Giáo sư Mỹ: 'Đừng để tiền mã hóa rơi vào tay Trung Quốc'

Nhà nghiên cứu lịch sử Niall Ferguson cho rằng các nhà lập pháp Mỹ cần nghiên cứu tiềm năng của thị trường tiền mã hóa, nắm bắt cơ hội nếu không muốn theo sau Trung Quốc.

Bài chia sẻ với Bloomberg của Niall Ferguson, Giáo sư lịch sử tại Đại học Harvard, nhà sáng lập kiêm CEO hãng tư vấn kinh tế Greenmantle tại New York (Mỹ) đã cảnh báo việc để Trung Quốc dẫn đầu lĩnh vực tiền điện tử.

Bài chia sẻ với Bloomberg của Niall Ferguson, Giáo sư lịch sử tại Đại học Harvard, nhà sáng lập kiêm CEO hãng tư vấn kinh tế Greenmantle tại New York (Mỹ) đã cảnh báo việc để Trung Quốc dẫn đầu lĩnh vực tiền điện tử.

Nếu chơi game Fortnite, bạn sẽ biết đến V-Bucks, loại tiền ảo trong game để mua vật phẩm, trang phục cho nhân vật. Rất nhiều game cũng sử dụng tiền ảo với tên gọi riêng, có thể mua bằng cách nạp tiền thật. Đó là một trong nhiều loại tiền hiện đại trên Internet.

Những tác phẩm khoa học viễn tưởng thường dự đoán khá đúng về nền công nghệ tương lai, nhưng tiền tệ thì không hoàn toàn chính xác. Trong cuốn sách Neuromancer (1984) của William Gibson, tiền giấy vẫn tồn tại nhưng chỉ dùng cho các giao dịch bất hợp pháp. Tác phẩm Snow Crash (1992) của Neal Stephenson mô tả siêu lạm phát tàn phá đồng USD đến mức “người đi đường đẩy xe chất hóa đơn hàng triệu, hàng tỷ USD được cào từ miệng cống”.

Tầm nhìn về tiền tệ dường như cũng diễn ra trong các cơ quan hoạch định chính sách tại Mỹ, đặt ra thách thức lớn trước Trung Quốc. Không chỉ đánh giá thấp mối đe dọa từ lĩnh vực thanh toán trực tuyến và tiền mã hóa, họ cũng chẳng bận tâm đến kế hoạch tạo ra đồng nhân dân tệ điện tử của đất nước tỷ dân.

 Chỉ cách đây một năm, giá Bitcoin vẫn loanh quanh mức 4.000 USD thì bây giờ, nó đã vượt qua 50.000 USD. Ảnh: Key Coin Assets.

Chỉ cách đây một năm, giá Bitcoin vẫn loanh quanh mức 4.000 USD thì bây giờ, nó đã vượt qua 50.000 USD. Ảnh: Key Coin Assets.

Sự bùng nổ của các loại hình tài chính mới

Bắt đầu với Bitcoin, loại tiền không ai nghĩ rằng sẽ vượt ngưỡng 50.000 USD/đồng như hiện nay. Năm 2008, nhân vật bí ẩn tên Satoshi Nakamoto đã tung ra Bitcoin, một "phiên bản ngang hàng của tiền điện tử (electronic cash), cho phép giao dịch trực tiếp các khoản thanh toán trên Internet từ một bên sang bên khác mà không thông qua tổ chức tài chính".

Để khai thác Bitcoin, người ta sẽ dùng máy “đào”, giải quyết vấn đề tính toán cho phép liên kết các khối giao dịch (blockchain). Bài toán được giải đồng nghĩa một lượng Bitcoin mới sẽ được trao, còn gọi là phần thưởng khối. Cứ 4 năm một lần, giá trị phần thưởng khối sẽ giảm đi một nửa (Bitcoin halving) để hạn chế lạm phát, cho đến khi 21 triệu Bitcoin được khai thác hết.

Chỉ cách đây một năm, giá Bitcoin vẫn loanh quanh mức 4.000 USD thì bây giờ, nó đã vượt qua 50.000 USD, có thời điểm vươn lên hơn 60.000 USD.

Việc Bitcoin được quan tâm đến từ bản chất "độc lập" (không bị kiểm soát, không ai sở hữu hay khai thác quá nhiều), sự khan hiếm (chỉ có 21 triệu BTC tồn tại) và hệ thống giám sát thông minh, ổn định. Một số công ty công nghệ như Square, PayPal và Tesla đã đầu tư Bitcoin. Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp đang xem Bitcoin là một phần hợp pháp của hệ thống tài chính như Visa, Mastercard. Sự chấp nhận, tích hợp Bitcoin vào hệ thống thanh toán truyền thống đã đẩy giá loại tiền này tăng cao.

