Nhìn từ việc NATO tăng chi tiêu quân sự

Trong những năm gần đây, dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Mỹ và tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, chi tiêu quân sự của các nước NATO liên tục tăng.

Điều này được cho là không chỉ khiến cục diện địa chính trị ở Đông Âu xấu thêm, làm gia tăng mâu thuẫn giữa các nước, mà còn khiến mối lo ngại về an ninh lan rộng, nhiều nước ngoài NATO thực hiện theo, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

“Cuộc chạy đua” nội khối

Chi tiêu quân sự của NATO từ lâu đã là tâm điểm được cộng đồng quốc tế quan tâm. Năm 2014, mặc dù các nước thành viên NATO nhất trí tăng chi tiêu quân sự lên ít nhất 2% GDP, nhưng trên thực tế vẫn chưa thực hiện được. Trong thời gian tương đối dài sau đó, chỉ có 3 nước Mỹ, Hy Lạp và Anh đáp ứng được mục tiêu trên. Tình trạng này khiến Mỹ không hài lòng, đặc biệt dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông nhiều lần cáo buộc các đồng minh NATO đầu tư quá ít, phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

Hệ thống phóng tên lửa đa nòng Haimas của Lockheed Martin, Mỹ.

Hệ thống phóng tên lửa đa nòng Haimas của Lockheed Martin, Mỹ.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ liên tục “rao bán nỗi lo an ninh” cho các đồng minh, làm gia tăng sự phụ thuộc của các đồng minh NATO vào Mỹ, khiến nhiều nước châu Âu trước đây có quan điểm tiêu cực về việc tăng chi tiêu quân sự bắt đầu thay đổi thái độ, cạnh tranh để tăng tỷ lệ chi tiêu quân sự. Các nước “châu Âu cũ” của NATO như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha... hy vọng duy trì “sự tự chủ chiến lược” ở mức độ nhất định, nhưng cũng buộc phải tăng chi tiêu quân sự.

Đặc biệt, Đức, được coi là cường quốc kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), cũng đã có thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng những năm gần đây. Tháng 2/2024, Chính phủ Đức công bố dự toán ngân sách quốc phòng trị giá 73,41 tỷ USD cho năm tài chính 2024, lần đầu tiên đạt tiêu chuẩn của NATO - chỉ tiêu ít nhất 2% GDP - lập kỷ lục về mức chi tiêu quân sự của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thậm chí còn tuyên bố chi tiêu quân sự sẽ tăng lên từ 3 đến 3,5% GDP trong tương lai. Pháp cũng tăng ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2024 lên 49,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm trước đó, đạt mức tăng cao mới thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Một số nước NATO ở phía Đông như các nước vùng Baltic và Ba Lan thậm chí còn tăng chi tiêu quân sự nhiều hơn để có được sự bảo vệ lâu dài của Mỹ và nâng cao quyền phát ngôn trong các vấn đề an ninh châu Âu. Ví dụ, ngân sách quốc phòng của Ba Lan đã tăng từ 2,4% GDP năm 2022 lên 3% năm 2023 và 3,9% năm 2024. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn cả Mỹ và là nước có tỷ lệ ngân sách quốc phòng lớn nhất ở châu Âu. Tính đến hết năm 2023, đã có 10 nước thành viên NATO đạt mục tiêu chi tiêu quân sự 2%.

Với việc Thụy Điển gia nhập vừa qua, NATO dự kiến sẽ có 23 nước đạt mục tiêu chi tiêu quân sự cho năm 2024. Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển, tiêu chuẩn chi tiêu quân sự 2% do NATO đặt ra sẽ ngày càng trở thành mức chi tiêu cơ bản trong tương lai, thay vì giới hạn trần đặt ra ban đầu. Cùng với chi tiêu quân sự, các nước NATO cũng mở rộng quy mô trang bị các loại khí tài chủ lực như xe tăng, máy bay chiến đấu trong thời gian qua.

Ai được lợi?

Cùng với xung đột Nga - Ukraine ngày càng leo thang, NATO nhận thức được rằng kho đạn dược và năng lực sản xuất công nghiệp quốc phòng của khối này đã không thể đáp ứng được chỉ tính riêng cho chiến trường Ukraine. Vì vậy, NATO đã khẩn trương tăng chi tiêu quân sự để bù đắp những thiếu hụt trong chuỗi cung ứng vũ khí và đạn dược của mình, tránh bị thất bại trong “cuộc chiến tiêu hao hậu cần” và đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến NATO tăng chi tiêu quân sự.

Tuy nhiên, do thực lực công nghiệp quốc phòng thiếu hụt nghiêm trọng, các nước châu Âu chỉ có thể dựa vào các lái buôn vũ khí của Mỹ. Một phần đáng kể trong chi tiêu quân sự tăng vọt của châu Âu được chi cho việc mua sắm vũ khí từ Mỹ.

Theo số liệu thống kê, 2 năm qua, 2/3 chi tiêu mua sắm quân sự của NATO đều được tiến hành với các công ty của Mỹ, giá trị lên tới 140 tỷ USD. Chẳng hạn như Ba Lan đã chi 2 tỷ USD vào kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng, trong đó đặt mua 500 hệ thống phóng tên lửa đa nòng HIMARS từ Công ty Lockheed Martin của Mỹ và 250 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams từ General Dynamics. Phần Lan, nước mới gia nhập NATO năm 2023, cũng tăng 54% chi tiêu quân sự, đạt 2,4% GDP, với các thương vụ mua sắm chiến cơ F-35 và hệ thống phòng không của Mỹ.

Tất nhiên, Mỹ là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc NATO tăng mạnh chi tiêu quân sự. Theo báo cáo tài chính quý I/2024 do tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ Mỹ Raytheon công bố, doanh thu trong quý I của tập đoàn này đạt 19,3 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và thu nhập ròng là 1,7 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, giá trị số đơn hàng chưa bàn giao đạt mức cao kỷ lục 202 tỷ USD.

Ngoài ra, doanh thu quý I/2024 của Lockhead Martin cũng đạt 17,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Bản thân ông Jens Stoltenberg từng tuyên bố rằng: “Rất nhiều khoản chi tiêu quân sự mới của NATO được chi trả cho người Mỹ và NATO đang tạo ra một thị trường tiêu thụ vũ khí”.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhin-tu-viec-nato-tang-chi-tieu-quan-su-i744132/