Giáo sư Phan Huy Lê: Biểu tượng của giới Sử học Việt Nam thời hiện đại
GS Phan Huy Lê là một nhân cách lớn và một sự nghiệp lớn, đã trở thành biểu tượng của giới Sử học Việt Nam thời hiện đại. Ông là tấm gương sáng và niềm kiêu hãnh cho đồng nghiệp và các thế hệ học trò không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, ngày 23/2 vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn phối hợp cùng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức trưng bày hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của ông. GS Phan Huy Lê là một nhân cách lớn và một sự nghiệp lớn, đã trở thành biểu tượng của giới Sử học Việt Nam thời hiện đại. Ông là tấm gương sáng và niềm kiêu hãnh cho đồng nghiệp và các thế hệ học trò không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế.
Trưng bày “Giáo sư sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê” giới thiệu 126 bức ảnh, với 5 nội dung chính: Phần một: Chân dung Giáo sư Phan Huy Lê gồm 11 bức ảnh đặc tả chân dung một nhân cách sử học qua từng giai đoạn khác nhau từ khi còn là một sinh viên đại học với nhiều hoài bão cho đến khi trở thành một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại.
Phần hai mang tên “Hoạt động đào tạo” gồm 8 bức ảnh, như những lát cắt thời gian cùng với nhiều thế hệ học trò khác nhau đã được GS Phan Huy Lê đào tạo, hướng dẫn.
Phần ba: hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế gồm 56 bức ảnh phần nào mô tả quá trình “tiến dần tới chân lý lịch sử” của một nhà sử học nghiêm cẩn; đồng thời phản ánh trường hợp tác rộng lớn từ trong nước tới cộng đồng học thuật quốc tế của một sử gia có ảnh hưởng xã hội với khát vọng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Những bức ảnh cũng lưu dấu chân điền dã của nhà sử học thực chứng Phan Huy Lê ở khắp miền đất nước.
Phần bốn: GS. NGND Phan Huy Lê với thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp với 43 bức ảnh kể lại những câu chuyện xúc động, thân thương giữa ông và học giới, trong đó có sự hiện diện của các bậc “danh sư” Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu… và “Tứ trụ sử hoc” huyền thoại Lâm-Lê-Tấn-Vượng.
Phần năm: GS. NGND Phan Huy Lê với gia đình gồm 8 bức ảnh thể hiện đời sống giản dị, hạnh phúc của GS Phan Huy Lê và người bạn đời là nhà giáo Hoàng Như Lan và các con cháu, chắt.
Cùng với hình ảnh tư liệu, Ban tổ chức cũng trưng bày những công trình tiêu biểu của GS.NGND Phan Huy Lê trong hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, cống hiến về lịch sử, văn hóa dân tộc. Từ những tác phẩm đầu tay như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ”, “Về quá trình dân tộc của lịch sử Việt Nam” và “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”… cho đến tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ “Tìm về cội nguồn”, hay công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ “Lịch sử và văn hóa Việt Nam: tiếp cận bộ phận”…
PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Trưng bày các bức ảnh dường như là cú chạm nhẹ vào mỗi người, có cơ hội ngược dòng thời gian để trở lại thời điểm khác nhau của mỗi người, chiêm ngưỡng và tưởng nhớ các bậc “sư biểu” đã gây dựng và củng cố học phái “Sử học tổng hợp”.
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản cuốn “Phan Huy Lê di cảo: nhận thức lịch sử Việt Nam” tập hợp 27 bài viết của GS sử học Phan Huy Lê từ tháng 9 năm 1982 đến tháng 4 năm 2018, chia làm hai phần: Tư liệu và tổng quan, Nhân vật và sự kiện. Trong đó đáng lưu ý là những nghiên cứu, nhận xét mang tính tổng quan và định hướng về lịch sử Việt Nam nói chung; về vùng đất Nam Bộ, về Hội An và Hoàng Thành Thăng Long nói riêng. Bên cạnh đó là những bài viết về các nhân vật lịch sử với những đánh giá mẫu mực, công bằng và công minh về Trần Hưng Đạo, Phan Thanh Giản và Cao Xuân Dục. Thông qua cuốn sách, người đọc không chỉ được hiểu thêm các hoạt động mang tính học thuật mà còn cho thấy vai trò của GS Phan Huy Lê khi đưa Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tham gia vào các công việc tư vấn chính sách, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng cho nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề liên quan đến lịch sử.
GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Giáo sư Phan Huy Lê không chỉ được tôn vinh là một nhà tổng kết lịch sử kỳ tài và hiếm có trong lịch sử hàng trăm năm của nền Sử học nước nhà, mà còn là người định hướng, dẫn dắt tạo ra không khí học thuật sôi nổi, lành mạnh, đích thực, nâng tầm đóng góp và vị thế của Sử học Việt Nam trước yêu cầu đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng”. Do vậy, cuốn sách mới chỉ là tập hợp bước đầu, mong muốn thể hiện phần nào tình cảm của con, cháu, của các học trò đối với người bố, người ông kính yêu nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông.