Giáo sư Trần Thanh Vân kỳ vọng Việt Nam sẽ có thành phố tinh hoa khoa học như Princeton của Mỹ
Giáo sư Trần Thanh Vân đã nêu những đề xuất để Việt Nam có thể thu hút được nhân tài người Việt đang ở nước ngoài và nhân tài cao cấp ngoại quốc đang tìm nơi định cư
Hội thảo "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) với sự tham dự của hơn 200 nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu 30 năm thành lập Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động tích cực của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP Quy Nhơn.
Trong dịp đại diện các nhà khoa học dự hội thảo gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chiều 12-8 tại Phủ Chủ tịch, Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, đã có bài phát biểu điểm lại những hoạt động của Hội trong 30 năm qua.
Nơi hội tụ các nhà khoa học
Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ (NGO), hoạt động phi lợi nhuận với mục đích chính là kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam. Năm 2012, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam trở thành đối tác chính thức của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
"Nhìn lại con đường đã đi trong 30 năm vừa qua của Hội Gặp gỡ Việt Nam, chúng tôi rất cảm động và cám ơn sự đồng hành đầy tâm huyết của các vị lãnh đạo và cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế"- Giáo sư Trần Thanh Vân bày tỏ.
Hội đã thành lập Quỹ học bổng Vallet; đưa chương trình tập huấn phương pháp giảng dạy khoa học "Bàn tay nặn bột" vào các trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở để giúp mở mang thực nghiệm và sáng tạo; cùng Đại học Huế thành lập hệ đào tạo kỹ sư chất lượng cao ở các trường kĩ sư INSA tại Pháp...
Hội đã tổ chức 19 lần chuỗi các hội nghị khoa học quốc tế "Gặp gỡ Việt Nam" làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học học Việt Nam và quốc tế.
Hội đã thành lập ICISE, là nơi hội tụ các nhà khoa học thế giới và trong nước để cùng nhau chia sẻ các những kết quả mới, cùng thảo luận để lựa chọn con đường nghiên cứu và cộng tác tương lai với sự hiện diện và đóng góp của hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có 18 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields (được xem là Nobel Toán học).
Với hoạt động của Trung tâm ICISE, TP Quy Nhơn đã trở thành một ngôi sao sáng trong bầu trời khoa học trong và ngoài nước trong lĩnh vực Vật lí. Tại Trung tâm ICISE đã thành lập một viện khảo cứu (IFIRSE) với hai nhóm: Vật lý Thiên Văn học do Quỹ Simons (Mỹ) tài trợ và Vật lý thực nghiệm Neutrino. Thành lập một nhóm vật lý thực nghiệm là một chuyện rất khó khăn song rất cần thiết cho tương lai. Nhờ sự cộng tác chặt chẽ của một số Giáo sư Nhật Bản hàng đầu thế giới. Nhóm thực nghiệm IFIRSE là đại diện duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tham gia với tư cách thành viên chính thức của một thí nghiệm lớn nhất tại Nhật Bản trong ngành Vật lý Neutrino trên thế giới.
Ngoài ra, Hội đã cùng với các lãnh đạo tỉnh Bình Định thành lập Trung tâm Khám phá Khoa học, sân chơi khoa học của hàng ngàn học sinh, từ mẫu giáo cho đến Trung học phổ thông trên toàn quốc.
Để phát triển công nghệ, cùng với PGS Phan Thanh Bình, Hội đã đề xuất quy hoạch Đô thị khoa học Quy Hòa năm 2014 và các lãnh đạo tỉnh đã đồng ý quy hoạch khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam.
Trung tâm ICISE đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Liên minh nghị Viện thế giới (IPU) vào tháng 5-2023 để trở thành một nơi tổ chức các hội nghị "Khoa học vì hòa bình" để tạo cơ hội cho các nghị sĩ và các nhà khoa học trao đổi và cộng tác trong những lĩnh vực quan trọng liên quan đến hòa bình. Hội nghị đầu tiên sẽ diễn ra trung tuần tháng 9 về vấn đề An ninh nguồn nước giữa các quốc gia.
Giáo sư Trần Thanh Vân nhấn mạnh khoa học cơ bản là nền tảng của giáo dục và nguồn gốc của tất cả khám phá khoa học, những khám phá này sẽ biến thành ứng dụng để phục vụ sự phát triển bền vững toàn diện, cải thiện công bằng và hạnh phúc cho toàn dân. Không có khoa học cơ bản thì không thể có khám phá ứng dụng, cải tạo và nâng cao đời sống của toàn dân.
Đặc biệt, Việt Nam cần chú trọng phát triển khoa học cơ bản vì khoa học cơ bản sẽ làm tăng sức cạnh tranh quốc gia một cách bền vững, nhất là khi mà các nước lớn đang coi trọng và muốn nâng tầm quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong thời gian tới.
