Giáo sư Trần Thanh Vân: Mong muốn ngọn lửa khoa học ở ICISE cháy mãi

Thời gian vừa qua, việc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn, Bình Định) gặp khó khăn do liên quan đến tiền thuê đất, cơ chế hoạt động… khiến dư luận (đặc biệt là giới khoa học) rất quan tâm. Mới đây, PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Trần Thanh Vân, người điều hành ICISE, để rõ hơn những tâm huyết của ông đối với nền khoa học Việt Nam.

GS Trần Thanh Vân

GS Trần Thanh Vân

*PHÓNG VIÊN: Hơn 10 năm trước, ông đã cùng với phu nhân của mình là GS Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam, tại Pháp) mang 2 triệu USD dành dụm được từ Pháp trở về Việt Nam để góp sức vào sự nghiệp khoa học nước nhà. Ông có thể nói rõ thêm về ý tưởng của mình khi trở về Việt Nam thời điểm đó?

GS. TRẦN THANH VÂN: Việc xây dựng Trung tâm ICISE là cả một quá trình ấp ủ hàng chục năm của tôi. Nó đã được mọc rễ, có nền tảng vững chắc thể hiện ý chí nguyện vọng sắt đá của chúng tôi. Chúng tôi luôn tâm niệm, nhà khoa học phải có sứ mệnh, bổn phận đưa khoa học đến với công chúng, làm sao cho tương lai sẽ có những phát triển khoa học hay hơn, tốt hơn. Chính vì vậy, tôi mới đưa ra ý tưởng xây trung tâm khám phá khoa học, để chuyển cái tình yêu, ngọn lửa khoa học của chúng tôi đến với thế hệ trẻ của Việt Nam.

*PHÓNG VIÊN: Vì sao ông lại chọn Quy Nhơn để đặt nền móng cho khoa học của mình ở Việt Nam?

GS. TRẦN THANH VÂN: Trước khi dừng chân ở TP Quy Nhơn, chúng tôi đã đi khảo sát 7 thành phố ven biển miền Trung. Tuy nhiên, nhờ cái duyên mà tôi được gặp ông Vũ Hoàng Hà, lúc ông còn làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2005-2010-PV) vào một ngày đầu tháng 8-2008. Thời ấy, ông Hà thể hiện quyết tâm giữ chân chúng tôi bằng mọi giá, thậm chí còn nói sẽ nhường lại trụ sở chính quyền cho tôi làm trung tâm khoa học. Tấm lòng của ông Hà và các lãnh đạo tỉnh Bình Định lúc đó đã thuyết phục chúng tôi, từ đó tôi quyết định dừng chân ở Quy Nhơn. Ngoài ra, Quy Nhơn là một thành phố biển có truyền thống về giáo dục. Nơi đây, có 1 trường đại học với lịch sử lâu đời và nhiều trường cao đẳng rất phù hợp với mục tiêu giáo dục, khoa học của chúng tôi.

*PHÓNG VIÊN: Những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai xây dựng ICISE là gì và đã đạt được những thành tựu nào, thưa ông?

GS. TRẦN THANH VÂN: Lúc mới đưa ra ý tưởng về Trung tâm ICISE này, khó khăn là tuổi tác cả 2 vợ chồng đã quá cao, đều trên 70 tuổi. Thế nên, có nhiều người nói rằng chúng tôi đang làm chuyện “điên rồ”. Họ nói, chúng tôi chỉ đang “đốt lửa rơm”, bởi khi chúng tôi già, không đủ sức gánh vác nữa thì “ngọn lửa” sẽ nhanh chóng tắt đi, đồng nghĩa với ICISE cũng sẽ lụi tàn theo.

Ở nước ngoài, tôi cùng với một số nhà khoa học đã sáng lập, điều hành các tổ chức Gặp gỡ Moriond (năm 1966, tại làng Moriond, trên dãy núi Alpes, giáp ranh biên giới giữa Pháp và Italy) và Gặp gỡ Blois (năm 1989, tại TP Blois, miền Trung nước Pháp). Ngày tôi trở về Việt Nam, nhiều đồng nghiệp của tôi khuyên rằng, nếu anh không còn phụ trách Moriond nữa thì hãy làm một điều gì đố tốt đẹp hơn.

