Giáo sư, Phó giáo sư đang làm việc ở đâu?

Vài năm trở lại đây, số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận có sự tăng giảm thất thường, đặc biệt một số ngành một số năm liên tục xảy ra tình trạng 'trắng' giáo sư. Trong khi đó, quy mô đào tạo đại học lại tăng dần đều dẫn đến những lo ngại chất lượng nguồn nhân lực.

Thống kê từ báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, quy mô đào tạo ĐH (chính quy, từ xa, vừa làm vừa học) từ năm học 2013-2014 đến năm học 2021 - 2022 tăng trên 475 nghìn sinh viên. Trong khi đó, số lượng giảng viên là GS, PGS lại có xu hướng giảm. Tính từ năm 1976 đến năm học 2013 - 2014 cả nước có 1.628 người được công nhận GS.

Nhưng chỉ có 487 GS làm việc trong các trường ĐH; tỷ lệ này với PGS là 2.902 được công nhận nhưng chỉ có 9.469 người làm tại các cơ sở giáo dục đại học. Như vậy, nếu so sánh cơ học (không kể số lượng GS, PGS đã mất trong giai đoạn này vì không có số liệu thống kê) thì GS, PGS làm việc trong các trường ĐH rất thấp, chỉ gần 30% GS và trên 30% PGS. Các năm học tiếp theo, số lượng GS, PGS làm việc tại các trường ĐH cũng chỉ tăng rất ít.

Từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2017 - 2018, các trường ĐH bổ sung thêm 242 GS nhưng sau đó, số lượng GS sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như năm học 2017 - 2018 có 729 GS làm việc tại các trường ĐH thì đến năm học 2018 - 2019 chỉ còn 519 GS, năm học 2019 - 2020 có 542 GS và năm học 2021 - 2022 có 602 GS.

Từ năm học 2013-2014 đến năm học 2021-2022, số giảng viên tăng thêm gần 13.000 người. Qua 9 năm, cả nước tăng hơn 15.500 giảng viên trình độ tiến sĩ, tăng gần 13.000 giảng viên có trình độ thạc sĩ. Trong khi số lượng giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ tăng thì số lượng giảng viên có học hàm GS, PGS lại tăng/giảm thất thường và nếu có tăng cũng không đáng kể.

Tính bình quân giai đoạn 2017 - 2022 (giai đoạn số lượng GS, PGS sụt giảm trong các trường ĐH), trên 85% GS, PGS đang làm ở các cơ sở giáo dục ĐH tại thời điểm được công nhận. Thống kê này cũng cho thấy trung bình trong 5 năm qua, số người được phong GS, PGS từ các đơn vị khác như viện nghiên cứu, trường cao đẳng, nhà xuất bản... chiếm 5,4%. Số người đang làm việc tại các bệnh viện được công nhận chiếm 4,4% và 5,1% số người được công nhận đến từ Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo các chuyên gia dự báo, tình trạng khan hiếm GS, PGS có thể khiến các ngành hiếm, kén thí sinh khó duy trì đào tạo. Những năm qua, nhiều ngành “trắng” GS còn PGS cũng rất ít. Đơn cử như bộ môn Y pháp tại trường ĐH Y Hà Nội, là cơ sở duy nhất cả nước đào tạo ngành Pháp y bậc sau ĐH. Để có thể duy trì các hệ này, trong các năm qua, giảng viên đứng lớp là các PGS ngành gần đúng với Pháp y.

Đáng chú ý là số lượng người có biên chế tại bệnh viện được công nhận GS, PGS hằng năm có sự biến động mạnh trong một vài năm qua. Từ 45 người năm 2017 đã đột ngột giảm còn 8 vào năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2021 đã tăng lên 23 và 21 người vào năm 2022. Con số này không tính số GS, PGS là giảng viên cơ hữu ở các Trường ĐH Y dược và có tham gia khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nhiều trường ĐH vẫn còn tình trạng “trắng” GS, PGS. Ví dụ, trong đề án tuyển sinh 2023, Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) công khai danh sách 189 giảng viên cơ hữu và 21 giảng viên thỉnh giảng (được tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh), đều không có ai có học hàm là GS, PGS. Trường ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) cũng không có GS, PGS trong tổng số 183 giảng viên cơ hữu; chỉ có 1 giảng viên thỉnh giảng là PGS. Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định có đào tạo tiến sĩ nhưng chỉ có 1/190 giảng viên cơ hữu có học hàm là PGS.

Hoặc một số trường có số lượng giảng viên là GS, PGS rất thấp so với tổng số giảng viên đang giảng dạy. Trường ĐH Hải Dương có 904 giảng viên cơ hữu nhưng chỉ có 6 PGS và không có GS.Trường ĐH Tây Bắc cũng chưa có GS, chỉ có 3 PGS trong tổng số 267 giảng viên cơ hữu.

PGS. TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đã đặt ra vấn đề về quy mô đào tạo ĐH và số lượng giảng viên học hàm GS, PGS. Theo ông Quân những năm qua, quy mô giáo dục ĐH tăng nhưng số lượng GS, PGS hầu như không tăng và lại có xu hướng thay đổi theo từng năm.

“Chất lượng của giáo dục ĐH được đo dựa vào số lượng người thầy giỏi, những nhà khoa học đầu ngành. Thế nhưng khi số lượng GS, PGS không tăng trong khi số lượng sinh viên tăng thì ở một số trường sẽ khó đảm bảo được chất lượng. Và số lượng GS, PGS không tăng thì quy mô đào tạo tiến sĩ chắc chắn cũng không tăng vì quy mô đào tạo tiến sĩ còn phụ thuộc vào số lượng GS, PGS”, ông Quân nói.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giao-su-pho-giao-su-dang-lam-viec-o-dau-post1589044.tpo