Sự dịch chuyển của các công ty công nghệ lớn của Mỹ và một số quốc gia khác về Việt Nam cần một lực lượng nhân lực kỹ thuật, công nghệ trình độ cao. Do đó, phát triển nghiên cứu cơ bản và đào tạo kĩ thuật là vấn đề rất cần thiết và tối quan trọng để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới.
Để phát triển khoa học, một yếu tố rất quan trọng là nhân sự và thu hút nhân tài. Hiện nay đang có cuộc chiến tranh thế giới về thu hút nhân tài vì nhân tài là động cơ chính của sáng tạo, đổi mới và phát triển bền vững tương lai.
Bốn đề xuất
Giáo sư Trần Thanh Vân mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạo điều kiện và cơ chế đặc thù cụ thể để Lãnh đạo Khoa học Việt Nam có đủ điều kiện để quyết định nhanh chóng sự thu hút và đón tiếp nhân tài. Như vậy, Việt Nam mới có thể thu hút được nhân tài người Việt đang ở nước ngoài và nhân tài cao cấp ngoại quốc đang tìm nơi định cư.
Để thực hiện cụ thể phát triển khoa học và thu hút nhân tài, Hội đề nghị đẩy mạnh và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Quỹ khoa học và công nghệ quốc gia NAFOSTED để tăng cường sức mạnh của các nghiên cứu sinh đầy nhiệt huyết muốn cống hiến đời mình cho khoa học Việt Nam. Cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt để đẩy mạnh thu hút nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao của người Việt Nam (và ngoại quốc) từ nước ngoài về chung tay đóng góp cho khoa học công nghệ trong nước.
Bên cạnh đó, xây dựng một trung tâm quốc tế nghiên cứu xuất sắc về Vật lý để khai thác tiềm năng nguồn chất xám khoa học từ các nhà khoa học về dự các sự kiện khoa học và cộng tác tại Trung tâm ICISE và đào tạo các nghiên cứu sinh Việt Nam.
Cần đưa khoa học đến với công chúng. Song song với việc chú trọng khoa học tầm cao, hội Gặp gỡ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề đưa khoa học đến với công chúng, đặc biệt chú trọng giáo dục khoa học cho trẻ em - thế hệ tương lai của Việt Nam. Tại Bình Định, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã cùng UBND tỉnh Bình Định xây Trung tâm Khám phá Khoa học (ExploraScience Center), đã khánh thành đi vào hoạt động năm 2022, bước đầu có hiệu quả rõ rệt.
Theo Giáo sư Trần Thanh Vân, cần quan tâm và thành lập nhiều trung tâm đưa khoa học đến với công chúng và với trẻ em như dự án Trung tâm Khám phá Khoa học tại Bình Định. Các trung tâm này sẽ giúp trẻ em có sân chơi khoa học từ nhỏ, kích thích sự say mê tìm tòi, khám phá khoa học của trẻ em để đào tạo thế hệ tương lai của Việt Nam có kiến thức, có năng lực và năng động để đủ sức hội nhập với thế giới.
"Chúng tôi ước mong những dự án này sẽ được nhân rộng ra các thành phố lớn ở Việt Nam, nhất là Thủ đô Hà Nội rất cần có một trung tâm như vậy cho các trẻ em ưu tú của Hà Nội và vùng Bắc Việt Nam"- Giáo sư Trần Thanh Vân bày tỏ.
Giáo sư Trần Thanh Vân mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến ủng hộ, xúc tiến để Chính phủ Việt Nam có những chính sách và hành động cụ thể giúp Bình Định có thể xây dựng một Khu đô thị khoa học Quy Hòa đã quy hoạch và đang dần thành hình nhưng chưa có một cơ chế đặc biệt để hoạt động. "Chúng tôi chắc chắn rằng sau vài thập niên, Quy Nhơn sẽ trở thành một thành phố tương tự như thành phố "Princeton", thành phố tinh hoa khoa học ở Mỹ"- Giáo sư Trần Thanh Vân kỳ vọng.
Trong buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định, tiếp tục đồng hành hiệu quả, tích cực phối hợp hành động, hỗ trợ Hội Gặp gỡ Việt Nam hiện thực hóa các ý tưởng, dự án tốt đẹp, khả thi dành cho khoa học, giáo dục nước nhà, nhất là những vấn đề mang tầm chiến lược trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đồng thời, nhân rộng thêm những mô hình trung tâm phát triển khoa học tương tự như ICISE ở các thành phố lớn, từ đó thúc đẩy cho khoa học và giáo dục của Việt Nam phát triển vững mạnh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện, cơ chế thu hút các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, bền chặt hơn. Đặc biệt, phát huy được tiềm năng, xây dựng được các mạng lưới quy tụ các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước, cho nền khoa học và giáo dục nước nhà, để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới về mọi mặt, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển bền vững trên nền tảng của khoa học và giáo dục chất lượng.