Trong khi Bitcoin ngày càng được chú ý, các nhà đầu tư trẻ còn tham gia thị trường tài chính phi tập trung (DeFi), cho phép vay tiền hoặc sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống dựa trên blockchain. Giống như Bitcoin, DeFi không có hệ thống xác minh tập trung hay bị bên thứ 3 kiểm soát. Fabian Schaer từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis (Mỹ) cho biết đây là hệ thống đa dạng với nhiều loại tiền, token, thị trường và giao thức quản lý tài sản.

"DeFi có thể khiến mô hình tài chính thay đổi, góp phần tạo nên cơ sở hạ tầng tài chính mạnh mẽ, cởi mở và minh bạch hơn", Schaer cho biết.

 Sự phổ biến của tiền mã hóa dẫn đến trào lưu giao dịch vật phẩm NFT (token không thể thay thế). Ảnh: BBC.

Sự phổ biến của tiền mã hóa dẫn đến trào lưu giao dịch vật phẩm NFT (token không thể thay thế). Ảnh: BBC.

Theo Pier Kicks, với sự phát triển của Bitcoin và DeFi, chúng ta đang đạt đến "Metaverse" - một "hệ thống tài chính tự chủ, nền kinh tế mở sáng tạo với những người sở hữu tài sản kỹ thuật số thông qua NFT (token không thể thay thế)". Thời gian gần đây, NFT được chú ý nhiều hơn khi bức ảnh có tên Everydays: the First 5.000 Days, được bán với giá 69,3 triệu USD.

Tất nhiên, không phải ai cũng ủng hộ Bitcoin, DeFi hay NFT. Các nhà kinh tế học như Nouriel Roubini liên tục dự đoán rằng Bitcoin sẽ sụp đổ. Chuyên gia Ray Dalio nhận định chính phủ có khả năng cấm loại tiền này, khiến nó trở nên rất nguy hiểm để sử dụng. Môi trường cũng là điều được nhắc đến, bởi khai thác và giao dịch Bitcoin đòi hỏi tiêu thụ điện.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính sách của ông có thể khiến tiền tệ truyền thống và các mô hình tài chính mới cạnh tranh lẫn nhau. Chính phủ Mỹ đang đề xuất gói đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 2.000 tỷ USD, bên cạnh chính sách xem Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh lớn nhất".

Những quyết định trên dựa vào việc đồng USD, trái phiếu Mỹ đang là một trong những tài sản an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên, chúng đang bị đe dọa bởi hệ thống tài chính mới, về cơ bản không bị kiểm soát bởi Cục Dự trữ Liên bang (FED) hay Kho bạc Nhà nước Mỹ.

Đó là một trong những lý do khiến Ray Dalio dự đoán chính phủ Mỹ sẽ cấm Bitcoin và các loại tiền mã hóa. Phần lớn chính trị gia Mỹ vẫn cho rằng Bitcoin không an toàn. Năm 2020, báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp William Barr từng ghi rằng "Tiền mã hóa tạo điều kiện cho kẻ xấu và các quốc gia trục lợi". Những người ủng hộ Bitcoin trong chính trường, chẳng hạn như Thị trưởng Miami, Francis Suarez, vẫn chiếm thiểu số.

Tại nước ngoài, không ít quốc gia đã ban lệnh hạn chế, thậm chí cấm hoàn toàn giao dịch tiền mã hóa. "Chúng tôi phải đảm bảo độc quyền tiền tệ nằm trong tay quốc gia", Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tuyên bố trong một hội nghị G7 vào tháng 12/2020. Trước đó vào năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã hạn chế khả năng mua Bitcoin của người dân, mặc cho hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra rầm rộ.

 Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu về blockchain và tiền mã hóa. Ảnh: Tech Spot.

Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu về blockchain và tiền mã hóa. Ảnh: Tech Spot.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Tiền được cho là phương tiện trao đổi thuận lợi, với 3 chức năng chính gồm loại bỏ sự kém hiệu quả của hình thức hàng đổi hàng, thuận lợi cho việc định giá/tính toán và khả năng lưu trữ cho các giao dịch kinh tế.

Dù Bitcoin vẫn bị xem là tài sản đầu cơ nhưng trên thực tế, nó đã đảm nhiệm 2 trong 3 chức năng cơ bản của tiền, gồm tính thuận lợi trong định giá và khả năng lưu trữ.

