Giáo sư Trần Lâm Biền: 'Gốm phù điêu là sự thao diễn đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật'
Khi nói về gốm phù điêu, giáo sư Trần Lâm Biền – Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nhận định, gốm của người Việt có thể dựa trên nền tảng truyền thống mà thâm nhập vào quốc tế và đứng ngang hàng với các tác phẩm gốm đẹp của quốc tế. Phóng viên báo Công Thương đã có dịp trò chuyện cùng giáo sư Trần Lâm Biền để tìm hiểu về dòng gốm lâu đời mang đậm tinh hoa dân tộc này.
Thưa giáo sư, ông hãy điểm qua những giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật nổi bật của gốm phù điêu?
Gốm phù điêu của nước ta ít nhất đã có từ nửa cuối thế kỷ XVI, cũng theo dòng chảy của các loại gốm cổ truyền, thường gắn với tín ngưỡng. Các tác phẩm gốm phù điêu đa số là gốm lớn làm bằng tay, không thể làm hàng loạt được. Các họa tiết, hoa văn được đắp nổi một cách tinh xảo, công phu, thể hiện sự thâm trầm đặc trưng của gốm sứ thời Lê, thời Mạc. Người nghệ nhân cũng phải có kiến thức phối cảnh nhuần nhuyễn để tạo nên vẻ đẹp cân xứng, hài hòa. Mỗi tác phẩm là sự thao diễn đến đỉnh cao về cả kỹ thuật và nghệ thuật.
Người xem yêu quý nghệ thuật khi nhìn vào đồ gốm như nhìn thấy được tâm hồn của người nghệ nhân gửi vào đó. Đó là hơi thở, là tiếng thầm thì sâu kín từ tận trong tâm.
Nét độc đáo của gốm phù điêu so với các dòng gốm khác là gì, thưa giáo sư?
Với gốm phù điêu, người nghệ nhân có thể làm trực tiếp trên gốm tạo ra những hoa văn nổi như chạm khắc, được cường điệu lên rất lớn, đó là lý do người nghệ nhân tạo ra những đồ gốm lớn để có không gian thể hiện. Cũng chính vì vậy mà từng chi tiết phải có sự suy nghĩ đến “chín” rồi mới đưa vào, nhằm thể hiện những hoa văn, họa tiết đạt tiêu chuẩn cao về tạo hình, nghệ thuật. Rất nhiều bức phù điêu là độc bản.
Màu men của gốm phù điêu mang nét hòa trộn giữa cổ truyền và hiện đại. Chúng hun đúc, bổ trợ cho nhau để tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh, tạo nên nét đẹp riêng biệt.
Ông đánh giá như thế nào về giá trị thương mại của các sản phẩm gốm phù điêu?
Về giá trị của những tác phẩm gốm phù điêu, tôi cho rằng mỗi một hiện vật phải đạt giá trị kinh tế rất cao, đáng giá hàng trăm triệu, hàng tỷ hoặc cao hơn nữa. Bởi mỗi tác phẩm là một dạng khác nhau và không thể sản xuất hàng loạt, chúng không mang tính chất thương mại cấp thấp mà là thương mại cấp cao.
Hiện nay các sản phẩm gốm phù điêu mới chỉ xuất khẩu đơn chiếc, nhưng việc xuất khẩu rộng rãi, đa dạng hơn là một hướng đi khả thi để vươn tới. Điều tôi quan tâm là những người sản xuất giữ được nét đặc trưng của dòng gốm này khi bàn đến chuyện xuất khẩu, bởi chúng là nghệ thuật, không thể làm đại trà được.
Theo ông, gốm phù điêu có vị trí như thế nào trên thị trường hiện nay?
Với sự phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay, khi dân trí nâng cao, kinh tế và văn hóa song hành với nhau sẽ tiến tới “phú quý sinh lễ nghĩa”, người ta sẽ rất thích các tác phẩm gốm phù điêu, đặc biệt là những người yêu nghệ thuật, hiểu về nghệ thuật, biết “chơi” gốm. Gốm này không đơn giản là thứ gốm chỉ để bán hoặc để chơi một cách bình thường mà nó đạt được cả tiêu chuẩn sang trọng nữa. Tôi tin rằng khi gốm nghệ thuật này được tuyên truyền, quảng bá, nó sẽ là bệ đỡ cho sự phát triển của gốm thương mại.
Xin cảm ơn ông!