Giáo hoàng Leo sẽ thay Mỹ làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga-Ukraine?

Hai tuần sau khi nhậm chức, vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Mỹ đã được các lãnh đạo thế giới đề cử cho một sứ mệnh ngoại giao vượt trên tính biểu tượng tôn giáo: vai trò trung gian hòa bình giữa Ukraine và Nga.

Đề xuất đặt Vatican làm trung tâm đối thoại cho một tiến trình đàm phán hòa bình mới giữa Moscow và Kiev không chỉ là phép thử đầu tiên cho triều đại của Giáo hoàng Leo XIV, mà còn là minh chứng cho tham vọng biến sứ vụ giáo hoàng thành động lực hòa giải các cuộc xung đột thời hiện đại. Trái ngược với người tiền nhiệm, Giáo hoàng Leo đang tỏ rõ quyết tâm đặt giải quyết vấn đề Ukraine vào trung tâm sứ điệp hòa bình của mình.

“Tòa Thánh luôn sẵn lòng để những bên đối địch có thể gặp nhau và nhìn thẳng vào mắt nhau", Giáo hoàng Leo phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Chính Thống giáo Đông phương tuần trước.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump, sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tuần, cho biết Đức Giáo hoàng đã đề xuất tổ chức các cuộc hòa đàm tại Vatican. “Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu điều đó diễn ra ở đây,” ông nói. “Có thể giúp giảm bớt phần nào sự giận dữ đó".

Trong một bài đăng Facebook ngày 20/5, Thủ tướng Giorgia Meloni tiết lộ rằng, theo đề nghị từ phía ông Trump, bà đã liên hệ với Giáo hoàng Leo và xác nhận ngài sẵn sàng mở cửa đón các phái đoàn.

“Tôi vô cùng biết ơn sự cởi mở và tận hiến không mệt mỏi của ngài cho hòa bình", bà Meloni cho biết.

Tuy nhiên, Vatican vẫn giữ im lặng trước các yêu cầu bình luận và chưa xác nhận chính thức "lời mời" nói trên. Như bao nỗ lực trung gian khác, sứ mệnh của Vatican đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Giáo hoàng Leo XIV. Ảnh: Reuters

Giáo hoàng Leo XIV. Ảnh: Reuters

Những giới hạn hữu hình

Châu Âu cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn cần phải đi trước bất kỳ cuộc thương lượng nào. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây đã thẳng thừng bác bỏ quan điểm này. Theo hãng tin nhà nước Tass, ông Lavrov cáo buộc phương Tây sử dụng lệnh ngừng bắn như một cái cớ để củng cố năng lực phòng thủ cho Ukraine

Ngay cả một thỏa thuận về địa điểm tổ chức đàm phán tại Vatican cũng đang vướng phải những thực tế chính trị gai góc. Các biện pháp trừng phạt và cấm vận đi lại do Liên minh châu Âu ban hành khiến các quan chức Nga lo ngại về việc di chuyển qua không phận và lãnh thổ châu Âu, đặc biệt là Vatican, dù là một quốc gia có chủ quyền, lại nằm trọn trong lãnh thổ Ý, thành viên EU. Về lý thuyết, Ý bị ràng buộc bởi nghĩa vụ duy trì lệnh trừng phạt và có thể buộc phải bắt giữ những cá nhân nằm trong danh sách cấm vận.

Tuy vậy, các quan chức Ý được cho là đã trấn an phía Nga rằng theo Hiệp ước Lateran năm 1929 – văn kiện thành lập Nhà nước Vatican, chính phủ Ý buộc phải bảo đảm hành lang an toàn cho các phái đoàn ngoại giao đến Tòa thánh. Một tiền lệ đã được xác lập vào tháng 4/2025 khi Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Lyubimova và là người đang chịu lệnh trừng phạt, được phép nhập cảnh để dự tang lễ Giáo hoàng Francis.

Tuy vậy, các chuyên gia pháp lý cho biết vẫn chưa rõ liệu những nhân vật cấp cao hơn, đặc biệt là Tổng thống Putin, có được bảo vệ bởi Hiệp ước Lateran hay không.

Ngoài ra, việc tổ chức đàm phán tại Vatican có thể yêu cầu nhiều quốc gia châu Âu khác đồng ý cho phép máy bay chở quan chức Nga bay qua không phận của họ. Trong một sự cố gần đây, chiếc chuyên cơ của chính phủ Nga đưa ông Lyubimova tới lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV đã buộc phải quay đầu giữa đường vì trục trặc kỹ thuật, sau khi đi đường vòng qua Bắc Phi để tới Ý, khiến thời gian bay bị kéo dài gấp đôi.

Quốc tế đang đặt niềm tin vào Vatican

Trong thập niên qua, có lẽ Vatican đã không còn xa lạ với vai trò hòa giải. Một thành tựu đáng nhắc đến của Vatican là vai trò xúc tác thầm lặng nhưng quan trọng của Tòa thánh này trong việc mở đường cho chuyến công du mang tính bước ngoặt của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Cuba vào năm 2016. Tuy vậy, Vatican đã không thể thành công trong nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa chính quyền Venezuela và phe đối lập.

Ý tưởng để Vatican dẫn dắt tiến trình đàm phán hiện nay giữa Nga và Ukraine gợi nhớ tới vai trò quan trọng mà Tòa thánh đã đảm nhiệm đầu những năm 1980, khi làm trung gian hòa giải giữa Argentina và Chile. Nhưng khác với thời điểm ấy, lần này cả Nga lẫn Ukraine đều không phải là quốc gia có đa số dân theo Công giáo, khiến ảnh hưởng truyền thống của Vatican bị giới hạn.

