Giao thông đường thủy tại TPHCM 'tắc' vì cầu thấp
Theo Sở GTVT TPHCM, hệ thống đường thủy trên địa bàn thành phố có tổng chiều dài 975 km, đạt mật độ bình quân 0,181 km/1.000 dân.
TPHCM có lợi thế gần 1.000 km đường thủy. Theo nhiều chuyên gia, nếu tiềm năng giao thông thủy nội địa được phát huy và khai thác tốt, không chỉ có cơ hội gia tăng nguồn lực kinh tế, mà còn giảm áp lực vận tải cho giao thông đường bộ.
“Ngủ đông” trên nền tảng quy hoạch cũ
Theo Sở GTVT TPHCM, hệ thống đường thủy trên địa bàn thành phố có tổng chiều dài 975 km, đạt mật độ bình quân 0,181 km/1.000 dân. Tính ra, TPHCM có mật độ đường thủy đạt bằng 73% so với ĐBSCL, khu vực vốn dĩ có mật độ đường thủy cao nhất nước.
Toàn thành phố hiện có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 598,7 km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, với chiều dài hơn 100 km. Tuy nhiên, chỉ có 8 tuyến đạt cấp quy hoạch như tuyến kênh Thanh Đa, Rạch Tôm, Rạch Giồng...
Các tuyến đường thủy còn lại không đạt cấp quy hoạch vì luồng tuyến bị bồi lắng chưa được nạo vét, độ tĩnh không, khẩu độ thông thuyền của một số cầu chưa đạt cấp kỹ thuật do chưa được cải tạo, xây mới.
Thực trạng này khiến cho việc kết nối các tuyến giao thông thủy liên tỉnh của TPHCM gặp khó, cản trở sự phát triển và hiệu quả khai thác.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều năm qua, TPHCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để sạch hóa và nạo vét kênh mương, kè bờ kênh, thông luồng tuyến trên sông Sài Gòn. Dù chi ngàn tỷ, nhưng việc “tắc” luồng vận chuyển hàng hóa thông tuyến liên tỉnh giữa TPHCM với các tỉnh lân cận vẫn chưa hiệu quả.
Hiện nay, điểm “tắc” đầu tiên tuyến giao thông thủy liên tỉnh của TPHCM có thể kể đến là cầu Bình Phước 1 (bắc qua sông Sài Gòn, nối TP Thủ Đức với Quận 12). Đây là tuyến đường thủy huyết mạch để tàu hàng từ Bình Dương, Tây Ninh di chuyển đến các cảng ở TPHCM. Độ tĩnh không của cầu hiện nay khi thủy triều lớn chỉ khoảng 5 - 6m khiến việc di chuyển tàu hàng khó khăn.
Điểm “tắc” thứ hai là cầu Bình Triệu 1 nối Thủ Đức với quận Bình Thạnh. Điểm “tắc” này gây khó khăn lớn với tàu thuyền trên sông Sài Gòn khi mực nước lên cao. Lý do, độ tĩnh không cũng chỉ tương đương cầu Bình Phước.
Cầu Kinh (nối Bình Thạnh qua bán đảo Thanh Đa, thuộc nhánh của sông Sài Gòn) dù xây mới nhưng độ tĩnh không khi có thủy triều lên cũng chỉ đạt 4 - 5m, khiến việc lưu thông tàu hàng gần như không thể.
Ngoài sông Sài Gòn, hàng loạt cầu bắc qua các kênh rạch trong lõi nội đô như các cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm qua địa phận 7 quận cũng đang có độ tĩnh không rất thấp (khoảng 2 - 3m), khiến cho hoạt động khai thác du lịch gặp khó.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng tiềm năng khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông, kênh rạch của TPHCM không những rất lớn, mà một khi hoạt động này được khai thác tốt, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa.
Hiện, TPHCM vẫn đang phát triển dựa trên nền tảng quy hoạch cũ. Dù đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để nạo vét kênh mương, thông tuyến nhưng rõ ràng tầm nhìn phát triển giao thông thủy nội địa vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của kênh rạch mà thành phố đang sở hữu.
Cần hơn 21.000 tỷ đồng để hóa giải
Cầu thấp và không đảm bảo độ tĩnh không để các tàu thuyền lớn lưu thông có nguyên nhân do lịch sử để lại, vì phần lớn các cây cầu bắc qua sông Sài Gòn hay nhánh của sông này vào các tuyến kênh rạch được xây từ hàng chục năm trước.
Chi phí đầu tư cho giao thông thủy nội địa của TPHCM vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của loại hình vận tải này. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiềm năng của sông Sài Gòn chưa được đánh thức.
Thống kê của Sở GTVT TPHCM cho thấy trong 5 năm qua, tổng vốn đã và đang đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy khoảng 1.488 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí dành cho đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ lớn hơn nhiều, là 27.272 tỷ đồng.
Theo tính toán của sở này, từ nay đến năm 2050, TPHCM cần hơn 21.000 tỷ đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa.
Ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó phòng Quản lý đường thủy, Sở GTVT TPHCM, cho biết: Toàn thành phố hiện nay có 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó có 151 cảng, bến vận tải hàng hóa, 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 27 bến khách ngang sông.
Giai đoạn 2022 - 2023, UBND TPHCM tập trung kêu gọi đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ TPHCM đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, đưa vào khai thác tuyến khi cầu bến phía huyện Côn Đảo hoàn thành việc đầu tư xây dựng; Phát triển tuyến phà biển Cần Giờ, TPHCM - Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Giai đoạn 2022 - 2025 và 2022 - 2030, thành phố tiếp tục tập trung phát triển các tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy gồm 4 nhóm chính: Tuyến đường thủy tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và phát triển các tuyến vận tải hành khách và du lịch đường biển.
Trong đó có các tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch từ Sài Gòn đi Quận 7 - Nhà Bè, Bình Lợi - quận Bình Thạnh, Chợ Đệm Bến Lức, Hiệp Phước - Nhà Bè, Vàm Thuật - rạch Bến Cát…
Để tháo gỡ các điểm “nghẽn” trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Bùi Xuân Cường đã có văn bản chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở GTVT và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu nghiên cứu nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (xây dựng năm 1975) theo đề nghị của Bộ GTVT để sớm có kế hoạch nâng độ tĩnh không cầu lên 7 - 9,5m theo quy định.
Mới đây, UBND TPHCM cùng Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cũng đã khởi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên qua địa bàn 7 quận với mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, cho biết, khi dự án hoàn thành sẽ khơi thông lại giao thông thủy kết nối các tỉnh miền Tây với vùng Đông Nam Bộ.