Giao thông TP HCM cần được gỡ khó
Có vai trò xương sống nhưng nhiều công trình giao thông quan trọng tại TP HCM đã hoặc đang gặp trở ngại, ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung
Tại buổi làm việc mới đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đánh giá giao thông tại TP HCM hiện nay ách tắc khắp nơi. Tình hình này sẽ còn nghiêm trọng hơn trong bối cảnh dân số tăng, kinh tế - xã hội phát triển.
Đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài: Cần lắm rồi
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn cho thấy hệ thống hạ tầng giao thông tại vùng Tây Bắc của TP HCM chưa tương xứng với tiềm năng. Quốc lộ 22 nối trung tâm thành phố tới vùng này có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển, song lại thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Tại nút giao giữa Quốc lộ 22 với các đường Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn), dù có dải phân cách giữa làn ôtô và xe máy nhưng khi vào giờ cao điểm, nhiều xe máy vẫn len lỏi vào làn ôtô gây nhiều rủi ro tai nạn. Tương tự, đoạn đi qua địa bàn huyện Củ Chi từ đoạn giao với Nguyễn Thị Rành hướng về phía Tây Ninh bị thu hẹp, dải phân cách không còn, xe máy phải trộn dòng với ôtô tải.
Nhiều tuyến đường chính kết nối khu Tây Bắc TP HCM với các tỉnh Long An, Bình Dương như Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 15, Tỉnh lộ 7 đã quá tải nhiều năm nay. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, các tuyến này chưa được quan tâm tương xứng như kỳ vọng”.
Thường xuyên lưu thông trên Quốc lộ 22, tài xế Nguyễn Tấn Trường (quận 7) cho biết mỗi tuần anh đều có chuyến hàng chở từ cảng Cát Lái lên Tây Ninh. Trước đây, khi chưa có hầm chui tại nút giao An Sương, việc đi lại vô cùng gian nan vì thường xuyên ùn ứ khu vực này. Tới khi hầm chui có thì khó khăn lại tiếp diễn ở nút giao Quốc lộ 22 - Nguyễn Ảnh Thủ, Quốc lộ 22 - Nguyễn Văn Bứa, nhất là giờ tan tầm, dòng xe nhích từng chút, có khi kéo dài hơn 1 km, cánh tài xế rất mệt mỏi. "Nghe tin đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài khởi công nay mai, cánh tài xế chúng tôi rất mừng vì đi lại sẽ thông suốt hơn, giảm chi phí xăng dầu, chi phí lưu bãi..." - anh Trường hy vọng.
Đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài mà anh Trường nói tới khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN. Dự án đang được TP HCM và tỉnh Tây Ninh khẩn trương thực hiện các thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý II/2022, dự kiến khởi công năm 2023, đặt mục tiêu hoàn thành năm 2026.
5 năm chưa xong hơn 3 km đường song hành
Đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng, khởi công tháng 4-2017, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng thi công. Cùng với các tuyến giao thông quan trọng như đại lộ Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Vành đai 2, Lương Định Của, đường song hành sẽ góp phần hoàn chỉnh thông khu vực phía Đông thành phố, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Hơn nữa, đường song hành sẽ giúp giải tỏa áp lực giao thông khu vực nút giao An Phú và có thể kích hoạt các dự án bất động sản dọc tuyến cao tốc.
Đường song hành này nối đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2. Dự án gồm 2 đoạn, tổng chiều dài hơn 3,3 km; rộng 20 m, 4 làn xe. Trong đó, đoạn 1 dài hơn 2,7 km từ đường Mai Chí Thọ đến điểm cuối là đường Đỗ Xuân Hợp, đoạn 2 dài hơn 600 m có điểm đầu là đường D11 và điểm cuối là Vành đai 2. Trên tuyến còn có 3 cây cầu Bà Dạt, Mương Kênh, Bà Hiện. Tuy vậy, sau 5 năm, dự án vẫn dở dang vì vướng mắc liên quan đến quỹ đất thanh toán hợp đồng BT và mặt bằng thi công.
