Giáo sư Sinh học phân tử nhận huy chương cống hiến danh giá nhất của Mỹ tuổi 43

TRUNG QUỐC - Là nhà khoa học tiên phong trong công nghệ chỉnh sửa gen, Giáo sư Trương Phong vừa nhận được Huy chương quốc gia về Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Mỹ.

SCMP đưa tin, ngày 3/1, tại Nhà Trắng, Giáo sư Trương Phong được trao Huy chương quốc gia về Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (NMTI). Đây là phần thưởng cao quý nhất của Mỹ dành cho những nhà khoa học có thành tựu đặc biệt nổi bật. Là người tiên phong trong công nghệ chỉnh sửa gen, Giáo sư Phong đã tạo ra một bước tiến lớn trong khoa học với công cụ chỉnh sửa gen đột phá CRISPR-Cas9.

Theo Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) - cơ quan quản lý giải thưởng, công nghệ CRISPR-Cas9 có ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu Nông nghiệp và Y học: "Những đổi mới trong nghiên cứu của Giáo sư Phong đang thay đổi căn bản sức khỏe cộng đồng và đóng góp vào việc phát triển các phương pháp điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, ung thư, tiểu đường tuýp 1 và nhiều bệnh khác".

Công nghệ CRISPR-Cas9 được phát hiện vào năm 2012. Một năm sau, Giáo sư Phong công bố nghiên cứu áp dụng công nghệ này vào các tế bào của động vật có vú, trong đó có tế bào người. Đến năm 2023, công nghệ CRISPR-Cas9 được sử dụng để điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm. Ngoài ra, CRISPR-Cas9 còn được dùng trong phòng thí nghiệm để tạo ra tế bào miễn nhiễm với HIV ở người và chữa khỏi bệnh loạn dưỡng cơ, gan di truyền, đục thủy tinh thể ở chuột.

Trước đó, ông cũng có đóng góp quan trọng cho quang di truyền học (optogenetics) - một kỹ thuật thần kinh học sử dụng ánh sáng để giám sát và điều khiển tế bào trong não. Đến nay, quang di truyền học còn được dùng để lập bản đồ mạch thần kinh và ứng dụng trong nghiên cứu chữa trị tâm thần phân liệt, trầm cảm và tự kỷ.

Giáo sư Trương Phong nhận Huy chương quốc gia về Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Mỹ, ở tuổi 43. Ảnh: MIT

Giáo sư Trương Phong nhận Huy chương quốc gia về Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Mỹ, ở tuổi 43. Ảnh: MIT

Với 2 công trình nghiên cứu mang tính cách mạng trong lĩnh vực khoa học thần kinh và di truyền học, Giáo sư Phong được Giám đốc Viện nghiên cứu não McGovern thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - ông Robert Desimone đánh giá là nhà khoa học trẻ lỗi lạc.

Còn nhà Di truyền học Phillip Sharp - người từng đoạt giải Nobel Y sinh năm 1993, cho rằng, các công trình nghiên cứu của Giáo sư Phong "đang thay đổi cách con người làm khoa học" vì nó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực Sinh học phân tử.

Giáo sư Trương Phong - nhà khoa học tiên phong trong công nghệ chỉnh sửa gen. Ảnh: Vilcek.org

Giáo sư Trương Phong - nhà khoa học tiên phong trong công nghệ chỉnh sửa gen. Ảnh: Vilcek.org

Nhà Sinh học phân tử Trương Phong sinh năm 1982 ở Thạch Gia Trang (Hà Bắc, Trung Quốc). Năm 1994, gia đình ông chuyển đến Iowa (Mỹ) định cư. Ông nhận bằng cử nhân Hóa học tại Đại học Harvard năm 2004. Năm 2009, ông nhận bằng Tiến sĩ về Kỹ thuật Hóa học và Sinh học tại Đại học Stanford. Năm 2011, ông gia nhập Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và tham gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Não bộ McGovern và Viện Broad. Đến năm 2017, ở tuổi 35, ông được thăng chức giáo sư.

Hiện tại, ông còn là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, Viện Hàn lâm Y học Mỹ, Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ và Viện Hàn lâm Sáng chế Mỹ. Ông cũng từng giành được một số giải thưởng như: Giải Perl/UNC về Khoa học Thần kinh (2012); Giải Alan T. Waterman (2014), Giải Canada Gairdner International (2016); Giải Lemelson-MIT (2017); Giải Vilcek cho Triển vọng Sáng tạo (2018); Giải PathfinderGiải Edward Novitski (2021).

Thắm Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giao-su-sinh-hoc-phan-tu-nhan-huy-chuong-cong-hien-danh-gia-nhat-cua-my-tuoi-43-2364879.html