Giáo sư 92 tuổi vẫn miệt mài vì môi trường
Ở tuổi 92, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vẫn 'trên từng cây số' đi vinh danh, bảo vệ cây cổ thụ quý.
Vị giáo sư yêu cây
Tôi gặp GS Đặng Huy Huỳnh trong căn nhà nhỏ ngập tràn sách, tài liệu, tranh ảnh về cây cối. Vị giáo sư già hiền từ vẫn nhanh nhẹn rót nước mời khách, thoăn thoắt đi lấy tài liệu kể chuyện cho tôi nghe, dù ông đã ở tuổi 92.
Trong các hội thảo, diễn đàn, sự kiện vinh danh cây di sản, ông vẫn liên tục xuất hiện với nụ cười tươi rói. Không chỉ là nhà khoa học đầu ngành về sinh học, ông còn là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ nhà khoa học hiện nay.
Hỏi ông gắn bó với thiên nhiên từ khi nào, ông bảo, chắc có lẽ từ khi là một cậu bé chăn trâu cắt cỏ. Cậu bé ấy yêu thích thiên nhiên, bầu trời, rồi cơ duyên sau này, con đường học tập, nghiên cứu khoa học của ông cũng lại gắn liền với đam mê này.
Một trong những hoạt động để lại nhiều dấu ấn, đến giờ ông vẫn duy trì, đó là vinh danh cây di sản. Với ý tưởng phải bảo vệ các cây cổ thụ, có ý nghĩa về khoa học, văn hóa, để các cây cổ thụ không bị chết gì già cỗi, thì cần phải có một chương trình bài bản bảo vệ chúng.
Mà cách bảo vệ tốt nhất là giao cho chính người địa phương đó chăm sóc, gìn giữ. Chương trình vinh danh cây di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường khởi xướng đã ra đời năm 2010.
Cây di sản bao gồm những cây gỗ lớn, cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.
Việc lựa chọn và vinh danh cây di sản góp phần bảo tồn nguồn gene tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, đến nay, ông cùng các nhà khoa học đã vinh danh được 5.500 cây di sản trên khắp cả nước. Các cây được vinh danh đều có tuổi đời từ 200 năm đến 2.000 tuổi, cá biệt có những cây đến 3.500 tuổi như cây đại ở Đông Anh (Hà Nội) hay cây táu cổ ở đền Cổ Miếu (Phú Thọ) có tuổi đời đến 2.200 năm tuổi.
Kinh phí để vinh danh các cây di sản này đều do người dân đóng góp. Còn kinh phí đi lại của các nhà khoa học như GS.TSKH Đặng Huy Huynh là do mỗi người tự bỏ tiền túi đóng góp. “Nhiều người cũng thắc mắc việc gì chúng tôi phải làm thế. Nhưng phải làm về bảo tồn sinh học mới hiểu niềm vui khi thấy một cái cây được bảo vệ.
Phần thưởng lớn nhất cho tôi chính là việc người dân chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Tự bản thân họ thấy việc cần thiết phải bảo vệ, giống như thứ tài sản tích trữ lại dành cho đời con, đời cháu. Môi trường bị phá hủy thì các thế hệ con cháu sau này khó mà khắc phục”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết.
Tôi hỏi, sau 10 năm lặn lội tìm cây quý, ông thấy được điều gì, GS Đặng Huy Huỳnh cho biết, trên khắp dải đất hình chữ S, từ đồng bằng, rừng núi đến hải đảo đều có độ đa dạng sinh học cao, có rất nhiều cây cổ thụ quý. Ngày càng có nhiều địa phương gửi hồ sơ đăng kí vinh danh Cây di sản về Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nghĩa là còn rất nhiều cây quý nữa chưa được biết đến.
Vì vậy, bảo vệ cây di sản (tree heritage) - cả cây tự nhiên và cây trồng, không những là bảo vệ nguồn gene mà là bảo vệ và giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh. Như ở mảnh đất Thủ đô, từ cây đa ở làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) đến quần thể cây lim cổ ở đền Và (thị xã Sơn Tây) - mộc thụ nào cũng mang đậm dấu ấn văn hóa.
