Giáo sư Hoàng Tụy: Lát cắt giữa phù vân

LTS. Giáo sư Hoàng Tụy vừa qua đời ngày 14.7 tại Hà Nội. Ông không chỉ nổi tiếng với thuật toán lát cắt mang tên mình mà còn được biết đến bởi tâm thế sừng sững của một trí thức đúng nghĩa và cho đến cuối đời vẫn canh cánh mối lo vận mệnh đất nước. Như những lời cuối cùng ông để lại, 'tất cả chỉ là phù vân', nhưng trong lòng đồng nghiệp, thân hữu và học trò, giáo sư Hoàng Tụy đã sống như một lát cắt khí phách giữa phù vân cuộc đời...

Khí phách người con xứ Quảng

Nếu bàn về vấn đề chất lượng cuộc sống được cải thiện thông qua chất lượng thể chế và nền tảng các nguồn lực của xã hội được giải phóng, chắc nhiều người đều nghĩ đến các “đầu tàu” mạnh, những con người có tâm và tài, nhưng quan trọng hơn, những cải cách có tính vĩ mô về nền tảng pháp luật ở thượng tầng kiến trúc và môi trường an sinh xã hội, các hạ tầng cơ sở, nhằm tạo điều kiện cho các “đầu tàu”, các “nhân tài như lá mùa thu” xuất hiện và có đất sống. Nếu không, họ chỉ như “một con én không thể làm nên mùa xuân”!

GS. Hoàng Tụy trong buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 90 của ông tại Viện Toán học, ngày 14.12.2017. Ảnh: Tạp chí Tia Sáng

GS. Hoàng Tụy trong buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 90 của ông tại Viện Toán học, ngày 14.12.2017. Ảnh: Tạp chí Tia Sáng

Ông Võ Văn Kiệt một người có công trong việc “đổi mới” và “mở cửa” đưa đất nước bắt đầu công cuộc thay đổi và phát triển kinh tế, rất quý trọng GS. Hoàng Tụy vì ông hiểu rõ tâm và tầm của nhà khoa học lớn và đặc biệt cốt cách khí phách của người con xứ Quảng. Ông Kiệt cũng thường nói: “Cần phải bền bỉ hơn, sâu sắc hơn” nghe thật hay, thật nhẫn nại, thể hiện đúng thời thế phải thế, nhưng cũng phản ánh một tâm trạng đôi khi, có thể, rất cô đơn, phải làm việc và ra quyết định trong một bối cảnh không dễ dàng, những công việc có tầm ảnh hưởng lớn đến vận mệnh của nhân dân, đất nước.

Ngày nay, các quốc gia, công ty, các cá nhân được huấn luyện và đào tạo để thích nghi với những môi trường làm việc luôn biến động, thay đổi. Khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, quân sự, xung đột nhóm lợi ích xã hội, biến đổi môi trường khí hậu, chủ nghĩa dân tộc, chính sách bảo hộ... luôn là thử thách.

“Con người thường ru ngủ bản thân trong những hoàn cảnh quen thuộc; hầu hết các thay đổi đột phá về tư duy đều bắt nguồn từ những tình huống sinh tử, không còn đường lùi”

GS. Hoàng Tụy

Thực tế, cách làm việc “one man show” đã lạc hậu và được thay bằng “team work”. Họ luôn nhấn mạnh khả năng làm việc theo nhóm, khả năng phối hợp đồng đội để giành thắng lợi sau cùng cho mỗi dự án hay như một trận đấu bóng đá, khả năng tuân thủ chiến thuật của huấn luyện viên kết hợp với kỹ năng riêng của các cá nhân cầu thủ sẽ phát huy tối đa sức mạnh của đội bóng.

Nếu không có phương pháp, tổ chức tốt, chúng ta rất dễ sa vào tình trạng “sùng bái cá nhân”, tôn suy “thần thánh hóa lãnh tụ” không khác gì cách làm việc “one man show” trong thời kỳ kinh tế chỉ huy, thời chiến, qui mô nhỏ, cách làm mang tính gia đình, tiểu nông... đã không phù hợp nữa với thời đại ngày nay. Có như vậy, các cá nhân vì hoàn cảnh phải làm việc như một “one man show” sẽ không phải cô đơn, lặng lẽ, làm việc một mình, trình diễn một mình, khóc cho nhân tình thế thái một mình nữa.

