Giáo sư ĐH Harvard khẳng định: 'Người ngoài Trái Đất' đã ghé thăm Hệ Mặt Trời từ năm 2017
Một giáo sư của ĐH Harvard (Mỹ) đã khiến mọi người sửng sốt khi đưa ra tuyên bố rằng, đã có bằng chứng về 'công nghệ của người hành tinh khác' xuất hiện trong Hệ Mặt Trời vào năm 2017, chỉ là không mấy người biết được mà thôi.
Giáo sư, nhà vật lý học Avi Loeb của ĐH Harvard (Mỹ) đã khẳng định rằng, một vật thể có hình thù kỳ lạ đi vào Hệ Mặt Trời của chúng ta vài năm trước chính là dấu hiệu của nền văn minh ngoài Trái Đất.
Vật thể trong vũ trụ này - được đặt tên là Oumuamua - lần đầu tiên được quan sát thấy qua kính viễn vọng Pan-STARRS ở Đài thiên văn Haleakala (Hawaii) vào ngày 6/9/2017. Các nhà nghiên cứu thấy rằng nó đã đi vào từ hướng của sao Vega - một ngôi sao trong chòm sao Lyra, cách chúng ta khoảng 25 năm ánh sáng.
Chỉ 3 ngày sau đó, Oumuamua bắt đầu tăng tốc về hướng Mặt Trời, trước khi nó đến rất gần Trái Đất vào ngày 7/10 rồi bay vào màn đêm mịt mùng của vũ trụ.
Thực tế, một số nhà khoa học đã cho rằng Oumuamua - được cho là vật thể “liên hành tinh” đầu tiên được thấy trong Hệ Mặt Trời - có thể chỉ là một sao chổi. Tuy nhiên, giáo sư Loeb - người đứng đầu Khoa Thiên văn học của ĐH Harvard - đã phản đối suy luận đó. Ông cho rằng, mọi người nghĩ vậy là do chỉ nghĩ theo lối mòn về những thứ quen thuộc.
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người tiền sử nhìn thấy một cái điện thoại di động?” - Loeb nói với tờ New York Post - “Cả đời mình, anh ta chỉ toàn nhìn thấy những cục đá, nên anh ta sẽ nghĩ cái điện thoại đó chỉ là một cục đá đẹp đẽ”.
Theo Loeb thì có 2 chi tiết lớn cho thấy Oumuamua không phải là sao chổi, mà là một vật thể đến từ nền văn minh ngoài hành tinh.
Thứ nhất là kích thước của nó. Chiều dài của Oumuamua lớn gấp 5-10 lần chiều rộng, tức là trông nó như điếu thuốc, mà các vật thể tự nhiên trong vũ trụ thì vốn không có hình như thế.
Thứ hai, quan trọng hơn, là cách di chuyển của nó. Bởi bình thường, lực hút của Mặt Trời sẽ khiến một vật thể tự nhiên chuyển động nhanh hơn khi đến gần, rồi cuối cùng lại khiến nó bay chậm hơn khi tiến ra xa. Nhưng điều này không xảy ra với Oumuamua. Oumuamua tăng tốc khi nó bay ra xa khỏi Mặt Trời.
Lời khẳng định của giáo sư Loeb có lẽ sẽ còn gây nhiều tranh cãi trong giới thiên văn học, nhưng dù sao, niềm tin rằng chúng ta không cô độc trong vũ trụ này vẫn là một khái niệm rất hấp dẫn đối với cả các nhà nghiên cứu lẫn mọi người bình thường.
Thục Hân
(Theo nhiều nguồn tin)