Giao thông lộn xộn, ùn ứ sau khi phân làn xe ở đường Nguyễn Trãi

Theo nhiều người dân, thí điểm phân làn phương tiện tách riêng ôtô, xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi sẽ cần thời gian để chủ xe thích nghi và quan trọng nhất vẫn là ý thức tham gia giao thông.

Nhiều đoạn đường Nguyễn Trãi, xe máy và ôtô vẫn đi chung một làn dù đã thí điểm phân làn phương tiện tách riêng 2 loại phương tiện này. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhiều đoạn đường Nguyễn Trãi, xe máy và ôtô vẫn đi chung một làn dù đã thí điểm phân làn phương tiện tách riêng 2 loại phương tiện này. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Từ ngày 6/8, Hà Nội đã tiến hành tổ chức thí điểm phân làn phương tiện tách riêng ôtô, xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) trong vòng 1 tháng.

Tuy nhiên, trong sáng thứ Hai (8/8) - ngày đầu tiên của tuần làm việc, người điều khiển phương tiện vẫn đi lại lộn xộn dẫn đến xung đột, ùn ứ.

Chưa thể “cưỡng bức” xe đi làn đường riêng

Ghi nhận của phóng viên vào lúc 7 giờ 45 phút, tại điểm phân làn (hướng từ hầm chui Thanh Xuân đi Ngã Tư Sở) đã đặt nhiều dải phân cách dài khoảng 50-100 mét ở nhiều đoạn để tách riêng ôtô, xe máy. Tuy nhiên, nhiều xe máy vẫn đi vào làn đường dành cho ôtô. Thậm chí, ở những đoạn đường không có dải phân cách cứng, xe máy lại "nhập thành một làn" với ôtô, không theo sự chỉ dẫn của lực lượng chức năng khiến giao thông hỗn loạn.

Tại điểm phân làn trước đoạn lên cầu vượt Ngã Tư Sở, xe máy đi làn trong cùng bị xung đột với dòng ôtô rẽ phải để đi làn dưới (không đi lên cầu vượt Ngã Tư Sở) khiến phương tiện “chôn chân”, ùn tắc cục bộ. Tương tự, tình trạng ôtô tập trung đi vào làn xe máy để rẽ phải khi hết đoạn phân làn cũng xảy ra tại nút Thanh Xuân (Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến), gây xung đột, ùn tắc kéo dài.

Thường xuyên di chuyển trục đường Nguyễn Trãi-Tôn Đức Thường để đến cơ quan làm việc, anh Nguyễn Tiến Mạnh, nhà ở phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) cho biết đường Nguyễn Trãi có mặt đường rộng, hạ tầng giao thông có đường sắt trên cao, xe buýt, cầu vượt cho người đi bộ… nhưng vào giờ cao điểm luôn rơi vào cảnh ùn tắc.

Lý do được anh Mạnh chỉ ra là do lượng phương tiện giao thông đi từ phía quận Hà Đông vào khu vực các quận trung tâm thành phố làm việc đông, trong khi người điều khiển phương tiện đi lại lộn xộn, nguy cơ tiềm ẩn va chạm giao thông thường trực.

“Việc lắp dải phân cách cứng để ‘cưỡng bức’ phương tiện ôtô, xe máy đi làn đường riêng là ý tưởng phù hợp với hạ tầng gia giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, giúp các phương tiện dễ di chuyển hơn, góp phần làm giảm tình trạng tắc đường,” anh Mạnh nhìn nhận.

Thực tế cho thấy trong những ngày đầu triển khai trong thực hiện phân làn, nhiều người dân vẫn giữ thói quen cũ khi đi vào làn dành cho ôtô. Chị Lê Ngọc Ánh, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết dù tuyến đường đã có các biển báo phân chia làn đường, phương tiện được phép đi vào từng làn, song có lẽ phải sau một thời gian người dân mới quen hơn với việc phân làn này.

Khi di chuyển qua tuyến đường này, chị Ánh cũng góp ý việc ngăn cách đứt quãng sẽ càng gây ra tắc đường bởi nhiều người rẽ sang trái vào làn, xong lại rẽ phải đi ra ngoài nên càng tắc. Nếu cơ quan chức năng lắp dải phân cách cứng ở vị trí không phù hợp thì rất có thể nó lại gây cản trở giao thông. Chưa kể, hệ thống biển báo đang rất thiếu, nếu vắng bóng lực lượng chức năng sẽ dễ dẫn đến giao thông hỗn loạn.

Sẽ chỉnh sửa nếu chưa phù hợp

Lái xe tuyến buýt 21A (Bến xe Giáp Bát-Bến xe Yên Nghĩa) Nguyễn Văn Trung bày tỏ sự đồng tình với việc phân làn phương tiện này bởi xe buýt sẽ có làn đường rành riêng và tránh tình cảnh vừa đi ra giữa đường lại phải rẽ vào điểm chờ bố trí sát vỉa hè đường.

Theo anh Trung, trước kia, đường Nguyễn Trãi-Trần Phú (Hà Đông) có làn đường dành riêng cho xe buýt nên vận tốc trung bình đạt khoảng hơn 20km/giờ. Khi thi công đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, làn đường riêng đã bị tạm dừng để lấy mặt bằng triển khai dự án khiến xe buýt gặp nhiều khó khăn khi lưu thông trục đường này.

“Hiện tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) được tách bố trí 2 làn sát vỉa hè cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt được phép hoạt động sẽ giúp lái xe ‘dễ thở’ và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy vận tải hành khách công cộng khi tốc độ xe lưu thông nhanh, thời gian rút ngắn và đúng giờ,” anh Trung kỳ vọng.

Xe ôtô và xe buýt chấp hành rất tốt việc phân làn đường nếu so với xe máy. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xe ôtô và xe buýt chấp hành rất tốt việc phân làn đường nếu so với xe máy. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đại diện Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết tổng chiều dài dải phân cách là 748m, trong đó hướng đi Ngã Tư Sở có chiều dài dải phân cách là 385m, hướng đi hầm chui Thanh Xuân, dải phân cách có chiều dài là 353m được chia thành 11 đoạn.

Trong quá trình thí điểm, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu thực tế, lấy ý kiến đóng góp của người dân để điều chỉnh sao cho phù hợp, tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông thuận lợi đồng thời lực lượng Thanh tra giao thông của Sở phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội tổ chức, hướng dẫn phân luồng giao thông và tuyên truyền cho người dân chấp hành. Sau thời gian thí điểm, lực lượng chức năng sẽ có biện pháp xử lý để người dân tuân thủ.

Nếu việc phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi đạt hiệu quả, Sở Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu để áp dụng trên tuyến đường khác của thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội cho rằng việc phân làn là rất cần thiết. Trong giai đoạn ý thức người dân chưa tốt, chưa có thói quen lưu thông đúng làn, nên áp dụng dải phân cách cứng. Khi ý thức được cải thiện lại, cơ quan chức năng có thể điều chỉnh sử dụng phân cách mềm bằng vạch sơn liền./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/giao-thong-lon-xon-un-u-sau-khi-phan-lan-xe-o-duong-nguyen-trai/809822.vnp