'Giáo sư Đức' trên hành trình vạn dặm

Trải qua 49 năm tuổi quân, Đại tá, GS, TS, bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức vẫn chưa một ngày dừng bước trên hành trình vạn dặm của mình. Sức làm việc và cống hiến của ông vẫn mạnh mẽ sau nửa thế kỷ công tác. Điều này có lẽ xuất phát ngay từ những ngày đầu sự nghiệp, ông đã chọn cho mình việc khó, đó là chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bộ đội và nhân dân.

Những bức thư tri ân...

Ngày làm việc của bác sĩ Đức luôn bắt đầu từ 6 giờ 30 phút. Vẫn biết mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng và đã là ngành y thì không thể tránh được sự vất vả, thế nhưng đằng sau cánh cửa Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y, nơi GS Cao Tiến Đức gắn bó hàng chục năm, lại là một thế giới lặng lẽ, bí ẩn và có phần “đáng sợ” với người ngoại đạo.

Luôn có mặt đầu tiên ở khoa, hình ảnh Chủ nhiệm Đức ân cần đến thăm từng giường bệnh, quan sát, trò chuyện theo cách rất riêng đã quá quen thuộc. Ông khám bệnh mà như không khám, trò chuyện như thể bậc cao niên trong gia đình. Là bác sĩ trực tiếp điều trị, đồng thời là lãnh đạo chuyên môn của khoa, việc nhớ rõ tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh gia đình, hồ sơ bệnh án của cả trăm bệnh nhân là điều bắt buộc. Riêng đối với bệnh nhân Khoa Tâm thần, mỗi mảnh đời là một câu chuyện với bao nỗi niềm, hoàn cảnh cần được lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ...

 Giáo sư Cao Tiến Đức (giữa) ân cần thăm hỏi người bệnh.Ảnh do nhân vật cung cấp

Giáo sư Cao Tiến Đức (giữa) ân cần thăm hỏi người bệnh.Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi tôi hỏi sâu về những câu chuyện cụ thể, đáng nhớ trong quá trình chữa bệnh của ông, ông chậm rãi nói: “Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu! Có lẽ chị nên đọc các lá thư của bệnh nhân và học trò gửi cho tôi thì sẽ khách quan hơn, dễ trò chuyện hơn chăng?”.

Lật giở những trang viết, bao trùm là sự tri ân với người bác sĩ tài giỏi, nhân đức. Còn với nhiều thế hệ học viên, sinh viên ngành y, “bố Đức” là cách xưng hô đầy trìu mến dành tặng người thầy đáng kính. Có người còn làm thơ hóm hỉnh tặng ông: “Thầy Đức chủ nhiệm bộ môn/ Sẵn lòng giải thích ôn tồn, cưu mang”. Các bác sĩ tương lai lạ lẫm khi lần đầu tiếp xúc với những người mang bệnh lý tâm thần và tiếp cận với những phương pháp điều trị, để rồi lời thầy Đức hé mở cho các bạn thêm hiểu và yêu nghề hơn. Phía sau cánh cổng sắt của Khoa Tâm thần không phải điều gì “kỳ bí” mà đó là một xã hội văn minh, có tình thương yêu, đồng cảm giữa con người với con người, nơi điều kì diệu có thể xảy ra.

Không chỉ phụ trách điều trị và giảng dạy, những công trình nghiên cứu, đặc biệt là hơn 130 bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, nhiều đầu sách chuyên khảo, giáo trình, tài liệu tuyên truyền về sức khỏe tâm thần cho cộng đồng của GS Cao Tiến Đức đã trở thành nguồn tư liệu tham khảo quý báu cho các sinh viên, bác sĩ thế hệ kế cận.

Coi người bệnh như người thân

Tác phong nhanh nhẹn, ánh mắt ngời sáng, nụ cười thường trực trên môi, ít ai mường tượng được về tuổi thơ cơ cực, hành trình đi tìm con chữ, chinh phục ước mơ làm bác sĩ và sống chết với nghề của GS Cao Tiến Đức.

