Giáo sư Vũ Khiêu - người đặt nền móng cho ngành Xã hội học Việt Nam

Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Là người được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia tộc Đặng Vũ, sau khi tốt nghiệp tú tài trường Bonnal (Ngô Quyền - Hải Phòng) từ thời thuộc Pháp, ông đã bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông - Tây, từ cổ đại đến hiện đại.

Năm 1935, ông về Hà Nội dạy học và đi theo cách mạng. Với vốn kiến thức được tích lũy trong suốt cuộc đời, ông trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa lớn. Cuộc đời cách mạng và công tác của Giáo sư Vũ Khiêu phần lớn gắn bó với Hà Nội. Giáo sư Vũ Khiêu được nhiều người "phong" là nhà Nho cuối cùng của Việt Nam.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Giá trị to lớn của Công trình “Bàn về văn hiến Việt Nam”

Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Khanh, Trưởng nam của Giáo sư Vũ Khiêu chia sẻ, sinh ra ở đất có truyền thống cách mạng, cha tôi sớm tham gia cách mạng từ tuổi niên thiếu, làm công tác tuyên huấn ở chiến khu Việt Bắc. Ông từng là Trưởng ban tuyên huấn của chiến khu Việt Bắc, thuộc đội cận vệ già, thế hệ cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau hòa bình năm 1954, ông chuyển sang làm nghiên cứu xã hội học và văn hóa. Ông chính là người sáng lập và gây dựng ngành Xã hội học cho Việt Nam, là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

Ông còn là một trong những người được phong hàm giáo sư đầu tiên ở Việt Nam, đã xuất bản hàng trăm cuốn sách viết chung và riêng, ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, viết về các danh nhân, nhà văn hóa, nhà văn Việt Nam như: Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đình Chiểu... Tác phẩm lớn nhất là bộ sách 3 tập, dày gần 1.500 trang, cuốn “Bàn về Văn hiến Việt Nam”.

Là học giả uyên bác về văn hóa Đông - Tây, Giáo sư đã biên soạn và xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng về văn hóa và lịch sử có giá trị và ý nghĩa to lớn không chỉ cho ngày nay mà cho cả mãi mãi về sau. Trong đó, có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Đẹp (1963), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979); đặc biệt là công trình khoa học đồ sộ và giá trị “Bàn về văn hiến Việt Nam”…

Với công trình khoa học giá trị này sẽ giúp người đọc có thể có một cái nhìn tổng quát và toàn diện về tiến trình phát triển của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Khởi đầu từ cách mạng tháng 8/1945, văn hóa Việt Nam đã đi vào giai đoạn phát triển mới – một nền văn hóa độc lập và tự chủ.

Giáo sư đã dành nhiều tâm huyết để khái quát về nền văn hiến của Việt Nam từ xưa đến nay với những vấn đề cốt lõi như chủ nghĩa nhân đạo, quan niệm về đạo đức, lối sống, những ảnh hưởng của nho giáo đối với tư tưởng và đời sống của cộng đồng và nhất là quan niệm về đạo đức và tư tưởng của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng và đổi mới của dân tộc.

Bên cạnh đó, những vấn đề về văn hóa và nghệ thuật được sắp xếp, sửa chữa và bổ sung mới về lý luận và thực tiễn, có thể xem đây như một cái nhìn có tính đúc kết. Đó là những giá trị nghệ thuật, giá trị truyền thống của một nền văn hóa được thể hiện qua những tinh hoa mang tính trường tồn về bản sắc của một dân tộc.

Độc giả có thể thấy với Giáo sư Vũ Khiêu, "anh hùng và nghệ sĩ” có khi như hai khái niệm thuộc phạm trù đồng nhất – một sự gắn kết tuyệt vời để tạo ra những con người, những tài năng mà tên tuổi và sự nghiệp sẽ sống mãi trong niềm tự hào của dân tộc.

