Giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh thành phố năm 2019: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương
Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất các tỉnh thành phố kết nối với hệ thống thống phân phối trong cả nước, chiều 20/11, UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh thành phố trong cả nước năm 2019.
400 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất của 58 tỉnh thành phố; 515 doanh nghiệp phân phối, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, bếp ăn tập thể... và khoảng gần 60 Sở Công Thương các tỉnh, thành đã tham gia Hội nghị Giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh thành phố năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội", trong những năm qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong năm 2019, TP. Hà Nội tổ chức rất nhiều đoàn công tác tại các địa phương, triển khai hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành phố như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Đà Nẵng, Bình Dương... qua đó đẩy mạnh hợp tác phát triển các lĩnh vực giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Kết quả, trong giai đoạn 2018 - 2019, TP. Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 24 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội, đã có trên 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ. Nhiều nông sản thực phẩm của các địa phương được các đơn vị của Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu, được các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá đến người tiêu dùng Thủ đô.
Năm 2019, có nhiều rất nhiều tỉnh, thành phố đạt trên 1.000 tỷ đồng doanh thu kết nối các sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận... Ngoài ra có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã kết nối sản phẩm các địa phương tiêu thụ tại kênh phân phối trên địa bàn thành phố gồm: Hệ thống Vinmart, BigC Thăng Long, Saigon Co.op Hà Nội, siêu thị Đức Thành, các hệ thống chuỗi...
Điển hình, các hệ thống phân phối đã hỗ trợ cho rất nhiều tỉnh tổ chức các tuần hàng giới thiệu sản phẩm như BigC Thăng Long, Hapro... giúp các tỉnh quảng bá được sản phẩm, được nhiều người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến, tin dùng. Giá thành bán tại Hà Nội đã dẫn dắt được giá thu mua tại các nhà vườn giúp người nông dân có thu nhập cao trong các mùa vụ, đồng thời hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ sản phẩm khi bị dư cung cao không lấy lãi.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân do, sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý chất lượng sản phẩm cả trong quá trình trồng trọt và quá trình lưu thông. Các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo hướng tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm... Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường của các doanh nghiệp, địa phương chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh thành phố trong cả nước năm 2019 là hoạt động hết sức cần thiết và có giá trị thực tiễn rất cao.
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong công tác kết nối cung cầu và bình ổn thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kết quả đạt được hôm nay là minh chứng sinh động cho nỗ lực không ngừng của các Sở, ban, ngành toàn Thành phố, có những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong việc thực hiện Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thông qua các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh thành phố, nhiều nông sản thực phẩm các địa phương được các đơn vị Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá người tiêu dùng Thủ đô biết đến, ưu tiên lựa chọn. “Ngoài việc tập trung công tác bình ổn cung cầu, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô cũng như các tỉnh thành phố xung quanh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị.
Cùng với yêu cầu khắt khe trong việc đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại của Hà Nội thì xu hướng của người tiêu dùng cũng đòi hỏi các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý... Do đó, nếu các sản phẩm không đảm bảo các yêu cầu trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ.
Để có nguồn sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng tốt, tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai, định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, đảm bảo đủ nguồn cung các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng... Đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn; bố trí kinh phí, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có hiệu quả, đặc biệt là các chương trình liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; ký kết hợp tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và nước ngoài cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam...
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Hội nghị giao thương kết nối cung cầu gắn với sự kiện Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2018 tại Hà Nội... là một chuỗi sự kiện liên kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của Hà Nội và các địa phương một cách ổn định, bền vững. Hà Nội sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong công tác kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó cùng các địa phương đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, cũng như thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019.
Một số hình ảnh tại hội nghị: