Giao thông đi trước mở đường
Để góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, thời gian qua, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “đi trước mở đường”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát chỉ đạo, định hướng của tỉnh, ngành đã tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững, hiệu quả gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, thương mại…
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra tiến độ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Mặc dù nguồn lực kinh tế còn khó khăn nhưng tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đầu tư từ ngân sách, ngành GTVT đã đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông, đẩy mạnh xã hội hóa thông qua việc thu phí, triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT,...; đồng thời kêu gọi vốn ODA từ các nhà tài trợ, tạo tiền đề giải bài toán tìm nguồn lực phục vụ nhu cầu không ngừng gia tăng về hạ tầng giao thông. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài, việc đầu tư cho hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông không chỉ góp phần tạo động lực mà còn đáp ứng nhu cầu bức thiết của thực tiễn. Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ huy động các nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông huyết mạch liên vùng, các dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa động lực tạo đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Trong những năm qua, nhiều tuyến đường, công trình giao thông quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Giai đoạn 1 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; cải tạo, nâng cấp QL.38, cầu Hưng Hà, cầu La Tiến; cải tạo, nâng cấp ĐH.17 kéo dài đến ĐT.379 và chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tưởng niệm đồng chí Tô Hiệu và đồng chí Lê Văn Lương; dự án nâng cấp cầu Hồng Tiến; dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp ĐT.387 (Lương Tài - Bãi Sậy); dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn tuyến nối ĐT.379 với QL.39 và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp ĐT.382 đoạn từ Km0+00-Km8+00; dự án nâng cấp cải tạo ĐT.378 (đê tả sông Luộc),...
Giai đoạn 2021 đến nay, hệ thống kết cấu giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư với nhiều công trình giao thông trọng điểm được khởi công xây dựng mang tính đột phá, góp phần đưa Hưng Yên thay đổi diện mạo mới, vị thế mới như: Giai đoạn 2 dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh; dự án đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh; dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục ngang kết nối QL.39 với ĐT.376; dự án nâng cấp cải tạo ĐT.380 đoạn Km0-Km2+800 kết nối với tỉnh Bắc Ninh; dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.382B đoạn Km0-Km 14+420 (nhánh phải)… Sở GTVT đang tích cực tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các công trình mang tính trọng điểm, kết nối vùng, kết nối liên vùng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung triển khai các tuyến trục ngang, trục dọc vùng phía Đông, Tây của tỉnh để khai thác hiệu quả quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Dự án ĐT.387 kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; dự án xây dựng đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378) kết nối cầu La Tiến và định hướng phát triển tiếp về thành phố Thái Bình; dự án Đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; dự án xây dựng đường Chí Tân - Toàn Thắng (QL.39); dự án đường Chính Nghĩa - Phú Cường; dự án đường Vân Du - Phù Ủng; dự án đường 376B; đường hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ĐT.382B); dự án xây dựng các cảng du lịch La Tiến, Bình Minh, Yên Lệnh... Cùng với đó, nhờ sự đầu tư của Nhà nước kết hợp ngân sách địa phương và đóng góp từ sức dân, giao thông nông thôn của tỉnh cũng đạt nhiều kết quả tích cực với hàng nghìn km đường liên huyện, liên xã đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại. Những công trình giao thông huyết mạch mang tính chiến lược này không chỉ góp phần phát triển hạ tầng GTVT của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại mà còn làm đòn bẩy phát triển kinh tế nhờ “đi trước một bước” tăng sức cạnh tranh thu hút đầu tư.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 của tỉnh xác định 1 trong 3 đột phá là “Tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại - dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển…”, thời gian tới, ngành GTVT tập trung huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tập trung đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế; ưu tiên đầu tư các công trình tăng tính kết nối với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh trong khu vực; chú trọng phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt… Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường vành đai 3,5; tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; nút giao Tân Phúc kết nối QL. 38 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ĐT.382B); đường trục ngang kết nối QL.39 (Km22+250) với ĐT.376...
Trần Minh Hải
Giám đốc Sở Giao thông vận tải
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202304/giao-thong-di-truoc-mo-duong-6480540/