Giao khoán rừng, đất lâm nghiệp: Cần quyết sách 'sát' với chính quyền hai cấp

Ngành lâm nghiệp cần xây dựng một nghị định bao trùm, sửa đổi tất cả các nghị định khác để tháo gỡ những vướng mắc, phù hợp với chính quyền hai cấp và khắc phục những vấn đề khó khăn trong thực tiễn.

Đất rừng sản xuất. (Ảnh: TTXVN)

Đất rừng sản xuất. (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, các công ty lâm nghiệp trên toàn quốc đã thực hiện khoán gần 460.000ha, tương đương khoảng 27% tổng diện tích được quản lý. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chính sách giao khoán cũng còn bộc lộ những bất cập, hạn chế, đặc biệt là việc quản lý đất đai và rừng gắn với sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp.

Vì vậy, ngành lâm nghiệp dự kiến sẽ xây dựng một nghị định bao trùm, sửa đổi tất cả các nghị định khác để tháo gỡ những vướng mắc, phù hợp với chính quyền hai cấp và khắc phục những vấn đề khó khăn trong thực tiễn.

Nhiều bất cập, vi phạm nảy sinh từ thực tiễn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị cho biết trong số gần 460.000ha mà các công ty lâm nghiệp đã thực hiện khoán, phần diện tích giao khoán theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước, chiếm 68%.

Còn diện tích giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông lâm trường quốc doanh, chiếm 29%; theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước, chỉ khoảng 3%.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc giao khoán trên đã tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp, cơ bản đáp ứng mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là người dân địa phương tham gia cùng với các công ty lâm nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách cũng còn bộc lộ những bất cập và hạn chế, đặc biệt là việc quản lý đất đai và rừng gắn với sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp.

Vì vậy, ngày 2/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 103-KL/TW, trong đó chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công để hoàn thành sớm việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp.

Báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp” của Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cũng cho thấy thời gian qua, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc, song quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều vướng mắc.

Dẫn ví dụ từ việc khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết nghị định này cho phép hộ nhận khoán được “làm nhà ở để trông nom khu rừng nhận khoán,” “được làm lán trại tạm thời để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất.” Tuy nhiên, việc quản lý diện tích khoán của các đơn vị chủ rừng chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều hộ nhận khoán tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình.

Nhiều hợp đồng khoán đã xác lập có nhiều nội dung không chặt chẽ, chưa đảm bảo về mặt pháp lý, gây khó khăn, hoặc không xử lý được khi hộ nhận khoán vi phạm hợp đồng. Quy định về quyền lợi và trách nhiệm của người nhận khoán rừng chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc phân định trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm.

 Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài ra, pháp luật liên quan cũng chưa có chế tài quy định xử lý trách nhiệm đối với cộng đồng, nhóm hộ, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi để xảy ra vi phạm pháp luật trên diện tích được giao khoán. Việc xử lý tài sản trên đất (cây trồng, nhà ở, nhà tạm, sân phơi, giếng đào) khi thanh lý hợp đồng, thu hồi diện tích khoán cũng còn lúng túng, không biết theo quy định nào, cơ quan nào định giá tài sản…

Quản lý sát, bảo đảm an sinh xã hội

Trước bất cập trên, lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách quản lý giao khoán rừng, đất lâm nghiệp theo hướng với diện tích đã giao, cho thuê quyền quản lý sử dụng đất cho công ty thì để công ty chủ động thực hiện các biện pháp kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nhà nước cần có hướng dẫn khung chính sách; còn phương thức khoán, nội dung khoán, quyền, nghĩa vụ của các bên và vai trò trách nhiệm của công ty, của hộ nhận khoán, phương thức ăn chia, xử lý vi phạm do công ty và hộ nhận khoán thỏa thuận, thực hiện theo quy định của Luật Dân sự.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện về quản lý sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập phương án quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp khi trả về địa phương gắn với chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiến sỹ Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển hóa chính sách khoán rừng từ mục tiêu an sinh sang phát triển kinh tế, đảm bảo quyền lợi cho người làm rừng và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên rừng.

Với tinh thần đó, ông Tuấn cho rằng cần phải xử lý sớm, dứt điểm các hợp đồng sai phạm, kiên quyết thu hồi diện tích bị sử dụng sai để bảo vệ tài nguyên rừng và tạo điều kiện cho những mô hình bền vững hơn.

Một điểm đáng chú ý được ông Tuấn chỉ ra là diện tích khoán trắng (phần không có hợp đồng khoán hoặc không thực hiện nhiệm vụ khoán) hiện chiếm khoảng 1.000 ha. Đây là nhóm đối tượng cần ưu tiên rà soát để đưa trở lại vào cơ chế quản lý, đảm bảo không bị lãng phí hay bị xâm hại.

Bên cạnh đó, chính sách giao khoán cũng cần phải trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, cũng như “không để người làm rừng thiệt thòi ngay từ trong chính sách.”

Đơn cử như quy định về “đóng cửa rừng,” ông Tuấn cho rằng không nên bị hiểu cứng nhắc là cấm hoàn toàn mọi hoạt động trong rừng tự nhiên, mà cần phân biệt rõ giữa khai thác gỗ (đang bị cấm) và khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ hoặc dịch vụ môi trường rừng (nguồn lợi hợp pháp đang bị bỏ ngỏ).

Ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cũng lưu ý từ đầu năm 2026, quy định chống mất rừng của EU (EURD) sẽ có hiệu lực. Vì vậy, các mặt hàng gỗ, càphê, cao su trồng trên các diện tích đất lâm nghiệp, cần phải đáp ứng những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và phải tuân thủ những quy định pháp luật về lâm nghiệp; các loại cây hàng hóa trồng trên diện tích xâm lấn,... sẽ không có cơ hội tiếp cận thị trường EU.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Trần Quang Bảo, cho biết trong năm 2025, ngành lâm nghiệp sẽ nghiên cứu, xây dựng một Nghị định bao trùm, sửa đổi tất cả các nghị định khác để tháo gỡ những vướng mắc trong lâm nghiệp, phù hợp với chính quyền hai cấp và khắc phục những vấn đề khó khăn trong thực tiễn mà muốn cần xử lý nhanh.

Do đó, những đề xuất trên được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giao-khoan-rung-dat-lam-nghiep-can-quyet-sach-sat-voi-chinh-quyen-hai-cap-post1035663.vnp