Tổng đốc thành Hà Nội, Hoàng Diệu, là anh ruột ông nội GS. Hoàng Tụy. Giọt máu của người tuẫn tiết (Hoàng Diệu) vì không giữ được Hà thành đã lưu truyền cho đến thế hệ hôm nay những hậu duệ như GS. Hoàng Tụy đầy tiết tháo, trí tuệ và trách nhiệm chói chang giữa đất trời...

Xin thắp nén hương lòng, cầu mong hương hồn GS. Hoàng Tụy sớm được siêu thoát về cõi vĩnh hằng, được “sum vầy” ở trên cao với những người bạn lớn như ông Võ Văn Kiệt, nhà thơ Việt Phương là những người có nhiều hy sinh mất mát và đóng góp lớn cho thống nhất đất nước và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn hậu chiến 1975.

Tô Văn Trường

Tiến sĩ toán Huỳnh Bá Lân, Chủ tịch Công ty Kiến Á:

Người truyền lửa

“Tôi biết đến Giáo sư Hoàng Tụy qua rất nhiều cuốn sách của ông và ông là một trong những người tôi vô cùng nể phục về tài năng, đức độ, sự mẫu mực.

Với tôi, Giáo sư Hoàng Tụy không chỉ là một nhân vật tài giỏi xuất chúng, nổi tiếng thế giới với hàng trăm công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: quy hoạch toán học, tối ưu toàn cục, lý thuyết điểm bất động, định lý minimax, lý thuyết các bài toán cực trị, quy hoạch lõm... mà ông còn là người yêu nước, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, có nhiều ý tưởng ở tầm chiến lược trên quan điểm hệ thống về sáng tạo toán học, về chấn hưng khoa giáo...

GS. Hoàng Tụy trong một buổi giảng bài. Ảnh: Viện Toán học.

GS. Hoàng Tụy trong một buổi giảng bài. Ảnh: Viện Toán học.

Không những thế, trong suốt cuộc đời của mình, ông lúc nào cũng làm việc hăng say hết mình, không ngừng sáng tạo và đã trở thành nguồn cảm hứng, người truyền lửa cho thế hệ của chúng tôi cùng tiếp bước.

Ông ra đi là một sự mất mát lớn cho tất cả chúng ta, cho nền khoa học - giáo dục Việt Nam. Nhưng tôi tin rằng, 170 công trình khoa học đã được công bố trên các tạp chí toán học nổi tiếng thế giới mà Giáo sư Hoàng Tụy để lại, sẽ là tài sản vô giá, là nền tảng tốt nhất góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”.

TS. Nguyễn Xuân Xanh:

Cuộc đời ông là bản di chúc cho thế hệ trẻ

... Giáo sư Hoàng Tụy đã vĩnh viễn ra đi khỏi thế giới chúng ta. Nhưng cây đại thụ sẽ chắc chắn vẫn còn tỏa bóng mát cho hậu thế. Tiếng nói kiên quyết, chính trực, đầy trách nhiệm và khai sáng của ông sẽ vẫn còn đọng mãi trong tâm tư người Việt Nam...

Chúng ta tin tưởng dòng máu khẳng khái của Hoàng Diệu nóng bỏng trong huyết quản ông sẽ lan tỏa trong các thế hệ tiếp nối đấu tranh cho cuộc chấn hưng giáo dục đại học và khoa học.

Cuộc hành trình gian khổ và những thành tựu xuất sắc của ông giống như một sử thi trong một thời đại vô cùng khó khăn xứng đáng để đưa lên thành phim cho công chúng. Ông đã vượt được những con sóng dữ để thể hiện bản lĩnh của ông, và của “bản lĩnh Việt”, đáng để các thế hệ sau noi theo...

Cuộc đời của ông là một bản di chúc truyền cảm hứng và đánh thức những sức mạnh tiềm tàng trong các thế hệ trẻ hôm nay. Không thể để khó khăn chiến thắng, mà chúng ta phải chiến thắng những khó khăn. Đó là ý nghĩa của di chúc...

Di sản to lớn của ông không chỉ về những khám phá toán học, mà còn về sự dấn thân không mệt mỏi, sự dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học, tính khẳng khái, tri thức sâu sắc của ông về những điều ông muốn tranh đấu.

Quả thật không phải đất nước thiếu những người con ưu tú, mà thiếu những người con biết lắng nghe tiếng nói lẽ phải, của lý tính, tiếng kêu của hồn sông núi Việt Nam, thiếu những người con biết đặt quyền lợi Tổ quốc lên cao hơn hết, trên những quyền lợi cục bộ riêng tư, và biết sử dụng, lắng nghe hiền tài...

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/giao-su-hoang-tuy-lat-cat-giua-phu-van-19717.html