Giáo hoàng và đại giáo sĩ nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á kêu gọi chung tay chống bạo lực

Giáo hoàng Francis và đại giáo sĩ Nasaruddin Umar của nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á cam kết chống lại bạo lực tôn giáo và bảo vệ môi trường, đưa ra lời kêu gọi chung về tình hữu nghị liên tôn giáo và hợp tác.

Một điểm nhấn khác trong chuyến đi đã diễn ra vào buổi chiều 5/9 khi Giáo hoàng Francis cử hành Thánh Lễ tại sân vận động ở thủ đô Jakarta trước khoảng 100.000 người tham dự. Họ cổ vũ cuồng nhiệt khi ngài diễu hành quanh sân trong chiếc xe Popemobile không mui.

Vượt qua hầm tối, hướng về ánh sáng

Trong sự kiện buổi sáng tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal mang tính biểu tượng của Jakarta, Giáo hoàng Francis chủ trì một buổi gặp gỡ liên tôn giáo giàu ý nghĩa tượng trưng và tình cảm cá nhân. Buổi gặp có sự hiện diện của đại diện sáu tôn giáo chính thức được công nhận ở Indonesia: Hồi giáo, Phật giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, Công giáo và Tin lành.

Giáo hoàng Francis và đại giáo sĩ Nasaruddin Umar đứng tại lối vào “Đường hầm Hữu nghị”, một đường hầm nối khuôn viên nhà thờ Hồi giáo với nhà thờ Công giáo lân cận - Đức Mẹ Lên Trời.

Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, coi đường hầm này như một dấu hiệu cụ thể của cam kết về tự do tôn giáo, được ghi trong hiến pháp nhưng đã bị thách thức bởi nhiều trường hợp phân biệt đối xử và bạo lực đối với các tôn giáo thiểu số.

Từ tháng 1/2021 đến tháng 7/2024 có ít nhất 123 trường hợp không khoan dung, bao gồm việc từ chối, đóng cửa hoặc phá hủy nơi thờ tự và các cuộc tấn công thể chất, Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận trước chuyến thăm của Giáo hoàng Francis.

Khi đến gần thang máy dẫn đến đường hầm, Giáo hoàng Francis nói rằng đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các truyền thống tôn giáo khác nhau “có vai trò giúp mọi người vượt qua những hầm tối của cuộc sống với đôi mắt hướng về ánh sáng”.

Ngài khuyến khích người dân Indonesia thuộc mọi tôn giáo “cùng nhau tìm kiếm Thiên Chúa và góp phần xây dựng xã hội mở, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tình yêu thương, có khả năng bảo vệ chống lại sự cứng nhắc, chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín, vốn luôn nguy hiểm và không bao giờ được biện minh”.

Giáo hoàng Francis đến Indonesia, chặng đầu tiên trong chuyến đi kéo dài 11 ngày qua Đông Nam Á và châu Đại Dương, để khuyến khích quốc gia này chống lại bạo lực tôn giáo và cam kết của Giáo hội Công giáo về các sáng kiến lớn về tình hữu nghị, tình huynh đệ.

Cuộc gặp tại nhà thờ Hồi giáo đã thể hiện khía cạnh cá nhân của chính sách này, với Giáo hoàng Francis, 87 tuổi, và đại giáo sĩ Umar, 65 tuổi, thể hiện tình cảm rõ ràng dành cho nhau. Khi Đức Giáo hoàng rời đi trên xe lăn, ông Umar cúi xuống hôn lên đầu ngài. Đức Giáo hoàng sau đó nắm lấy tay đại giáo sĩ Umar, hôn và áp lên má mình.

Giáo hoàng Francis đã biến việc cải thiện quan hệ Công giáo-Hồi giáo thành một dấu ấn và ưu tiên đi đến các quốc gia Hồi giáo để thúc đẩy chương trình nghị sự này.

Trong chuyến thăm Vùng Vịnh năm 2019, Giáo hoàng Francis và giáo sĩ của Al-Azhar, Trung tâm học thuật Hồi giáo Sunni 1.000 năm tuổi, đã phát động phong trào “Tình huynh đệ nhân loại”, kêu gọi nỗ lực hợp tác giữa người Công giáo và người Hồi giáo để thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.

Gần đây hơn, Giáo hoàng Francis đến thành phố Najaf của Iraq vào năm 2021 để gặp gỡ giáo sĩ hàng đầu của dòng Hồi giáo Shiite, người đã gửi thông điệp về sự chung sống hòa bình.

Giáo hoàng Francis (phải) hôn tay của đại giáo sĩ Nasaruddin Umar của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal sau cuộc họp liên tôn giáo với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, Indonesia, ngày 5/9/2024. Ảnh: AP.

Giáo hoàng Francis (phải) hôn tay của đại giáo sĩ Nasaruddin Umar của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal sau cuộc họp liên tôn giáo với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, Indonesia, ngày 5/9/2024. Ảnh: AP.

Hành động quyết liệt

Sáng kiến mới được khởi động vào ngày 5/9, mang tên “Tuyên bố Istiqlal”, hiện trở thành một trụ cột khác trong nỗ lực liên tôn giáo của Giáo hoàng Francis. Nó được Đức Giáo hoàng và ông Umar ký trong một buổi lễ chính thức trong khuôn viên Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal. Các đại diện tôn giáo khác trong buổi gặp mặt không đồng ký tên nhưng được liệt kê bởi ban tổ chức là những người “đồng hành” với tuyên bố này.

