Giao lưu văn hóa là nền tảng cho hợp tác Việt-Mỹ
Theo các chuyên gia, sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ là nền tảng cho mối quan hệ hợp tác tích cực giữa hai nước trong thời gian qua.
Có mặt tại buổi thảo luận nhân dịp kỉ niệm 30 năm lệnh cấm vận đối với Việt Nam được dỡ bỏ, Chủ tịch Beta Group Bùi Quang Minh chia sẻ rằng văn hóa Mỹ, thông qua nền điện ảnh, đã có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của mình.
Minh là cựu sinh viên Đại học Sydney (Úc). Năm 2012, anh mở chuỗi cửa hàng bán bánh và café Doco Donuts tại Hà Nội. Trong ba năm, Minh đã mở sáu cửa hàng trên cả nước, nhưng đó là lúc khó khăn về sự thiếu kinh nghiệm quản lí và vận hành doanh nghiệp lộ ra.
“Tôi dành hết tiền tiết kiệm của mình cho dự án này. Nhưng khi đã mở sáu cửa hàng, đó là lúc tôi cảm thấy bế tắc, không biết làm thế nào để phát triển thêm được nữa”, anh chia sẻ tại buổi thảo luận tổ chức bởi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 2/2.
“Hồi ấy thì tôi gần như không nghĩ đến các kênh gọi vốn, như các bạn trẻ hay làm bây giờ. Cuối cùng thì tôi bán lẻ các cơ sở kinh doanh của mình thay vì bán toàn bộ thương hiệu như người ta hay làm”, Minh nói.
Sau khi bán doanh nghiệp của mình, Minh quyết định rời Việt Nam để theo học tại Đại học Harvard. Trở về Việt Nam năm 2014, anh thành lập hệ sinh thái dịch vụ đa nền tảng Beta Group.
Chủ tịch Beta Group cho rằng các bạn trẻ thời nay được sống trong một môi trường rất thuận lợi. Anh cũng thừa nhận rằng thế hệ trẻ có suy nghĩ rất khác biệt, và họ có nhiều cơ hội để học tập, tiếp thu và nắm bắt những cơ hội mang đến bởi mối quan hệ nồng ấm giữa Việt Nam và Mỹ.
“Sau một thời gian hoạt động tại Việt Nam, tôi thấy rằng văn hóa Việt Nam cũng có rất nhiều ảnh hưởng trên thế giới”, Minh nói. “Nếu chúng ta có thể tìm ra cách để kết hợp các giá trị, triết lí văn hóa Việt Nam vào mô hình kinh doanh, đó sẽ là hiệu ứng lớn đối với thế giới”.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Thành viên Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương Việt Nam (VNCPEC), coi giao lưu văn hóa là yếu tố quan trọng nhất trong mối quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ.
Ông Lực ước tính hiện có khoảng 24.000 người Việt Nam đang học tập và làm việc tại Mỹ. Trước đại dịch Covid-19, có khoảng 730.000 du khách Mỹ đã tới Việt Nam, và con số này trong năm 2023 đã đạt mức 750.000.
“Rất mong rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ chào đón một triệu khách du lịch từ Mỹ”, ông Lực cho biết.
Chuyên gia về phát triển bền vững Richard D. McClellan nói rằng chính sự tha thứ, sự đối xử nồng ấm và thân thiện từ phía Việt Nam là nền tảng cho hai quốc gia đạt được những thành tựu lớn trong quan hệ song phương.
Năng lượng xanh, phát triển bền vững
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, năng lượng tái tạo là một trong số những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển đất nước theo hướng bền vững.
“Sản lượng điện từ các nguồn tái tạo hiện chỉ chiếm 16% tổng sản lượng điện toàn quốc. Chúng tôi kì vọng sẽ nâng tỉ lệ này lên 30% vào năm 2030 và 60% vào năm 2030”, ông Lực nói.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng BIDV cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thực hiện các dự án điện tái tạo, có đường bờ biển dài, và nhiều nắng gió. Từ đó, ông Lực khuyến nghị các doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh mẽ vào ngành năng lượng tái tạo, cung cấp các giải pháp về vốn và công nghệ cho Việt Nam.
Để thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, đề nghị các doanh nghiệp trong nước thực hiện công tác quản trị doanh nghiệp tốt hơn để tăng cường tính minh bạch và bền vững.
Bà Thanh cho rằng các công ty Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc áp dụng và đạt được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đặc biệt là Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) của OECD,
“Sự minh bạch, bền vững trong hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp Việt thu hút nhiều hơn dòng vốn nước ngoài để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh”, bà Thanh nói.
Tương lai hợp tác tươi sáng
Sự kiện dỡ bỏ lệnh cấm vận vào ngày 3/2/1994 là cột mốc đáng nhớ, mở ra thời kì hợp tác phát triển toàn diện, sâu sắc giữa Việt Nam và Mỹ.
Sau 30 năm, Việt Nam và Mỹ đã trở thành những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng hơn 300 lần lên mức kỉ lục 139 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nền kinh tế đạt gần 111 tỉ đô-la trong năm 2023. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Mỹ đạt trên 100 tỉ đô-la.
Thông qua các hoạt động giao lưu kinh tế, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ trên toàn cầu, và lớn nhất tại Đông Nam Á. Ở chiều ngược lại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai trên toàn thế giới của Việt Nam, nhập khẩu khoảng 1/3 tổng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam.
Mỹ cũng nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài quan trọng tại Việt Nam. Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Marc E. Knapper, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ “có lòng tin vững chắc vào tầm quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Đại sứ Knapper cũng bày tỏ sự hào hứng với tương lai hợp tác tươi sáng giữa hai quốc gia. Theo ông, các nhà đầu tư Mỹ thực sự đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác.
“Chúng tôi rất hoan nghênh tất cả những cải cách kinh tế to lớn dựa trên cơ chế thị trường mà Việt Nam đã thực hiện, cũng như các cam kết của Việt Nam. Chúng tôi cam kết hợp tác và hỗ trợ Việt Nam một cách sâu rộng trong quá trình Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường”, ông nói.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Việt Nam cần ghi nhớ ngày 3/2/1994 vì đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước và là bước khởi đầu cho quá trình toàn cầu hóa của Việt Nam, mang lại những lợi ích lớn lao cho người dân và doanh nghiệp.
“Rất nhiều quốc gia coi mối quan hệ Việt Nam và Mỹ là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác song phương. Chúng tôi rất vui vì mối quan hệ giữa hai quốc gia đã thực sự cất cánh trong thời gian vừa rồi”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực phát biểu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giao-luu-van-hoa-la-nen-tang-cho-hop-tac-viet-my.html