Giao thừa năm xưa ngồi trông ba mẹ

Tết với tôi xúc động nhất là thời khắc Giao thừa. Dịp đó, tôi luôn ưu tiên chọn ở cùng ba mẹ, chỉ khi ở bên ba mẹ, tôi mới thấy được che chở và bảo vệ bởi tôi đã từng có trải nghiệm bước qua năm mới mà ba mẹ còn tất bật trên đường.

Thời ấy, cách đây khoảng 30 năm, gia đình tôi có một chiếc xe đò, chạy từ quê lên Bến xe Miền Đông - đi về trong ngày, ba làm tài xế còn mẹ thì đi theo thu tiền, rước khách, làm tất cả những việc phụ linh tinh. Những ngày giáp tết, nhu cầu về quê tăng cao, năm nào ba mẹ cũng đăng ký chạy tăng cường ở những tuyến xa như TPHCM - Bình Định, TPHCM - Nha Trang, TPHCM - Quãng Ngãi.

Những lần đi miền Trung, ba mẹ đi tới hai ngày, chúng tôi ba đứa trẻ nít ở nhà tự coi sóc, bảo ban nhau. Có lần ba mẹ đi mà chuyến xe khởi hành khá trễ, mẹ gọi điện thoại bàn về dặn dò đủ thứ, đặc biệt mẹ nói: “Nếu tới Giao thừa mà ba mẹ chưa về thì con tự cúng, xong khóa cửa cẩn thận đi ngủ nghe. Kể từ lúc đó, lòng tôi nôn nao lo sợ nhưng cũng tự thấy trách nhiệm của mình, phải thay ba mẹ cúng kiếng và giữ tinh thần cho các em.

Hôm ấy ở nhà, ba chị em đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mọi thứ đã sẵn sàng đón Giao thừa. Từ lúc 9 giờ đêm, ba đứa ra ngồi ngoài bậc thềm nhà, trông ánh đèn và tiếng máy xe quen thuộc. Ban đầu chúng tôi còn nói cười rôm rả sau không khí lặng dần, trĩu nặng nỗi lo lắng, một phần vì tối khuya không có người lớn ở nhà, chúng tôi sợ và lớn hơn nữa lo ba mẹ trên đường xe cộ bất trắc.

Đứa em út chốc chốc cứ ôm cánh tay chị mà hỏi: “Ủa sao ba mẹ còn chưa về?”, mỗi lần nó hỏi là chị nó lại thêm sốt ruột nhưng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Đến 12 giờ, khi nhà hàng xóm bắt đầu nổi vài loạt pháo hoa thì tôi giục hai em phụ chị soạn bánh trái, hoa, nhang đèn... Rồi cứ theo lời mẹ dạy mà khấn với trời đất, tôi cảm nhận giây phút thiêng liêng và tự dưng nghĩ nỗi bơ vơ của ba chị em giờ Giao thừa không có ba mẹ mà mủi lòng cay khóe mắt.

Khuya đó, ba mẹ về lúc chúng tôi đã ngủ say. Ba mẹ mang về mùa xuân xa xỉ với hai chậu cúc rất to, mẹ nói: “Đi ngang Nha Trang đêm 30, thấy người bán hoa còn nhiều nên mua chứ ở nhà đã có cành mai của ngoại cho và rất nhiều hoa vạn thọ. Mẹ còn nói: "Lỡ năm này thôi, mai mốt có bao nhiêu tiền cũng không đi xa, Giao thừa mà còn trên xe lang thang ngoài đường, nhìn vô nhà người ta đông vui, nghĩ tới ba đứa con ở nhà mà chảy nước mắt".

Bây giờ không biết có còn các chuyến xe tăng cường chở mọi người về quê vào những ngày cuối cùng của năm, trả khách xong quay đầu xe, chạy vội vã trên đường vắng vì ở nhà, những đứa con đang đợi mùa xuân về từ sự hiện diện của cha mẹ để cảm thấy đủ đầy và yên tâm.

Cũng kể từ Giao thừa năm ấy cho mãi về sau, dù đi đâu và làm gì tôi cũng thấy Tết ở bên ba mẹ thì xuân mới trọn vẹn. Hơn chục năm nay, năm nào tôi cũng về nhà đón Giao thừa cùng ba mẹ. Thỉnh thoảng bạn bè rủ rê, tôi cũng thoáng ý nghĩ hay là mình làm du khách đón tết ở một nơi xa để thử cảm giác nhưng rồi tôi lập tức xua đi vì vẫn thích đón Giao thừa ở nhà cùng ba mẹ. Hơn nữa, hai em đều có gia đình, năm nào cũng phải mùng 1, mùng 2 mới có mặt ở nhà, nếu tôi mà vắng mặt nữa chắc ba mẹ sẽ cảm thấy hiu quạnh trong lúc các gia đình xung quanh đang vui vầy sum họp.

Năm nào cũng cùng một nhịp, đêm 30, mẹ soạn bánh cúng hoa quả xong thì ngủ sớm, ba để báo thức dậy trước 12 giờ chừng 15 phút để nấu nước pha trà, dọn mâm cúng, thay quần tây áo sơ mi chỉnh tề rồi thắp hương. Mẹ dậy mặc áo khoác cho ấm rồi lấy một nắm hạt bắp cất vào túi áo, đi quanh vườn, lát sau mẹ vô nhà dúi cho mỗi người một nắm bắp hạt kèm lời chúc: “Năm mới chắc như bắp nghen!”. Năm nào Giao thừa của tôi cũng nhẹ nhàng như thế. Tôi biết ơn sự bình an, ấm áp này và không mong cầu gì hơn.

NGUYỆT CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giao-thua-nam-xua-ngoi-trong-ba-me-post724938.html