Phân loại rác thải bắt buộc tại nguồn: Chú trọng tuyên truyền tạo nếp quen trong nhân dân
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, chậm nhất ngày 31/12/2024, bắt buộc hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Để đưa quy định vào cuộc sống, các đơn vị, địa phương đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung này.
Chủ động kế hoạch phân loại rác
Theo quy định tại khoản 1, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (gọi tắt là rác thải), được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Trong đó, nhóm chất thải tái chế (phế liệu), người dân, chủ nguồn thải có thể bán cho các cá nhân, tổ chức thu gom có chức năng hoặc lực lượng thu gom tại nguồn; nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy có thể xử lý thành phân hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi và nhóm chất thải còn lại (như vỏ bao bì, đồ sành, sứ vỡ; túi nilon …) gom lại chuyển cho lực lượng thu gom đưa đi xử lý.
Đối với nhóm chất thải sinh hoạt nguy hại (pin đã qua sử dụng, bóng đèn hư cũ, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, chất thải điện tử...), chủ nguồn thải đem đến điểm tiếp nhận hoặc điểm thu hồi chất thải nguy hại được bố trí tại các khu dân cư. Chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại tại nguồn phải được lưu chứa trong bao bì, thiết bị riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, bảo đảm không rò rỉ nước, không phát tán mùi.
Mục tiêu tỉnh Bắc Giang đề ra đến năm 2025 là: 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở đô thị đạt 90%, ở nông thôn đạt 70%.
Thực hiện quy định này, ngày 5/9/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động ban hành kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đến nay, các địa phương (từ cấp huyện đến cấp xã) của tỉnh cơ bản ban hành kế hoạch, phương án phân loại rác thải, có đơn vị đã thực hiện phân loại rác. Ví như Báo Bắc Giang, từ giữa tháng 10 vừa qua, đơn vị đã trích hơn 7 triệu đồng trang bị những thùng rác khác màu cho các phòng trong cơ quan. Hiện việc phân loại rác đã được cán bộ, nhân viên của Báo thực hiện nghiêm túc.
Ông Lương Ngọc Đức, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Việt Yên thông tin: “Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngày 4/10, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai việc phân loại rác tại nguồn tới các xã, phường, thị trấn. Đến nay, Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn quy định của pháp luật, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và quy trình xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường. Tới đây, Phòng sẽ tham mưu thị xã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện tại các xã, phường, thị trấn, qua đó huy động đông đảo cán bộ, người dân quan tâm, tham gia”.
Tiếp tục tuyên truyền tạo thói quen
Trên địa bàn tỉnh, việc phân loại rác tại nguồn đã được quan tâm triển khai thực hiện nhiều năm qua. Cụ thể, ngày 27/2/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường. Ngày 29/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1553/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định. Thực hiện chỉ thị, quyết định trên, các đơn vị, đoàn thể, địa phương đã xây dựng, triển khai hàng nghìn mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hiệu quả tại các khu dân cư.
Đáng chú ý, qua phân loại rác, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn đã thu được nhiều tỷ đồng từ bán rác thải tái chế. Số tiền này được sử dụng giúp đỡ hàng nghìn phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Ý thức, nhận thức về phân loại rác thải của người dân nhờ đó ngày càng chuyển biến tích cực. Không ít hộ gia đình, cá nhân đã biết tận dụng nguồn rác thải hữu cơ, dễ phân hủy làm phân bón cho cây trồng, thức ăn trong chăn nuôi.
Đơn cử như cô giáo mầm non Trần Thị Thúy ở thôn Đông Tiến, xã Hương Gián (Yên Dũng). Cô Thúy cho hay: “Tôi tự phân loại, tận dụng rác thải từ sinh hoạt để ủ làm phân bón cho cây trồng hơn chục năm nay. Dùng loại phân này, đất trồng cây luôn tơi xốp, nhiều dinh dưỡng. Rau, củ, quả trồng ra có chất lượng ngon, ngọt, an toàn hơn loại chăm bón bằng phân hóa học. Lượng rác sinh hoạt của gia đình thải ra môi trường nhờ đó còn rất ít”. Việc tận dụng rác hữu cơ làm phân bón của cô giáo Thúy đã lan tỏa sang nhiều phụ nữ ở địa phương. Khi xã, thôn triển khai đề án phân loại rác, nhiều chị em hưởng ứng tích cực.
Để từng bước đưa quy định phân loại rác vào cuộc sống, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: “Hiện cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; thiếu các trạm trung chuyển tái chế rác; nguồn lực dành cho hoạt động thu gom xử lý rác chưa đáp ứng nhu cầu…
Việc phân loại rác bắt buộc theo quy định của Luật vì thế còn nhiều khó khăn và cần phải có thời gian, lộ trình. Trước mắt, đơn vị tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật tạo thói quen phân loại rác trong nhân dân. Quan tâm nhân rộng các mô hình phân loại, xử lý rác hiệu quả; vận động nhân dân (nhất là ở khu vực nông thôn) tích cực tận dụng rác hữu cơ dễ phân hủy làm phân bón cho cây trồng, sử dụng hiệu quả rác tái chế… góp phần giảm thiểu rác thải phát sinh ra môi trường”.
Bài, ảnh: Tuấn Dương