Giáo sư Carl Thayer: Đổi mới là chính sách lớn có ý nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), phóng viên TTXVN tại Sydney đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales (Australia) về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 90 năm qua cũng như những vấn đề quan tâm lớn của Đảng trong thời gian tới.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo qua 10 sự kiện lớn trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của nước ngoài và thành lập một nước Việt Nam thống nhất, độc lập.
Thứ nhất, với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930, các nhà cách mạng Việt Nam đã thống nhất các tổ chức cách mạng từ ba miền của Việt Nam và trở thành một đảng quốc gia thực sự.
Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam gia nhập Quốc tế Cộng sản vào năm 1930 và nhận trách nhiệm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trên khắp Đông Dương. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo bằng cách liên kết cuộc đấu tranh của Việt Nam với cuộc đấu tranh trên thế giới chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh được tính cách mạng của mình bằng cách phát động phong trào nông dân nổi dậy chống thực dân Pháp để lập ra chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh vào những năm 1930-1931.
Thứ tư, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi đầu trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa thực dân vào năm 1941 khi thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh Hội và tiến hành cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ hay còn gọi là cuộc cách mạng hai giai đoạn.
Thứ năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện bước đi quyết định trong việc nắm bắt thời cơ và phát động thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám và tuyên bố Việt Nam độc lập vào ngày 2/9/1945. Việt Nam trở thành một trong những nước thuộc địa đầu tiên giành được độc lập, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Thứ sáu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1946-1954 bằng cách tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Cuộc kháng chiến này kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/1954.
Thứ bảy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một bước đi táo bạo trong việc đàm phán với Pháp để chấm dứt xung đột vũ trang vào năm 1954. Mặc dù Việt Nam tạm bị chia cắt, song Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một cơ sở vững chắc ở miền Bắc, có thủ đô là Hà Nội và cảng Hải Phòng kết nối với thế giới bên ngoài. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó là có tên là Đảng Lao động Việt Nam) đã tiến hành cải cách ruộng đất, tập thể hóa nông nghiệp và bắt đầu những bước đầu tiên hướng tới công nghiệp hóa.
Thứ tám, vào tháng 1/1959, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định nối lại cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam để tiến tới thống nhất đất nước.
Thứ chín, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh bại cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc.
Thứ mười, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, kết thúc bằng cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975.
Về những chính sách có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ quốc tế của Việt Nam trong những năm qua, Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh chính sách lớn có ý nghĩa cho đến nay là việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo tiến hành công cuộc Đổi mới vào cuối năm 1986. Việt Nam đã chấm dứt kế hoạch hóa tập trung và khởi xướng phát triển sản xuất tư nhân, chủ yếu dựa vào các hộ gia đình. Chính sách này đem lại sự gia tăng rõ rệt về năng suất trong sản xuất lúa gạo và tạo điều kiện cho sự “bung ra” của ngành công nghiệp nhẹ.
Đồng thời, Việt Nam mở rộng quan hệ thương mại và khuyến khích đầu tư nước ngoài để giúp phát triển “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giúp giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo khi Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
Bước ngoặt quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là vào tháng 5/1988, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 13 về các nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Nghị quyết này đặt ưu tiên cho phát triển kinh tế thông qua chính sách đối ngoại đa phương với mục tiêu “thêm bạn, bớt thù”.
Sau đó, tất cả các đại hội Đảng toàn quốc đều tiếp tục thực hiện chính sách trên với thành công lớn. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với tư cách là thành viên thứ 6. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước và đối tác toàn diện với 12 nước. Việt Nam đang thực hiện thành công quá trình “hội nhập kinh tế tích cực, chủ động” thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Một chính sách khác cũng được Giáo sư Carl Thayer đề cập là quyết định tiến hành cải cách ruộng đất vào năm 1953-1954 bằng việc chia lại ruộng đất cho nông dân, chấm dứt sự thống trị của địa chủ và phú nông đối với nông dân nghèo, đặt nền tảng cho sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp từ cấp thấp đến cấp cao. Mặc dù còn có một số vấn đề, song kết quả cuối cùng của quyết định này là tạo ra một xã hội bình đẳng hơn tại một quốc gia nghèo đang phát triển.
Nhận định về những mối quan tâm và thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới, Giáo sư Carl Thayer cho rằng có hai mối quan tâm lớn. Đầu tiên là vấn đề làm thế nào để duy trì sự tăng trưởng kinh tế hiện nay một cách công bằng trên toàn xã hội và bảo vệ môi trường. Có nhiều biến số sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu này như: tác động của những khó khăn kinh tế và cuộc chiến thuế quan hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ ở các thị trường lớn, tốc độ tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam và khả năng của Việt Nam tiếp thu các công nghệ như là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mối quan tâm lớn thứ hai liên quan đến tình trạng căng thẳng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên.
Cuối cùng, theo Giáo sư Carl Thayer, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ đặc biệt quan tâm tới việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào đầu năm 2021 để đảm bảo sự chuyển tiếp chính trị suôn sẻ cũng như sự đồng thuận về các chính sách kinh tế - xã hội lớn trong 5 năm tới và xa hơn.