Sinh ra trong một gia đình đông con ở vùng quê miền núi nghèo khó của tỉnh Nghệ An, cậu bé Đức tỏ ra sáng dạ, ham học. 5 tuổi đã bế em đứng cửa lớp nghe trộm thầy giảng bài nên được thầy gọi đi học sớm. Đến khi vào cấp 3, ước mơ trở thành bác sĩ nhen nhóm và là động lực cho cậu trò nhỏ vượt suối, băng đèo, đi bộ hàng chục cây số tới trường bất kể mưa nắng hay đau bệnh. Hành trang xa nhà 3, 4 tuần chỉ là vài cân gạo và ít muối vừng mẹ gói ghém cho. Tháng 10-1974, khi có giấy báo trúng tuyển đại học cũng là lúc nhận giấy gọi nhập ngũ, chàng trai 17 tuổi xếp bút nghiên để tòng quân. “Với lý lịch là chiến sĩ rèn luyện tốt, kỷ luật tốt, học tốt, tôi được đề nghị sớm đào tạo thành cán bộ quân y. Và thế là tôi đã trở thành sinh viên sau đúng hai năm nhập ngũ”, giọng kể của ông vẫn hân hoan về những ngày tháng ấy.

Cơ duyên với nghề y là một phần, trở thành bác sĩ chuyên khoa tâm thần lại là một lựa chọn dấn thân của chàng sinh viên. Những ngày tháng thực tập tại Khoa Tâm thần, bên cạnh khó khăn chung của đất nước, cơ sở vật chất, thuốc men, tài liệu thiếu thốn còn là những định kiến trong quan niệm xã hội về bệnh tâm thần... Chỉ có sự thương cảm đối với người bệnh tâm thần mới có thể níu chân người thầy thuốc ở lại. “Khi đó, ở khoa, tôi đã gặp nhiều thương binh, bệnh binh đi ra từ chiến trường. Cuộc chiến khốc liệt, gian khổ, bệnh tật, chất độc hóa học... đã khiến họ bị tiêu hao nhiều sức lực, để lại một phần xương máu. Đi theo họ về với cuộc sống đời thường là những “vết thương” không thể nhìn thấy... Tôi nhớ mãi những bài giảng đầu đời mà thầy tôi-PGS Lê Hải Chi-đã dạy là phải tôn trọng người bệnh, coi họ như người thân. Cứ thế, không biết tự lúc nào, tôi thấy thương và yêu những bệnh nhân của mình nhiều hơn. Khoa Tâm thần đối với tôi đã trở thành ngôi nhà thứ hai gần gũi và bình yên vô cùng”, bác sĩ Đức không khỏi bồi hồi khi nhớ lại.

Nguyện hết lòng vì nghề

Thập niên 1980, lương của bác sĩ mới ra trường vô cùng thấp, khoa lại thiếu bác sĩ nên phải thường xuyên trực đêm. Công việc bận rộn, kinh tế eo hẹp nên về quê ăn Tết là điều xa xỉ. Nhưng khát khao cháy bỏng của người bác sĩ trẻ khi đó là chỉ cần được làm nghề và trau dồi, tích lũy kỹ năng nghề nghiệp. Ông bảo lúc đó sẵn sàng xin được khám bệnh miễn phí để tìm cách chữa trị cho bệnh nhân, trong khi gia đình người bệnh đều che giấu, ngại mang tiếng nhà có “người điên”. Đến giờ, qua mấy chục năm, vẫn có bệnh nhân nhớ về ông với dáng người gầy gò, cứ hết giờ làm việc lại đạp xe đến tận nhà chữa bệnh cho họ. Đối với GS Đức, quãng thời gian đó tuy gian khổ nhưng là động lực để ông lăn lộn với nghề.

