Giao thông vận tải tương lai sẽ hướng đến giải pháp bền vững

Taxi bay, xe tự hành và tên lửa tái sử dụng sẽ là một số giải pháp giao thông vận tải trong tương lai mà các nhà phát minh trên toàn thế giới đang nỗ lực biến thành hiện thực, trong khi bằng sáng chế cho động cơ đốt trong đang 'chậm lại', theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hợp quốc.

 Một chiếc xe tự hành ở thành phố San Francisco, tiểu bang California, Mỹ. Ảnh minh họa: Unsplash

Một chiếc xe tự hành ở thành phố San Francisco, tiểu bang California, Mỹ. Ảnh minh họa: Unsplash

Đây là những thông tin mới nhất được thu thập từ các hồ sơ nộp bằng sáng chế trong báo cáo “Xu hướng công nghệ về tương lai của giao thông vận tải” của WIPO, cung cấp cái nhìn về một tương lai không quá xa vời, nơi ô nhiễm giao thông thấp hơn, tình trạng ùn tắc giao thông ít hơn và hoạt động đi lại bằng đường hàng không đến bên kia bán cầu sẽ chỉ mất vài giờ đồng hồ.

“Phân tích các bằng sáng chế cho thấy các nhà phát minh đang nỗ lực hết mình để đảm bảo cách chúng ta di chuyển trong tương lai sẽ sạch hơn và tốt hơn so với hiện nay”, WIPO khẳng định; đồng thời cho biết, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế cho các giải pháp giao thông vận tải trong tương lai đã tăng 700% trong hai thập kỷ qua, từ 15.000 phát minh vào năm 2003 lên 120.000 phát minh trong năm 2023.

WIPO nhấn mạnh: “Tàu tự hành và cảng thông minh đang cách mạng hóa giao thông trên biển; trong khi đó, xe điện, tàu cao tốc và các hệ thống quản lý giao thông thông minh đang thúc đẩy sự thay đổi trên đất liền”.

Ngoài ra, máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng đang mở ra những phương thức mới để di chuyển bằng đường hàng không, trong khi tên lửa tái sử dụng và công nghệ vệ tinh đang thúc đẩy những gì có thể vượt ra ngoài bầu khí quyển của Trái đất.

Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự công nhận rằng giao thông vận tải chiếm hơn 1/3 lượng khí thải CO2 trên toàn cầu, điều này đã khuyến khích sự phát triển đối với các công nghệ bền vững, giúp giảm tác động của giao thông đến môi trường.

Bên cạnh đó, số hóa cũng đang cách mạng hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Cụ thể, WIPO chỉ ra sự gia tăng của xe tự hành, được dự kiến sẽ tạo ra doanh thu từ 300 - 400 tỷ USD vào năm 2035.

Theo cơ quan này, sự cạnh tranh đang diễn ra rất mạnh mẽ, khi các công ty giành quyền tiếp cận những loại khoáng sản đất hiếm, trong khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang chiếm vị trí trung tâm.

Mặt khác, báo cáo của WIPO cũng cho thấy sự tăng trưởng chậm lại trong hoạt động cấp bằng sáng chế cho các sản phẩm cũ, như động cơ đốt trong và các hệ thống chạy bằng nhiên liệu hóa thạch khác.

Dữ liệu của cơ quan này chỉ ra, hơn 1,1 triệu phát minh đã định hình lại ngành giao thông vận tải kể từ năm 2000, mở ra triển vọng về các giải pháp thay thế bền vững cho các hệ thống chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như pin năng lượng tái tạo, taxi bay và tàu chở hàng tự lái.

Đáng chú ý, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đức là những quốc gia dẫn đầu trong sự chuyển đổi này, đại diện cho những nhà phát minh hàng đầu của thế giới. Bằng sáng chế về vận tải đường bộ chiếm ưu thế trong các hồ sơ nộp trên toàn cầu, cao gấp 3,5 lần so với tổng số bằng sáng chế về vận tải hàng không, đường biển và vũ trụ. Trong khi đó, Mỹ đã nộp nhiều bằng sáng chế quốc tế nhất.

Lĩnh vực tăng trưởng lớn nhất trong việc cấp bằng sáng chế liên quan đến động cơ bền vững, chẳng hạn như pin cho xe điện hoặc pin nhiên liệu hydrogen, đại diện cho những nỗ lực đảm bảo con người và hàng hóa được di chuyển một cách “sạch hơn và thân thiện hơn với khí hậu”.

LÊ THẢO (Lược dịch từ UN News & WIPO)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/giao-thong-van-tai-tuong-lai-se-huong-den-giai-phap-ben-vung-150744.html