Tài liệu này khẳng định tôn giáo không bao giờ nên bị lạm dụng để biện minh cho bạo lực, mà nên được sử dụng để giải quyết xung đột và bảo vệ, thúc đẩy phẩm giá con người. Nó cũng kêu gọi “hành động quyết liệt” để bảo vệ môi trường và tài nguyên, đổ lỗi cho các hành động do con người gây ra đã tạo nên cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

“Việc khai thác thiên nhiên của con người, ngôi nhà chung của chúng ta, đã góp phần gây ra biến đổi khí hậu, dẫn đến những hậu quả hủy diệt khác nhau như thiên tai, sự nóng lên toàn cầu và các loại hình thời tiết khó lường. Cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn ra này đã trở thành một trở ngại cho sự chung sống hài hòa của các dân tộc”, tài liệu viết.

Chống lại biến đổi khí hậu là một ưu tiên quan trọng đối với Đức Giáo hoàng người Argentina, người đã ra các thông điệp kêu gọi dùng đến đạo đức để chăm sóc thiên nhiên. Vấn đề khí hậu có ý nghĩa sống còn đối với Indonesia, một quần đảo nhiệt đới trải dài trên đường xích đạo và là nơi có rừng mưa nhiệt đới lớn thứ ba thế giới cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông khi ngài đến sân vận động Madya ở Jakarta, Indonesia ngày 5/9/2024. Ảnh: AP.

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào đám đông khi ngài đến sân vận động Madya ở Jakarta, Indonesia ngày 5/9/2024. Ảnh: AP.

“Ngôi nhà lớn của nhân loại”

Ông Umar đã nhắc lại trong bài phát biểu của mình rằng, Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal được thiết kế bởi một kiến trúc sư Công giáo và được sử dụng cho nhiều chương trình xã hội và giáo dục có lợi cho tất cả mọi người, không chỉ dành riêng cho người Hồi giáo.

Gọi nhà thờ Hồi giáo là “ngôi nhà lớn của nhân loại”, ông nói đường hầm là nơi hòa trộn cho những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau. “Chúng tôi hy vọng và có nguyên tắc rằng nhân loại là một, vì vậy bất cứ ai cũng có thể vào và nhận được lợi ích”, ông nói.

Khanit Sannano, Tổng thư ký Hội đồng Cộng đồng Phật giáo Indonesia, công nhận giá trị của việc thể hiện sự đoàn kết của Indonesia đối với vị lãnh đạo của các tín đồ Công giáo trên toàn thế giới. “Đó là lý do tại sao hôm nay chúng tôi đến để ủng hộ và bày tỏ sự tôn kính đối với ngài”, ông nói bên lề cuộc họp.

Buổi gặp mặt liên tôn giáo là điểm nhấn của chuyến thăm Indonesia của Giáo hoàng Francis, kết thúc với Thánh Lễ tại sân vận động chính của Jakarta. Có quá nhiều người đến nỗi chính quyền Indonesia phải bố trí thêm một sân vận động gần đó để người dân xem Thánh Lễ qua màn hình TV, và cũng lắp đặt màn hình bên ngoài sân để người qua đường có thể theo dõi buổi lễ.

Vatican ban đầu dự kiến sự kiện này thu hút khoảng 60.000 người, nhưng người phát ngôn trích lời các nhà tổ chức địa phương cho biết đã có hơn 100.000 người tham dự.

“Đừng bao giờ mệt mỏi khi mơ ước và xây dựng nền văn minh hòa bình”, Đức Giáo hoàng nói trong bài giảng ứng khẩu. “Hãy trở thành những người xây dựng hy vọng. Hãy trở thành những người xây dựng hòa bình”.

Người Công giáo chiếm khoảng 3% dân số Indonesia 275 triệu người, nhưng quốc gia này là nơi có chủng viện Công giáo lớn nhất thế giới và xưa nay cung cấp nhiều linh mục và nữ tu cho Giáo hội Công giáo.

Giáo hoàng Francis (giữa), đại giáo sĩ Nasaruddin Umar của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal (trái), chụp ảnh chung sau cuộc họp liên tôn giáo với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, Indonesia ngày 5/9/2024. Ảnh: AP.

Giáo hoàng Francis (giữa), đại giáo sĩ Nasaruddin Umar của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal (trái), chụp ảnh chung sau cuộc họp liên tôn giáo với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, Indonesia ngày 5/9/2024. Ảnh: AP.

Ngày 6/9, Giáo hoàng Francis sẽ đến Papua New Guinea, chặng thứ hai trong chuyến đi dài và xa nhất trong lịch sử các chuyến công du của giáo hoàng. Chuyến đi sẽ tiếp tục đưa ngài đến Timor-Leste và Singapore trước khi kết thúc vào ngày 13/9.

Thái An

Theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giao-hoang-va-dai-giao-si-nha-tho-hoi-giao-lon-nhat-dong-nam-a-keu-goi-chung-tay-chong-bao-luc-post1670131.tpo