Chưa kể đến những hiểm nguy mà bác sĩ ngành tâm thần có thể gặp phải bởi bệnh nhân đang tạm thời mất kiểm soát về ý thức và hành vi, rất dễ trở nên kích động, suốt những năm làm nghề, bác sĩ Đức không thể đếm được bao nhiêu lần bị bệnh nhân chửi bới, thóa mạ, thậm chí hành hung trong vô thức. Bằng lòng yêu nghề và thấu hiểu bệnh nhân, ông coi đó là những trải nghiệm nghề nghiệp đáng quý để có thêm kinh nghiệm ứng phó, điều trị bệnh tốt hơn. GS Cao Tiến Đức trải lòng: “Điều trị cho bệnh nhân tâm thần thành công thì phải khám bệnh mà như không khám, rồi có lúc phải giả ngây giả ngô, hâm hâm, dở dở... để trò chuyện cùng họ. Có nhiều bệnh nhân của tôi còn nghĩ tôi ngơ ngơ cơ đấy! Có cậu bé học lớp 11 bị tâm thần phân liệt. Khi tôi khám xong, cậu nói với mẹ: “Họ hàng nhà mình có nhiều người là bác sĩ giỏi, mà mẹ lại đưa con đến một bác sĩ ngớ ngẩn. Bác sĩ khám gì mà toàn hỏi chuyện vớ vẩn”. Nhưng cậu bé này sau điều trị rất hiệu quả, hồi phục và học đại học”.

Sự khởi sắc của mỗi bệnh nhân là niềm vui chung cho cả bác sĩ và những người thân của ông. “Tôi may mắn vì có một người vợ tào khang, bên nhau từ những ngày gian khó nhất, chia sẻ với công việc đặc biệt của tôi và là hậu phương vững chắc để tôi vững tâm bền chí đi với nghề”, GS Cao Tiến Đức tâm sự.

Giáo sư Cao Tiến Đức (bên phải) ân cần thăm hỏi người bệnh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Giáo sư Cao Tiến Đức (bên phải) ân cần thăm hỏi người bệnh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Dù đã điều trị và phục hồi cho hàng trăm nghìn bệnh nhân khắp mọi miền đất nước và cả các kiều bào ở nước ngoài, ông vẫn cho rằng thành quả của mình là chưa đủ. Đối với xã hội, khi mà các giá trị bị đảo lộn, mới-cũ đan xen, quá nhiều tệ nạn mới hình thành (lạm dụng chất kích thích, nghiện game, mạng xã hội...) và cả các chứng bệnh thời đại (stress, hậu Covid-19, trầm cảm sau sinh, rối loạn lo âu...), tâm thần vẫn là một lĩnh vực dị biệt và khó xác định. Có vị bác sĩ trưởng khoa ngoại một bệnh viện ở Hà Nội bị đau tức vùng ngực, ăn ngủ kém, đi thăm khám khoa tim mạch không khỏi, dần dần bị suy kiệt, không thể tin được mình bị trầm cảm và phục hồi rất tốt sau khi được GS Đức điều trị. “Người ta đau tay, đau chân, đau bụng, đau ngực thì rất dễ nói, nhưng nói bị tâm thần là việc rất khó. Nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cho chính bản thân, gia đình và xã hội”, GS Đức nhấn mạnh.

Nghề cũng đã cho ông những “quả ngọt”, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của ông cho ngành tâm thần học. Năm 2005, Nhà nước phong tặng bác sĩ Cao Tiến Đức danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú và cuối năm 2017, ông được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư. Ông là Giáo sư thứ hai và hiện là Giáo sư duy nhất của ngành tâm thần học. Trong suốt mấy chục năm công tác, điện thoại của ông chưa khi nào tắt bởi lo lắng người bệnh không thể tìm đến mình lúc cần kíp. Rồi cả những bữa cơm ăn vội để bệnh nhân không phải chờ đợi. Ông nói vui: “Cũng may Quân đội “dạy” cho tôi cách ăn nhanh và ngủ sâu nên vẫn có sức để theo nghề”.

Từ tháng 4-2022, sau khi được Quân đội cho nghỉ hưu, GS Cao Tiến Đức vẫn tiếp tục làm việc không nghỉ với vị trí là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Ở cương vị mới, GS Cao Tiến Đức tiếp tục cống hiến, hết lòng chữa trị cho bệnh nhân, không ngừng học hỏi nâng cao chuyên môn, minh chứng lửa nghề vẫn bền bỉ cháy bên trong người chiến sĩ-bác sĩ-thầy giáo đáng kính.

BẢO LAM

Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/giao-su-duc-tren-hanh-trinh-van-dam-766669