Dấu chân in khắp mọi cánh rừng
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Ông được phong hàm Giáo sư (1991); được tặng Huân chương chống Mỹ hạng Hai (1983); Huân chương Lao động hạng Nhất (1997); Giải thưởng Hồ Chí Minh về tập Atlas Quốc gia (2005), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (2010); Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2010) cùng nhiều huân, huy chương và giải thưởng khác. Ông thông thạo 4 ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Lào. Ông có 165 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; xuất bản 15 sách chuyên khảo về động vật học, tài nguyên động vật…
Với Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Huỳnh, tình yêu, sự gắn bó máu thịt với rừng đã đủ dài lâu. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Đặng Huy Huỳnh gia nhập quân ngũ. Từ đó cho đến năm 1955, sống và chiến đấu ở chiến trường khu 5 và Hạ Lào, ông hầu như chỉ ở trong rừng.
Những mùa khô ở cánh rừng Lào nước cạn trơ đáy suối, những góc rừng che chở và nuôi sống bộ đội đã trở thành kí ức không thể nào quên. Sau khi xuất ngũ, vì yêu rừng nên ông chọn và gắn bó với lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường.
Đôi chân dẻo dai của ông đã đi hết những cánh rừng ở Việt Nam. Những chuyến lặn sâu vào rừng hàng 2 - 3 tháng trời, vác trên lưng bao ngô, bao mỳ làm lương thực. Lúc lội bộ ở vùng rừng ngập mặn Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau), khi lại thực hiện những chuyến thực địa dài ngày tận rừng sâu thuộc các tỉnh Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.
Đến cả những ngày sang Nga làm phó tiến sĩ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Sinh thái học, ngoài giờ làm việc, Đặng Huy Huỳnh đã đi theo sự dẫn dụ của những cánh rừng Nga với những thảm thực vật phong phú và đa dạng.
Chính những nghiên cứu cơ bản, điều tra khu hệ động vật, ký sinh trùng và côn trùng của GS Huỳnh đã làm nền tảng cho việc phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái; phát triển, nhân nuôi các loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế, góp phần bảo vệ nguồn gene động vật hoang dã… Kết quả của những tháng ngày nghiên cứu đó là 15 tập sách chuyên khảo về động vật học, tài nguyên động vật.
Đặc biệt, ông đã hai lần được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ: Tập Atlas Quốc gia năm 2005; cụm công trình “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam”, “Sách đỏ” và “Danh lục đỏ Việt Nam” năm 2010. Ông cũng là một trong số những nhà nghiên cứu đã đặt nền móng xây dựng nên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
GS Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, việc tìm kiếm, nghiên cứu, chứng nhận Cây di sản chính là cơn cớ để ông nối dài hành trình đến với thiên nhiên cây cỏ. Nếu không có những cuộc vinh danh Cây di sản thì cây sẽ ra sao? Có lẽ một số cây sẽ vẫn tồn tại như bao lâu nay.
Nhưng cũng có nhiều cây có thể sẽ chết dần, cả về thực thể cây, cả về ý nghĩa, giá trị của cây với cộng đồng. Bởi thế, nhiều cuộc vinh danh cây đồng nghĩa với cuộc giải cứu, nâng tầm cho cây. Quần thể bàng ở Côn Đảo, hay cây ngô đồng đỏ ở Cù Lao Chàm từ khi là Cây di sản đã trở thành điểm nhấn cho các khu du lịch.
Sau khi cây dẻ 400 năm tuổi và quần thể dẻ ở Trùng Khánh (Cao Bằng) được công nhận Cây di sản, nhiều địa phương ở Cao Bằng đã mở rộng quy mô trồng dẻ. Hạt dẻ được biết đến nhiều hơn, giá bán cao hơn, đồng nghĩa với cuộc sống của người dân ấm no hơn.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh rút ra kết luận, để bảo tồn đa dạng sinh học, phải coi người dân là trung tâm, là chủ thể. Ông chủ tịch xã, ông trưởng thôn… không phải là chủ thể của di sản, mà để bảo tồn nó, phải để chính người dân có ý thức, có mong muốn gìn giữ.
Trong quản lý và sử dụng rừng, đất rừng cũng vậy. Phải giao cho người dân, để họ có sinh kế lâu dài. “Khi tham gia các đoàn công tác bảo tồn công viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang và Đắc Nông, tôi luôn bảo lưu ý kiến phải để người dân là chủ thể. Chính quyền chỉ lãnh đạo, chỉ đạo chung chung. Chỉ khi người dân có trách nhiệm với di sản thì mới có thể gìn giữ được”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho hay.