“Văn hiến Việt Nam" của Giáo sư Vũ Khiêu cũng không hề xưa cũ, bởi từ những kinh nghiệm quý báu của một đời hoạt động gắn bó trong lĩnh vực văn hóa. Ông đã nêu ra và dự báo những thách thức của thời đại những vấn đề nội sinh và ngoại sinh của một nền văn hóa trước thế giới mở rộng bản lĩnh và tài năng của những con người Việt Nam hôm nay sẽ được chứng tỏ bằng sự tin tưởng và phấn đấu. Trên nền của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những con người Việt Nam mới hôm nay sẽ tiếp bước cha ông xây dựng một nền văn hóa mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Cống hiến cả đời cho nghiên cứu khoa học

Giáo sư Vũ Khiêu phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2010) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2), ngày 15/9/2010. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Giáo sư Vũ Khiêu phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2010) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2), ngày 15/9/2010. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Là người con Nam Định, Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu luôn nặng lòng với quê hương, dành cho quê nhà những tình cảm tốt đẹp, thân thương; luôn trăn trở, góp nhiều ý kiến quý báu với các đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh với lòng mong muốn quê nhà phát triển, hưng thịnh. Giáo sư luôn quan tâm, khuyến khích việc học; việc duy trì và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa riêng có của huyện, của tỉnh. Những năm qua mặc dù tuổi cao sức yếu, Giáo sư đã luôn hướng về quê hương, thăm hỏi động viên, tặng câu đối, lời chúc khi có sự kiện lớn; dành thời gian về thăm trường học cũ; hàng năm vẫn về dự lễ Hội chùa Keo làng Hành Thiện, dự khai giảng năm học mới tại Trường Trung học phổ thông mang tên bút danh Cao Phong của Giáo sư tại quê nhà.

Ông đã từng viết nhiều câu đối chính ở các đền thờ Việt Nam, từ đền thờ Phù Đổng Thiên Vương (cố đô Hoa Lư) đến đền thờ Hùng Vương… Không thờ ơ và buông xuôi, ngay cả khi đã “gần đất xa trời”, ông vẫn chau chuốt từng câu chữ trong các bài văn tế Vua Hùng mỗi dịp giỗ tổ Hùng Vương. Qua đó thúc giục, vận động toàn dân phát huy tinh thần đoàn kết, tự cường, đưa đất nước ngày càng phát triển.

Câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu đầy trí tuệ, chữ tinh hoa. Từ văn tế chúng sinh chết đói năm 1945, tới những bài văn cầu hồn cho liệt sỹ Trường Sơn, những bài minh, hịch phú. Văn thơ của ông chuẩn niêm luật, lại đầy bứt phá, vừa sang trọng, uy nghiêm, vừa dồi dào sức sống, lịch sử sống động, đọc lên thấy tiếng Việt thật đẹp và cuốn hút. Anh hùng chiến tích, truyền thống văn hiến nghìn năm, những trang sử vàng, những kết tinh văn chương đẹp đẽ tỏa ra từ hồn cốt của một nhân sĩ yêu nước nồng nàn, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân...

Với những cống hiến lớn lao và đặc biệt xuất sắc cho đất nước, Giáo sư Vũ Khiêu đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1995), phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2006), được nhận danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội (năm 2010) và nhiều phần thưởng cao quý khác… Đồng thời, là người có sức lao động sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, văn hóa, Giáo sư Vũ Khiêu nhận được nhiều sự kính trọng từ các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân.

Nói về Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Quý, Giám đốc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia chia sẻ: “Giáo sư Vũ Khiêu là tấm gương lớn về tinh thần tự học, lao động say mê và sáng tạo; suốt đời cống hiến cho khoa học, cho cách mạng, cho dân tộc. Ông luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho mọi người; luôn được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các tập thể, cá nhân, nhân dân rất nhiều địa phương; bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước; đảng bộ, nhân dân huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định tin yêu kính trọng.

Ngoài công tác quản lý, Giáo sư Vũ Khiêu đã liên tục nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, biên soạn trên 70 cuốn sách; liên tục viết sách báo, tham dự các cuộc hội thảo trong và ngoài nước…Cuộc đời chiến đấu, lao động sáng tạo và cống hiến xuất sắc của Giáo sư Vũ Khiêu là tấm gương truyền cảm hứng về lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc về tinh thần trách nhiệm, năng lượng sống và niềm tin hướng tới tương lai.

Sự ra đi của Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu là nỗi mất mát to lớn của ngành Khoa học xã hội cũng như nền văn chương nước nhà, ông hưởng thọ 106 tuổi. Lễ viếng tưởng nhớ ông sẽ được tổ chức từ 8 giờ đến 10 giờ ngày 11/10/2021, tại Nhà tang lễ Quốc gia- số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; lễ truy điệu hồi 10 giờ 15 phút ngày 11/10/2021. Lễ an táng hồi 15 giờ 30 phút cùng ngày, tại nghĩa trang Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/giao-su-vu-khieu-nguoi-dat-nen-mong-cho-nganh-xa-hoi-hoc-viet-nam-20211003150741241.htm