Sự tham dự của Vatican vào xung đột Ukraine – Nga là một con dao hai lưỡi, theo nhà thần học Công giáo Massimo Faggioli của Đại học Villanova. “Nếu Vatican dấn thân, họ chỉ có thể hy vọng rằng mình đạt được điều gì đó không chỉ cho Ukraine, mà cho cả châu Âu và phần còn lại của thế giới", ông Faggioli nhận định.

Giáo hoàng Leo XIV, người vừa kế vị ngôi vị giáo hoàng, đang bất ngờ trở thành nhân vật được kỳ vọng trong nhiều cuộc hòa giải khác. Đầu tuần này, Tổng thống Colombia Gustavo Petro tiết lộ rằng ông đã đề nghị Vatican đăng cai các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ của ông và nhóm phiến quân Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), trong khuôn khổ một buổi tiếp kiến riêng với Leo. Trước đó, Tòa thánh từng đóng vai trò hỗ trợ cho thỏa thuận lịch sử giữa Colombia và nhóm nổi dậy lớn hơn, Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

Từ năm 2022, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Ukraine đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của Vatican. Qua các phái bộ ngoại giao tại Kiev và Moscow, cùng với sự hiện diện của Hồng y Matteo Zuppi – đặc sứ của Giáo hoàng tại khu vực, Vatican đã âm thầm thúc đẩy các cuộc trao đổi tù nhân và giúp đưa hàng trăm trẻ em Ukraine bị đưa sang Nga trở về nhà. Trong mắt giới ngoại giao, đó là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng mềm của Tòa thánh vẫn còn hiệu lực.

Trong cuộc phỏng vấn với The Washington Post, Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, Andrii Yurash, người đã có mặt trong cuộc gặp giữa Giáo hoàng Leo và Tổng thống Zelensky vào Chủ nhật, tiết lộ rằng nhà lãnh đạo Công giáo 69 tuổi này “về cơ bản” đã đề nghị làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ chấm dứt xung đột, thay vì đưa ra đề xuất cụ thể nào cho đàm phán. Theo ông Yurash, giả định hiện tại là nếu cả hai bên cùng yêu cầu, Vatican sẽ sẵn sàng trở thành địa điểm tổ chức các cuộc thương thảo hòa bình.

Đầu tuần này, Tổng thống Zelensky đã chính thức nêu tên Vatican bên cạnh Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ như những địa điểm tiềm năng cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

“Vatican là biểu tượng đạo đức cao nhất của nền văn minh dân chủ tự do phương Tây. Không nghi ngờ gì, nếu các cuộc đàm phán được tổ chức ở đây, giá trị đạo đức của nó sẽ là vô cùng to lớn", ông Yurash nói.

Liệu Giáo hoàng Leo có làm nên lịch sử mới?

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Ukraine và Vatican không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Một số quan chức tại Kiev từng bày tỏ sự bất bình với Giáo hoàng Francis - người đã chọn giữ im lặng theo tinh thần trung lập của Tòa thánh trong những ngày đầu khi xung đột bùng nổ.

Khi còn là giám mục tại Peru vào năm 2022, Giáo hoàng Leo công khai thể hiện sự ủng hộ với Ukraine trong xung đột với Nga. Kể từ khi kế vị ngai tòa thánh, chỉ trong vòng hai tuần ngắn ngủi, tân Giáo hoàng đã nhiều lần đề cập đến Ukraine như một ưu tiên mới trong triều đại của mình. Cuộc điện đàm chính thức đầu tiên được biết đến của ông, cũng như cuộc gặp ngoại giao đầu tiên trên cương vị giáo hoàng, đều dành cho Tổng thống Volodymyr Zelensky.

“Trong tim tôi chất chứa nỗi đau của người dân Ukraine thân yêu", Giáo hoàng Leo tuyên bố trong lần ban phép lành đầu tiên tại Quảng trường Thánh Peter. “Xin cho mọi điều có thể được thực hiện để đạt đến một nền hòa bình đích thực, công bằng và bền vững, càng sớm càng tốt. Hãy trả tự do cho các tù nhân. Hãy đưa những đứa trẻ trở về với vòng tay gia đình".

Theo đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, Andrii Yurash, nhiều chỉ trích nhắm vào Giáo hoàng Francis trước đây đã bị thổi phồng quá mức. Ông cho biết Kiev ghi nhận và biết ơn những nỗ lực lặng lẽ nhưng hiệu quả của Vatican, cùng với Qatar và một số quốc gia trung gian khác trong việc đưa các trẻ em Ukraine trở về nhà.

Ông Yurash tiết lộ rằng phía Ukraine đã cung cấp danh sách tên tuổi và thông tin chi tiết của các em nhỏ cho Hồng y Matteo Zuppi – Đặc sứ đặc biệt của Giáo hoàng và từ đó, danh sách được chuyển đến tay các sứ thần Tòa thánh tại Kiev và Moscow. Những nhân vật này, qua con đường ngoại giao, đã liên hệ với cả hai bên để tìm cách đưa các em trở về. “Hàng trăm trẻ em” đã được hồi hương nhờ những nỗ lực ấy, ông Yurash cho biết.

Cho tới nay, phản ứng từ Moscow vẫn chưa rõ ràng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/5 cho biết “chưa có quyết định nào được đưa ra về địa điểm của vòng đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, ông Peskov thừa nhận một ngày trước đó rằng “sáng kiến của Đức Giáo hoàng” đã được ghi nhận.

Diệp Thảo/VOV.VN Theo The New York Times, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/giao-hoang-leo-se-thay-my-lam-trung-gian-hoa-giai-cho-xung-dot-nga-ukraine-post1201422.vov