Giáo sư Hà Văn Tấn và những trăn trở còn lại

Sự ra đi của giáo sư Hà Văn Tấn là mất mát vô cùng to lớn của nền sử học Việt Nam

Sử học Việt Nam có tứ trụ: "Lâm, Lê, Tấn, Vượng", gồm các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng - 4 gương mặt tiêu biểu tạo nên diện mạo của sử học Việt Nam đương đại.

Đòi hỏi trung thực, khách quan

Trong tứ trụ trên, người trẻ nhất là GS Hà Văn Tấn và là người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ sớm nhất. Giải thưởng được trao cho thầy vì đóng góp rất đặc biệt: Nghiên cứu về các nền văn hóa cổ và trên cơ sở đó phân lập được các giai đoạn phát triển của thời đồ đồng từ sơ kỳ đến hậu kỳ. Đó chính là con đường đi tới văn minh Việt cổ, đi tới sự hình thành nhà nước. Đây là phát hiện có tính chất nền tảng cho nhận thức lịch sử Việt Nam thời cổ đại.

Điều mà mọi người hay nhắc đến thầy Hà Văn Tấn là một học giả rất uyên bác trong giới sử học khó ai có thể sánh được, tôi có cảm giác rằng mọi thứ đều có thể đến hỏi thầy, từ câu chuyện ở xứ sở Ba Tư đến Địa Trung Hải.

Khác biệt với các nhà sử học khác, thầy Hà Văn Tấn có một khối kiến thức vô cùng đồ sộ, tri thức uyên bác, khả năng sử dụng ngoại ngữ phong phú, kể cả tiếng Phạn. Thầy Tấn hay nhắc nhở học trò của mình, trong đó có tôi, rằng người làm sử thực chất là viết lại sự thật lịch sử nên đòi hỏi phải trung thực, khách quan với đối tượng mình nghiên cứu ở mức độ cao nhất.

Lịch sử là cái đã xảy ra không sửa được nhưng chúng ta không biết được một cách đầy đủ, chúng ta đọc chủ yếu là dữ liệu các nhà sử học tái tạo lại. Về vấn đề này, thầy là một người rất mẫu mực, luôn xử lý tư liệu nghiêm cẩn và việc đó tạo ra niềm tin với tất cả mọi người. Thầy có tư duy khoa học thực chứng tạo cho người nghe cảm giác những môn thầy đang dạy không còn là khoa học xã hội nữa mà có thể chứng minh đúng - sai rõ ràng. Đó là tính khúc chiết mạch lạc của nhà khoa học.

GS Hà Văn Tấn (hàng trước bìa phải) và các cán bộ giảng dạy Tổ Lịch sử Việt Nam hiện đại - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1960)Ảnh: Tư liệu KMS

GS Hà Văn Tấn (hàng trước bìa phải) và các cán bộ giảng dạy Tổ Lịch sử Việt Nam hiện đại - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1960)Ảnh: Tư liệu KMS

Nghiên cứu còn dang dở

Thầy Hà Văn Tấn xuất thân từ gia đình khá có điều kiện, phong thái vừa có cái cao sang, quý tộc trong giới nghiên cứu vừa có cái dân dã, bình dị với mọi người, nhất là sinh viên. Chúng tôi luôn tự hào về "tứ trụ" nhưng đến giờ, người cuối cùng cũng ra đi, giới sử học, trong đó có tôi, cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Tôi tin học trò của các thầy sẽ cố gắng hơn, tiếp tục sự nghiệp của các thầy.

Những học trò thành tài của thầy khó có thể kể hết. Lúc thầy còn khỏe đã hướng dẫn khoảng 20 tiến sĩ và phần lớn trong số đó đều đang giữ những cương vị khác nhau tại những cơ quan quản lý khoa học. Có thể nói những người mà thầy đào tạo đều trở thành những nhân tài nòng cốt khác nhau trong giới sử học.

Tôi được biết trước khi bị tai biến, thầy còn đang đau đáu nghiên cứu về thời sơ sử. Hiện nay, kiến thức sử học về thời Hùng Vương của chúng ta còn khá hạn chế. Nhiều người thắc mắc có chữ viết, kinh đô hay không? Nếu có thì xây dựng ở đâu? Tất cả những thắc mắc đó đến thời An Dương Vương thì tương đối rõ là kinh đô ở thành Cổ Loa nhưng trước đó, chúng ta hay nhắc đến kinh đô ở Phong Châu, tuy nhiên hiện chưa tìm thấy dấu vết.

Thầy còn là người có ý tưởng về việc nghiên cứu nhà nước thời cổ đại không phải chỉ nghiên cứu nhà nước Hùng Vương mà nghiên cứu tất cả các nhà nước cổ đại trên đất nước Việt Nam từ miền Trung và Nam Bộ. Cùng với đó là nghiên cứu lịch sử Việt Nam phải gắn với lịch sử thế giới và ngược lại. Bởi lẽ, có một thời gian dài chúng ta dạy lịch sử thế giới hoàn toàn tách biệt với lịch sử Việt Nam.

Phong cách các nhà sử học

GS Hà Văn Tấn, người cuối cùng trong nhóm tứ trụ của nền sử học Việt Nam hiện đại, qua đời vào ngày 27-11 tại TP Hà Nội, thọ 82 tuổi.

Trong tứ trụ, thầy Đinh Xuân Lâm lớn tuổi nhất. Thầy là người rất đạo mạo, nói năng khúc triết, ôn tồn, nhẹ nhàng và đam mê điều gì thì tập trung cao độ. GS Đinh Xuân Lâm thể hiện ra ngoài rất rõ là một nhà khoa học.

Thầy Trần Quốc Vượng nổi tiếng dân dã, có thể tiếp xúc với các học giả bậc cao từ nước ngoài đến rất thân thiện nhưng cũng có thể ngồi uống bia hơi với anh em văn nghệ sĩ hay đi điền dã với học trò. Đặc sắc của thầy Vượng là luôn có ý tưởng mới, gợi ý cho các học trò đi theo.

Thầy Phan Huy Lê có phong cách nghiên cứu rất bài bản, tiếp nhận rất nhanh các xu hướng phát triển khoa học trên thế giới, nên đã sáng lập ra lĩnh vực khoa học mới là Việt Nam học.

GS Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-su-ha-van-tan-va-nhung-tran-tro-con-lai-20191128214658943.htm