Giao thông Việt Nam thường xuyên ùn tắc vì những nguyên nhân nào?

Cả nước đang có hơn 14 triệu xe máy và số lượng đăng ký xe mới hằng năm tiếp tục tăng trong khi hạ tầng giao thông không theo kịp.

Chương trình "Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2023” vừa được Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công An) phối hợp với Báo điện tử Dân trí, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.

Tai nạn giao thông vẫn là vấn nạn nhức nhối

Tại buổi phát động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho rằng, TNGT là vấn đề nhức nhối của xã hội, gia đình nạn nhân chính là những người đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại.

Ngoài cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người, TNGT còn kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề, khiến nhiều gia đình mất đi trụ cột, lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, bế tắc, vợ mất chồng, con trẻ bỗng chốc mồ côi.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại buổi phát động chương trình

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại buổi phát động chương trình

Năm nay là năm thứ 2, chương trình “Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam” được tổ chức. Chương trình đề xuất 3 sáng kiến áp dụng vào thực tế tại Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, gồm: Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông; hệ thống phát hiện và cảnh báo giao thông thông minh; ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam và áp dụng vào xây dựng mô hình “tỉnh an toàn giao thông” tại Bắc Ninh.

“Tôi tin tưởng rằng, ngoài việc huy động sức mạnh, trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân góp phần đưa ra giải pháp giải quyết thực trạng giao thông, giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, chương trình sẽ là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về trật tự ATGT với người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Lượng phương tiện tăng cao, đường vành đai cũng ùn tắc

Tại buổi tọa đàm nằm trong chương trình "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023", Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, đồng thời là Trưởng ban tổ chức chương trình đã có những chia sẻ về những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông ở nước ta.

Theo thống kê, hiện nay cả nước đang có hơn 14 triệu xe máy, chưa kể số lượng phương tiện đăng ký hằng năm sẽ tăng 4 - 5%, đồng nghĩa với việc ngay ở thời điểm hiện tại, vấn đề ùn tắc đã xảy ra ở những tuyến đường lớn, thậm chí là những tuyến đường vành đai.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại buổi tọa đàm

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT phát biểu tại buổi tọa đàm

Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, về hạ tầng giao thông ở Việt Nam chỉ mới đạt được từ 10-15%. Trong khi đó theo hoạch định từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, hạ tầng giao thông cho giao thông tĩnh phải đạt được từ 20-25%.

Về tổ chức giao thông, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã rất cố gắng tìm nhiều giải pháp, thậm chí có những tổ chức quốc tế cùng nghiên cứu tổ chức giao thông ở Việt Nam như thế nào để phù hợp.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Biên tập báo Dân trí cùng các khách mời bấm nút phát động chương trình "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023"

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Biên tập báo Dân trí cùng các khách mời bấm nút phát động chương trình "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023"

Trong chương trình còn có cuộc thi “Sáng kiến An toàn giao thông” với 3 chủ đề chính là giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông; Phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; Thiết lập kỷ cương pháp luật trong giữ gìn trật tự ATGT. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 312 triệu đồng.

Nguyễn Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/giao-thong-viet-nam-thuong-xuyen-un-tac-vi-nhung-nguyen-nhan-nao-d587975.html