Ngay đầu tuyến, nhịp chính cầu Bà Dạt nằm trơ trọi dưới kênh "trơ gan cùng tuế nguyệt", xung quanh cỏ mọc um tùm. Cầu Mương Kênh xong phần kết cấu chính, người dân mòn mỏi chờ ngày làm đường dẫn 2 đầu cầu. Cả dự án chỉ có nơi đây xuất hiện vài chiếc xe đang thi công.
Vượt qua đường Đỗ Xuân Hợp, đường song hành ngừng lại trước một chung cư, cầu Bà Hiện và vài trăm mét ra Vành đai 2 vẫn chưa được triển khai thi công. Đến nay, dự án mới hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc.
Ra cầu Mương Kênh tập thể dục mỗi chiều, ông Nguyễn Văn Hoàng (phường An Phú) đau đáu: "Người dân rất kỳ vọng đường song hành giải quyết bài toán giao thông trong khu vực nhưng chờ hoài không thấy thông đường".
Còn ông Trần Văn Tám (phường Phú Hữu) nói nếu có đường song hành thì không phải chạy xe máy trên cao tốc. Trước đây, để thuận tiện cho người dân đi lại, cơ quan phân làn trên cao tốc cho xe máy chạy từ An Phú đến Vành đai 2 (4 km). Tuy di chuyển thuận tiện nhưng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người, cơ quan chức năng cũng treo biển cảnh báo. "Tôi chỉ mong sớm có đường song hành để ngoài việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, người dân phía Đông thành phố đi lại dễ dàng và an toàn hơn" - ông Tám mong ngóng.
Vẫn "bí" ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết dự kiến đầu quý II năm nay sẽ khởi công trước 1 gói thầu hầm chui nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình).
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa dài 4 km có tổng vốn 4.800 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm gần 1.500 tỉ đồng và hơn 2.400 tỉ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn lại là kinh phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng...
Công trình làm đường rộng từ 25 - 48 m cho 6 làn xe. Đồng thời, xây 2 hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (dài 42 m, 2 làn xe) và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (dài 35 m, 2 làn xe). Dự án còn làm một cầu vượt trước ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dài gần 1 km cho 4 làn xe.
Dự án không chỉ giúp kết nối vào nhà ga T3 mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hệ thống tại khu vực quận Tân Bình Theo ông Lương Minh Phúc, đây là dự án cấp bách, cần sớm khởi công để kịp hoàn thành, kết nối vào nhà ga T3 sân bay.
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã thống nhất phương án một phần dự án đi qua đất do Bộ Quản lý. UBND TP HCM cũng đã chỉ đạo quận Tân Bình cùng các sở, ngành đẩy nhanh để sớm bàn giao đất cho dự án. Tuy nhiên, hiện TP HCM vẫn chờ Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khoảng 11,8 ha đất quốc phòng với hình thức Bộ Quốc phòng chuyển giao cho địa phương quản lý để nhanh chóng triển khai thực hiện dự án.
Công ty vận hành metro 1 cạn kinh phí
Một công trình khác là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng đang vướng mắc. Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài 19,7 km (gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao), với 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son. Đến nay, dự án đạt gần 90% khối lượng công việc, dự kiến vận hành thương mại năm 2023. Tuyến metro được kỳ vọng góp phần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân thành phố, qua đó góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Ở dự án trên, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) - đơn vị vận hành tuyến metro số 1 - thuộc UBND TP HCM với 100% vốn nhà nước, được thành lập năm 2015, với vốn điều lệ 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ khi thành lập, HURC1 chỉ được cấp vốn điều lệ để mua sắm trang thiết bị cơ bản; kinh phí hoạt động chưa được UBND TP HCM cấp theo đề án trong khi nguồn thu không có. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thiện dự án.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/giao-thong-tp-hcm-can-duoc-go-kho-20220419212257566.htm