Sau này, khi thành lập ICISE, những người bạn ở Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois họ đều đến để hỗ trợ, giúp đỡ tôi. Họ đã chung tay, làm cho “ngọn lửa” khoa học tại ICISE bùng cháy, ngày càng sáng hơn. Bây giờ, nếu chúng tôi già đi và không đủ sức nữa thì ICISE đã có một đội ngũ làm khoa học rất đông tại Việt Nam và bạn bè quốc tế, đủ sức để đảm đương trọng trách của tôi. “Ngọn lửa” ở ICISE sẽ cháy mãi và trường tồn chứ không phải là “lửa rơm” như nhiều người lo lắng. Từ đó tiếp tục đóng góp vào giáo dục, khoa học cho Việt Nam.

Từ khi đi vào hoạt động năm 2013 đến nay, chúng tôi đã tổ chức trên 60 hội nghị khoa học quốc tế, 20 trường khoa học chuyên đề với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học quốc tế; trong đó có 12 người đoạt giải Nobel, 2 giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), 2 giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và 1 giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)… Không những thế, chúng tôi đã mời được rất nhiều nhà khoa học gốc Việt trên thế giới về lại đất nước để đóng góp công sức, trí tuệ của họ. Chúng tôi còn đào tạo, nhận giúp đỡ cho hàng trăm em sinh viên Việt Nam được qua nước ngoài học tập, theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

*PHÓNG VIÊN: Ông tin tưởng và đặt mục tiêu gì vào nền khoa học tại Việt Nam trong tương lai?

GS. TRẦN THANH VÂN: Tôi tin tưởng với sự thông minh, chịu khó của người Việt Nam chúng ta sẽ tạo ra được những thành tựu khoa học nổi bật trong tương lai. Nếu được quan tâm, đầu tư thì tương lai chúng ta sẽ có một đội ngũ khoa học dồi dào, đầy nội lực.

*PHÓNG VIÊN: Ngoài vấn đề liên quan đến tiền thuế đất, bây giờ ICISE còn gặp những vướng mắc gì, thưa ông?

GS. TRẦN THANH VÂN: Vấn đề tiền thuê đất, dù trước đây lãnh đạo tỉnh Bình Định đã hứa miễn cho chúng tôi nhưng kéo dài suốt 10 năm nay, mọi chuyện vẫn cứ dây dưa rất mệt mỏi. Ngoài ra, ICISE bây giờ còn gặp vô vàn khó khăn khác liên quan đến các dự án khách sạn vì khoa học (1,3ha); trung tâm khám phá khoa học (3,8ha).

Nan giải nhất là vấn đề ở trung tâm khám phá khoa học. Trước đây, lãnh đạo tỉnh Bình Định gợi ý cho tôi đi tìm 1 người đủ trình độ để về đây làm giám đốc trung tâm. Sau đó, chúng tôi đã rất may mắn mới tìm được một người gốc Việt đang làm việc ở Pháp về để điều hành trung tâm khám phá khoa học.

Sau 2 năm điều hành, người này đã tạo dựng được rất nhiều mô hình khoa học hết sức thú vị và ý nghĩa, nhằm chuyển tải “ngọn lửa” khoa học cho thế hệ trẻ và cộng đồng ở Bình Định và cả Việt Nam. Tuy nhiên, sau này thì cơ chế lại không cho phép người này được điều hành trung tâm, nên anh ta đành phải trở lại Pháp đầy nuối tiếc. Tôi mong sao mọi việc được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho ngọn lửa khoa học ở ICISE cháy mãi.

Xin cám ơn ông!

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giao-su-tran-thanh-van-mong-muon-ngon-lua-khoa-hoc-o-icise-chay-mai-604523.html