Giao lưu pháo đất truyền thống - nét đẹp văn hóa ở Hải Dương
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 hàng năm, các làng của huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương lại tổ chức giao lưu pháo đất truyền thống và thu hút đông đảo các đội tham gia…
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi đã có dịp về huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương để dự giao lưu pháo đất truyền thống theo lời mời của một người bạn là "dân bản địa". Địa điểm giao lưu pháo đất truyền thống mà tôi được dự là tại làng Cự Lộc, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Theo Ban Tổ chức thông báo đúng 12 giờ ngày 30/4 sẽ khai mạc buổi giao lưu nhưng mới 10 giờ các đội đã tề tịu mang các loại vật liệu làm pháo đến để nhào nặn và đổ khuôn hình của pháo. Vật liệu chính của pháo đất chủ yếu bằng đất thịt, một loại đất rất dẻo có màu sẫm đen được mua từ huyện Ninh Giang về. Năm nay số lượng các đội tham gia giao lưu của thôn Cự Lộc nhiều hơn các năm trước. Đặc biệt lần đầu tiên có đội nữ pháo thủ nữ tham gia.

Ông Nguyễn Văn Quảng, nguyên Bí thư và Chủ tịch xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ cho biết: "Lễ hội thi pháo đất truyền thống của tỉnh Hải Dương đã có cách đây hàng trăm năm. Ngày xưa các cụ cũng làm bằng đất thịt, nhưng để tăng độ dẻo pháo nổ to hơn, dải pháo dài hơn đẹp hơn, các cụ trộn bột nếp vào đất thịt và sau đó mới lên khuôn. Ngày nay con cháu không dùng bột nếp trộn bởi lý do là nếu trộn bột nếp chỉ dùng được một lần, còn nếu đất thịt không thì sau khi dự thi xong có thể chôn xuống đất để lần sau lại đưa lên dùng tiếp được".

Ông Quảng cũng cho biết thêm: "Pháo đất của xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ nói chung và làng Cự Lộc nói riêng từ lâu đã có tiếng trong tỉnh Hải Dương. Hàng năm vào dịp lễ hội tỉnh, huyện tổ chức các cuộc thi pháo đất truyền thống, nhiều đội của xã Minh Đức tham gia và nhiều năm liền đoạt giải của tỉnh, huyện. Pháo đất truyền thống đã trở thành "đặc sản" của huyện Tứ Kỳ. Ngày xưa pháo đất còn được các cụ ứng dụng vào các trận đánh nhằm gây tiếng nổ lớn uy hiếp kẻ thù… Từ thuở bé bọn tôi rất háo hức được xem hội thi pháo đất truyền thống. Vào những ngày hội, trẻ già trai gái trong làng đều ăn mặc đẹp để đi dự hội. Trong làng những thanh niên tráng kiện được chọn làm các "pháo thủ". Mỗi đội khoảng 10 người hoặc có đội 20 người tùy theo từng trận đấu. Các vị trọng tài làm việc rất công tâm. Mỗi lần giao lưu đội thắng, đội thua đều hoan hỉ không cay cú. Giao lưu pháo đất truyền thống của huyện Tứ Kỳ nói chung và xã Minh Đức nói riêng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống ở mỗi làng quê và vẫn đều duy trì bảo tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác".

Lần đầu tiên được tham dự buổi giao lưu pháo đất truyền thống, chúng tôi vô cùng háo hức, thú vị. Các pháo thủ là những "nam thanh, gái lịch" khỏe khoắn trong những bộ đồng phục vàng, đỏ bắt mắt đặc trưng của từng đội. Họ nhào nặn đất vào vào khuôn rất kỹ và chi tiết và hơn hết là sự hợp đồng phối hợp chặt chẽ mới có thể nâng pháo lên và hạ xuống nhịp nhàng, tạo lên tiếng nổ lớn. Có thể nói đây gần như là bộ môn thể thao tập thể có sự tham gia phối hợp của nhiều người thể hiện tính đoàn kết, cộng đồng, tính thượng võ của dân tộc. Từ xa xưa ông cha ta đã nghĩ ra được trò chơi này như một tuyệt tác, được con cháu ngàn đời gìn giữ đến ngày nay.
Sau gần 3 giờ đồng hồ với nhiều síp đấu, tiếng pháo nổ rộn ràng dưới sự cổ vũ mạnh mẽ của người dân tạo nên không khí lễ hội thực sự nơi làng quê vốn yên ả… Rồi những giải thưởng cho các đội cũng được trao. Kinh phí buổi lễ hoàn toàn được xã hội hóa dưới sự tài trợ của các "mạnh thường quân" các nhà hảo tâm. Ngoài số tiền được trao giải sau mỗi lần tổ chức lại có thêm nguồn kinh phí để tu bổ đường làng ngõ xóm mà chị em hội phụ nữ phát động.
Có thể khẳng định giao lưu pháo đất truyền thống là nét đẹp văn hóa có từ ngày xưa đến nay vẫn hiện hữu trong mỗi làng quê của tỉnh Hải Dương. Pháo đất truyền thống một trò chơi dân gian thể hiện sự gắn kết cộng đồng tinh thần thượng võ của ông cha ta, mãi là nét đẹp văn hóa mà chúng ta cần bảo tồn, phát huy và gìn giữ…