Manny Rincon-Cruz, sử gia trong lĩnh vực tài chính của Viện Hoover, cho rằng hầu hết hình thức tiền tệ chỉ cần đảm nhiệm tốt 2 trong 3 chức năng cơ bản của tiền, rất khó hoặc không thể làm được cả 3. Bitcoin không phải phương tiện trao đổi lý tưởng bởi nguồn cung hạn chế, nhưng đó không phải trở ngại lớn. Suy xét theo nhiều góc độ, đó thậm chí là lợi thế của Bitcoin.

Nói cách khác, Bitcoin, Ethereum và các loại tiền mã hóa được xem là "tiền không phụ thuộc quốc gia" (stateless money). Việc đảm nhiệm tốt 2 trong 3 chức năng cơ bản của tiền khiến việc cấm chúng mang đến tác dụng rất ít, trừ khi mọi chính phủ trên thế giới đồng loạt cấm.

Do đó, câu hỏi là chính phủ Mỹ có thể ra đời tiền mã hóa như Bitcoin hay không. Đó là lĩnh vực đang được Trung Quốc nghiên cứu khai thác. Từ lâu, đất nước tỷ dân đã đi đầu thế giới về thanh toán điện tử. Năm 2020, khoảng 58% người dân Trung Quốc sử dụng thanh toán di động. Tiền giấy, thẻ tín dụng tại Trung Quốc dần chuyển sang smartphone và mã QR.

Dù vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn dè chừng trước quy mô của các nền tảng thanh toán trực tuyến. Năm ngoái, nước này đã hạn chế hoạt động của Ant Group, chủ sở hữu ứng dụng thanh toán Alipay. Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thúc đẩy kế hoạch tạo ra đồng nhân dân tệ điện tử của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Khi đại dịch bùng phát, đó là cơ hội để PBOC thử nghiệm đồng nhân dân tệ điện tử ở 3 thành phố lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên trái với tính phi tập trung của blockchain, đồng nhân dân tệ điện tử vẫn là hệ thống tập trung với 2 cấp. Điều đó đồng nghĩa PBOC sẽ phân phối tiền này cho ngân hàng, các ngân hàng chịu trách nhiệm đưa chúng đến người dùng.

Những nền tảng thanh toán trực tuyến cũng có thể tham gia hệ thống, làm trung gian cho các giao dịch. Người dân có thể "rút" nhân dân tệ điện tử từ ATM vào smartphone. Hệ thống này thậm chí hoạt động khi không có kết nối Internet, thông qua "công nghệ ngoại tuyến kép" (dual offline technology).

 Dự án đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc có thể đe dọa USD trong các giao dịch quốc tế. Ảnh: Coindesk.

Dự án đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc có thể đe dọa USD trong các giao dịch quốc tế. Ảnh: Coindesk.

Hệ thống nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc không chỉ bảo vệ đất nước trước đe dọa từ tiền mã hóa, nó còn đảm bảo tất cả giao dịch của người dân được kiểm soát. Hệ thống này sẽ thách thức sự thống trị của USD trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới.

Trong khi Trung Quốc đang nghiên cứu loại tiền điện tử quốc gia, Mỹ vẫn chưa có động tĩnh gì. Jay Powell, Chủ tịch FED cho biết một số quan chức đang làm việc với Viện Công nghệ Massachusetts để nghiên cứu tính khả thi của đồng USD điện tử, nhưng khẳng định "không cần phải vội vàng".

Trong số hơn 60 ngân hàng trung ương được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế khảo sát vào năm ngoái, có 60% bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống tiền điện tử quốc gia, bao gồm Campuchia hay Bahamas. Ngay cả Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng không phủ nhận quan điểm, dù người đứng đầu Bundesbank Jens Weidmann lo rằng đồng euro điện tử có thể khiến các ngân hàng yếu kém sụp đổ, trừ khi áp dụng mô hình phân cấp như Trung Quốc.

Rõ ràng Trung Quốc đang xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế thay cho đồng USD, nhưng Mỹ có vẻ "không vội vàng" trước tín hiệu này. Cũng không ai nghĩ đến việc tích hợp Bitcoin vào hệ thống tài chính của Mỹ mà chỉ nghi ngờ về nó.

Những loại tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới Video cho thấy các loại tiền kỹ thuật số phổ biến nhất từ năm 2010-2021. Bitcoin được ra mắt vào năm 2008 nhưng không được chú ý nhiều, cho đến khi các loại tiền tệ khác xuất hiện.

Phúc Thịnh

Theo Bloomberg

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giao-su-my-dung-de-tien-ma-hoa-roi-vao-tay-trung-quoc-post1202132.html