Giáo sư Thái nói đúng thì các nhà soạn sách chương trình 2000 lỗi nặng lắm!
Trong hoàn cảnh Việt Nam, khi điều kiện học tập của nhiều học sinh còn vô cùng khó khăn, thì việc nhồi nhét quá tải lại càng trở nên phản sư phạm.
Nhu cầu phát triển đất nước hối thúc chúng ta phải cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục, để đảm bảo nhanh chóng tạo ra một nguồn nhân lực dồi dào về số lượng, vững vàng về chất lượng hoàn toàn đúng đắn tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà nhiều biện pháp cải cách đã trở thành “cải lùi”.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 1 "Cánh diều" được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, sách Toán hiện hành ở bậc phổ thông, đặc biệt với tiểu học, quá nặng.
"Giáo dục toán học ở phổ thông hiện hành, nhất là với tiểu học, là quá tải và rất nặng. Nó khó đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được", ông Thái đánh giá.
Theo lời Giáo sư Thái thì thấy rằng, suốt gần 20 năm qua, hàng triệu học sinh phải chịu nỗi khổ học tập do chương trình quá tải gây ra, và đằng sau các em là hàng triệu phụ huynh. Tại sao lại “tắc trách” đến vậy?
Các sách giáo khoa hiện hành được làm theo một quy trình rất chặt chẽ, theo như lời Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống trả lời trên Báo điện tử Zing thì công đoạn biên soạn chương trình, viết sách giáo khoa hiện hành được thực hiện như sau:
“Chương trình hiện hành được xây dựng từ năm 2000, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 40 yêu cầu đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
Một hội đồng biên soạn chương trình sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập với nhiều giáo sư, tiến sĩ ở những lĩnh vực khác nhau chia ra thành nhiều tiểu ban phụ trách việc biên soạn chương trình.
Mỗi tiểu ban sẽ chịu trách nhiệm viết chương trình cho một môn học cụ thể. Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được biên soạn xong phải trải qua thẩm định của hội đồng Thẩm định quốc gia với nhiều thành phần khác nhau.
Các thành viên trong hội đồng biên soạn chương trình sẽ không có mặt trong hội đồng thẩm định để đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Sau khi chương trình được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chọn tổng chủ biên, nhóm chủ biên. Từ sự giới thiệu của các cơ quan liên quan, nhóm tổng chủ biên và chủ biên sẽ lựa chọn tác giả và phân công việc biên soạn sách giáo khoa từng cấp cho từng nhóm tác giả.
Sau khi hoàn thành công tác biên soạn sách giáo khoa, sẽ có một hội đồng thẩm định kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thông qua và đưa sách đi dạy thử nghiệm.
Công tác thử nghiệm sách giáo khoa mới sẽ diễn ra trong 2 năm ở một số vùng miền khác nhau. Giáo viên dạy thử sách giáo khoa mới, góp ý sửa đổi bổ sung qua từng năm. Kết thúc quá trình trên, sách giáo khoa mới sẽ được triển khai đại trà trên cả nước…”[1]
Với một quy trình chặt chẽ nhưng kết quả là cho ra đời một bộ sách giáo khoa “quá tải và rất nặng” như vậy rõ ràng bộ sách đã không đạt yêu cầu.
Giáo dục không phải là một món mỳ ăn liền, cứ tống đại nước sôi vào là ăn ngay được. Đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam, khi điều kiện học tập của nhiều học sinh còn vô cùng khó khăn, thì việc nhồi nhét quá tải lại càng trở nên phản sư phạm.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng bình luận về chương trình 2000: "Nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì." [2]
Tất nhiên cho đến nay chúng ta chẳng có ai bị phải chịu trách nhiệm vì sự lãng phí gây ra cho ngân sách nhà nước, sách giáo khoa hiện hành gây ra.
Tài liệu tham khảo:
[1] //news.zing.vn/sach-giao-khoa-duoc-bien-soan-va-phat-hanh-nhu-the-nao-post871349.html
[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73075/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet.html