họa sỹ Trần Hòa (con của họa sĩ Nam Phong) cho biết, khi từ Roma trở về Việt Nam vào đầu năm 1954, Đức Giám mục Lê Hữu Từ đã trao cho họa sỹ Nam Phong 2 vạn tiền Đông Dương, “Ngài nói là tiền lời in bức hình”.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, thời điểm Đức Giám mục Lê Hữu Từ đi châu Âu vào cuối năm 1953, đầu năm 1954, ngài ở Roma trong thời gian rất ngắn, vậy có đủ thời gian làm thủ tục để in bức tranh và bán kiếm lời? Tại sao ngài lại nói là tiền lời?

Về việc này, họa sỹ Trần Hòa cho biết, sau khi triển lãm ở Phú Vinh (Phát Diệm), có người ở Hà Nội đã trả năm ngàn tiền Đông Dương để mua bức tranh Đức Mẹ Việt Nam nhưng họa sỹ Nam Phong không bán, “vì để Giám mục Lê Hữu Từ đưa đi Roma”.

Có thể vì lẽ công bằng và để tán thưởng cho ý tưởng của họa sỹ, sau khi từ Roma về, Giám mục Lê Hữu Từ đã trả 2 vạn tiền Đông Dương cho họa sỹ Nam Phong. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, vào thời điểm đầu năm 1954, tiền Đông Dương bắt đầu mất giá so với năm 1953, nhưng hai mươi ngàn Đông Dương lúc đó là số tiền không phải nhỏ. Có thể vì “tế nhị” và để con chiên của mình không phải “nghĩ ngợi” là bán tấm hình với giá cao, nên Đức Cha Lê đã khéo léo nói, “tiền lời từ nhà in bức tranh”.

Linh mục Trần Mạnh Duyệt cho biết, bức tranh Đức Mẹ Việt Nam của họa sỹ Nam Phong được in lần đầu trên giấy tại Roma vào năm 1969. Khi cha cố Phêrô Vũ Kim Điện, Giám đốc nhà Foyer hoàn tất việc tái thiết và mở rộng để đón khách hành hương tới Roma. Ngài đã cho in hình Đức Mẹ Việt Nam với 3 kích cỡ khác nhau, không phải vì lý do thương mại, chỉ để tặng cho khách hành hương mỗi khi tới cư ngụ tại nhà Foyer Phát Diệm.

Năm 1990, biết Giám mục Paul Bùi Chu Tạo đi Roma, họa sỹ Nam Phong đã có ý nhờ ngài tìm hiểu, đồng thời ngỏ ý muốn bán tác quyền về bức tranh Đức Mẹ Việt Nam. Họa sỹ Nam Phong đã “ủy quyền” để Giám mục Paul lo liệu thủ tục bán bức tranh.

Theo linh mục Gioan Trần Mạnh Duyệt, khi tới Roma năm 1990, Giám mục Paul Bùi Chu Tạo mang theo yêu cầu của gia đình họa sỹ Nam Phong, là bán bức tranh. Biết được thông tin này, Đức ông Đa Minh Vũ Văn Thiện (1932-2011),Giám đốc nhà Foyer, lúc đó đã trả một khoản tiền. Khi trở về Việt Nam, Đức cha Paul đã trao số tiền 5.000USD cho họa sỹ Nam Phong, coi như tiền bán bức tranh cùng với tác quyền. Gia đình cố họa sỹ Nam Phong cũng xác nhận điều này.

Như vậy, từ khi đến Roma vào cuối năm 1953 tới nay, bức tranh Đức Mẹ Việt Nam của cố họa sỹ Nam Phong vẫn được trưng bày và gìn giữ cẩn thận tại nhà Foyer Phát Diệm ở thành Roma.

Theo linh mục Trần Công Lịch, không dám sánh với những tác phẩm kinh điển của những thiên tài nghệ thuật như Leonardo da Vinci, Michelagelo, Raphael, Picasso… Nhưng giữa “Kinh Thành Muôn Thuở”, giữa cái nôi của nghệ thuật châu Âu và thế giới, với hàng trăm bảo tàng lớn, nhỏ nổi tiếng khắp thế giới, có thể coi đây là một tác phẩm của người con đất Việt, của Giáo phận Phát Diệm như một đóng góp khiêm tốn làm phong phú thêm cho nghệ thuật Công giáo, cho vẻ đẹp kiều diễm của Mẹ Maria và sự hoàn mỹ của Thiên Chúa.

Bức tượng “Đức Mẹ Việt Nam” tại Nhà chung Phát Diệm - Công trình Hiệp thông ngày 18/1/2021, được chuyển thể từ bức tranh của cố họa sĩ Nam Phong.

Ngày 14/11/1945, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch trịnh trọng tuyên bố: Đất nước ta lúc này cần kiến thiết, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục.

Chính vì thế, Hồ Chủ tịch đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban cố vấn 10 người cho Chủ tịch nước. Mỗi thành viên Ban cố vấn, tùy địa vị, hoàn cảnh của từng người mà Hồ Chủ tịch đều có cách mời và ứng xử riêng để họ lần lượt về Bắc Bộ phủ ghé vai gánh quốc sự.

Trong 10 người, cụ Hồ trực tiếp đệ trình với Hội đồng Chính phủ 6 vị mà cụ nhắm đến. Trong 6 người Hồ Chủ tịch trực tiếp đệ trình gồm: Cụ Bùi Bằng Đoàn, Bác sỹ Nguyễn Văn Luyện, Cụ Ngô Tử Hạ, Cụ Bùi Kỷ, Cụ Lê Tại và Giáo sỹ Lê Hữu Từ.

Giáo sỹ Lê Hữu Từ trở thành Giám mục Giáo phận Phát Diệm, chính là người đưa bức tranh Đức Mẹ Việt Nam của họa sỹ Nam Phong tới thành Roma vào cuối năm 1953.

Minh Đức – Kim Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giao-hoang-john-paul-ii-va-buc-duc-me-viet-nam-post1342533.tpo