Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Tấm gương hết lòng vì nền khoa học nước nhà

Cách đây 110 năm, đúng vào ngày 13/9/1913, tại quê hương giàu truyền thống Tam Bình, Vĩnh Long, cậu bé Phạm Quang Lễ đã sinh ra trong niềm yêu thương của cha mẹ, gia đình.

Cậu bé sau này đã trở thành Giáo sư, Viện sỹ, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, một nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của quê hương Tam Bình, Vĩnh Long - một vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của ông đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học.

Cậu bé thông minh, hiếu học

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê ngoại, thuộc làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là Ấp 6, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Cha của Phạm Quang Lễ là ông giáo Phạm Văn Mùi (1881 - 1920), người có học vấn uyên thâm, giàu lòng nhân ái, làm nhiều việc thiện. Mẹ là cụ bà Lý Thị Diệu (1881- 1941), một người phụ nữ hiền lành, đảm đang, chăm lo việc nhà để chồng toàn tâm vào việc dạy học. Trong gia đình, Lễ còn người chị Phạm Thị Nhẫn (1911 - 1937), lớn hơn Lễ hai tuổi, là một cô gái hiếu thảo, vâng lời cha mẹ, thương yêu em hết mực. Đây được xem là hình mẫu của gia đình truyền thống Việt Nam và cũng là chiếc nôi nuôi dưỡng phẩm chất nhân cách, ý chí và tài năng của người con Phạm Quang Lễ.

Với tư chất thông minh, giàu nghị lực, cậu bé Phạm Quang Lễ luôn cố gắng học thật giỏi và đạt kết quả xuất sắc trong mọi bậc học. Mùa hè năm 1926, Lễ tốt nghiệp Tiểu học loại giỏi và thi đỗ hạng ưu vào Trường Trung học đệ nhất ở Mỹ Tho và được cấp học bổng trong những năm học tại trường do luôn có thành tích xuất sắc. Năm 1930, Phạm Quang Lễ lại đỗ cao vào trường Trung học đệ nhị cấp Petrus Ký Sài Gòn (nay là trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh), nổi tiếng vì sự tài giỏi và thành tích học tập luôn dẫn đầu.

Khi đang học ở Mỹ Tho, được tin cụ Phan Chu Trinh mất, lòng yêu nước của ông được nâng lên hơn nữa. Sau đó, khi học ở Trường Petrus Ký Sài Gòn, được tin thực dân Pháp đàn áp dã man phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông lại càng khắc sâu lòng căm thù giặc Pháp.

Năm 1933, Phạm Quang Lễ sau ba năm miệt mài dưới mái trường Petrus Ký, bằng năng lực và trí thông minh của mình, ông đã đỗ thủ khoa cả tú tài bản xứ và tú tài Tây, trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Tháng 9/1935, nhờ sự giúp đỡ của nhà báo Vương Quang Ngươu (một Việt kiều từ Pháp về, làm việc ở Tòa bố chính Mỹ Tho), ông được sang Pháp du học để thực hiện hoài bão của mình - đó là “… tham gia chế tạo vũ khí cho các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp”.

Khi sang Pháp, ông mới biết ngành Chế tạo vũ khí không nhận sinh viên các nước thuộc địa. Do vậy, ông bí mật tìm hướng đi riêng, khó khăn hơn, lâu dài hơn, đó là học nhiều ngành liên quan để có đủ tri thức nghiên cứu chế tạo vũ khí, từ kỹ sư Cầu cống tại Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, đến kỹ sư điện, kỹ sư hàng không, cử nhân toán, chứng chỉ tại Đại học Mỏ địa chất và Cơ khí Bách khoa. Đây là những điều kiện cần thiết để ông tiếp tục đi sâu nghiên cứu về vũ khí, thu thập các tài liệu kỹ thuật chuyên ngành.

Tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris dự Hội nghị Fontainebleau. Dịp này, Phạm Quang Lễ được gặp và trao đổi với Bác, càng hiểu sâu sắc hơn về tài đức của Người; từ đó, ông đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, quyết định từ bỏ tất cả danh vọng nơi đất Pháp với cương vị một kỹ sư trưởng, mức lương 5.500 F/tháng, tương đương 22 lạng vàng hiện nay để theo Bác Hồ về nước, phục vụ cách mạng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ để góp sức vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Ngày 5/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cử ông làm Cục trưởng Cục Quân giới và đặt tên cho ông là Trần Đại Nghĩa. Đối với ông, họ tên do Bác Hồ đặt có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ cho bản thân ông mà còn cho con cháu mãi mãi về sau. Vì vậy mà cả bốn người con trai của ông đều mang họ Trần.

Đáp lại sự tin tưởng của Bác Hồ và Chính phủ, ông cùng các cộng sự miệt mài nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí quan trọng, góp phần nâng cao sức mạnh Quân đội ta, tiến tới giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng đầu năm 1948. Tháng 5/1949, ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1952, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đợt đầu tiên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ như: Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa, nay là Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng,…

Với những cống hiến và thành tích xuất sắc về khoa học, đầu năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô - Viện sĩ hàn lâm đầu tiên của Việt Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được Đảng và Nhà nước phân công làm Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam.

Tấm gương của một nhà khoa học

Đoàn viên, thanh niên tham quan triển lãm hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Đoàn viên, thanh niên tham quan triển lãm hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Với trí tuệ, tài năng, đạo đức mẫu mực, tinh thần trách nhiệm, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên cương vị nào, ông đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trở thành nhà khoa học lỗi lạc, một đại trí thức tài trí tiêu biểu cho Giới trí thức cách mạng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu từng nhận xét: “Người có công lớn trong việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các loại vũ khí có hỏa lực mạnh thời kháng chiến chống Pháp là anh Trần Đại Nghĩa. Chính vì vậy, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất ở Việt Bắc anh đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng. Anh Nghĩa rất xứng đáng là người trí thức Việt Nam đầu tiên được nhận vinh dự ấy”.

Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa là người thế hệ hôm nay cũng như lớp cán bộ, chiến sỹ của hai cuộc kháng chiến cứu nước, các nhà khoa học, công nhân quân giới, đồng bào trong nước và cả bạn bè quốc tế đều kính trọng, coi như một huyền thoại.

Dù ở cương vị nào ông cũng quy tụ được đội ngũ trí thức, đoàn kết, hướng họ vào mục tiêu xây dựng một nền khoa học Việt Nam hiện đại, đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Ông đã thu phục được nhiều người nhờ đức độ, trí tuệ của mình. Nhân dân cả nước yêu quý, mến phục ông. Giới trí thức tự hào về người đại diện tiêu biểu của mình. Các nhà khoa học thế giới đánh giá cao các công trình nghiên cứu của ông. Suốt cả cuộc đời của Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã giao cho ông nhiều nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc. Là một quân nhân, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa luôn dũng cảm, tận tụy. Là một nhà khoa học, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã nêu tấm gương của một nhà nghiên cứu chân chính, hết lòng vì sự nghiệp khoa học.

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa-người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương hết lòng vì nền khoa học nước nhà, niềm khát vọng của nhiều thế hệ hôm nay, giúp họ vững tin tiếp bước cha ông bảo vệ, phát huy những thành quả to lớn trên con đường hội nhập và phát triển.

Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/giao-su-vien-si-tran-dai-nghia-tam-guong-het-long-vi-nen-khoa-hoc-nuoc-nha-20230913121158751.htm