Giáo viên Cần Thơ chủ động trong từng tiết dạy

Giảng dạy Chương trình GDPT mới ở khối lớp 1, các giáo viên tại Cần Thơ đã phát huy quyền chủ động, tùy theo điều kiện triển khai và đặc thù địa phương mà tổ chức dạy học phù hợp. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong tập thể nhà trường, phụ huynh và việc học của học sinh thuận lợi hơn.

HS lớp 1 - Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) tự tin học môn Tiếng Việt.

HS lớp 1 - Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) tự tin học môn Tiếng Việt.

Tôn trọng quyền chủ động của giáo viên

Cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết: Chương trình là “pháp lệnh” còn SGK là tài liệu, nên nhà trường giao quyền chủ động cho giáo viên trong công tác giảng dạy. “Giáo viên sẽ lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với đặc điểm học sinh của lớp mình. Theo đó, tại các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên họp thống nhất và chủ động đưa ra hướng nghiên cứu bài học, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngữ liệu gần gũi với học sinh. Đồng thời nếu có sự việc, tình huống đột xuất, giáo viên sẽ chủ động họp để xử lý và báo cáo lãnh đạo...”, cô Huyền cho biết.

Theo chia sẻ của giáo viên đang dạy lớp 1, tùy đặc điểm tâm lý, tư duy, khả năng hợp tác, sáng tạo, mức độ mạnh dạn, kỹ năng, ngôn từ của học sinh và những điều kiện cụ thể khác của lớp học, giáo viên quyết định hình thức tổ chức hoạt động phù hợp. Đó có thể là làm việc nhóm nhỏ hay nhóm lớn, dùng phiếu bài tập hay phần mềm dạy học, tổ chức trò chơi hay thảo luận nhóm… Ví dụ, trong giờ Kể chuyện, giáo viên một lớp có thể hướng dẫn học sinh dựa vào tranh kể lại từng đoạn truyện đã nghe. Còn giáo viên lớp khác có thể tổ chức cho học sinh kể chuyện theo hình thức phân vai...

Nếu như theo chương trình cũ, trả lời cho câu hỏi “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?”, Chương trình GDPT 2018 tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”. Do đó, phương pháp dạy học thích hợp nhất để thực hiện việc dạy học theo chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 là tổ chức hoạt động, lấy học sinh làm trung tâm. Bản chất của phương pháp này là tích cực hóa hoạt động của người học. Trong đó, giáo viên đóng vai trò người tổ chức các hoạt động của học sinh, mỗi học sinh đều được hoạt động, được bộc lộ mình và phát triển.

“Ngoài việc giao cho nhà trường chủ động trong công tác chọn SGK, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã giao quyền chủ động, linh hoạt trong công tác giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, các trường tiểu học đã xây dựng kế hoạch, phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm, tình hình, năng lực của học sinh tại từng đơn vị. Nhờ thực hiện giải pháp này việc triển khai Chương trình GDPT mới ở khối lớp 1 ổn định”, ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết.

Thầy, trò Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.

Thầy, trò Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.

Không tạo áp lực, không giao bài tập về nhà

Đầu năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học. Trong đó, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tiểu học bố trí học sinh/lớp theo Điều lệ Trường tiểu học. Chủ động xây dựng thời khóa biểu khoa học. Bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa nội dung dạy học và hoạt động giáo dục. Phân bổ hợp lý thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Đồng thời, sở cũng nhấn mạnh học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập trên lớp, tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh…

Theo cô Phan Đình Hồng Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Nghiệp (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), trong chuyên môn, giáo viên bộ môn tập trung xem xét nội dung nào là trọng tâm, rồi lựa chọn các dữ liệu để giảng dạy. Đồng thời, nhà trường cũng xây dựng nội dung học theo 2 buổi: Buổi sáng sẽ giảng dạy chính khóa chương trình theo quy định. Buổi chiều sẽ linh hoạt môn tự chọn hoặc tiết ôn tập, củng cố bài cho các em. Do đó không gây áp lực học tập, cũng không để các em phải mang bài tập về nhà. Nhà trường cũng chưa ghi nhận ý kiến của phụ huynh trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới.

Cô Lâm Thị Thanh Nguyên, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học An Nghiệp (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Sau khi học xong chính khóa vào buổi sáng, các cô sẽ nắm tình hình học tập của học sinh, biết rõ em nào viết được, chưa viết được, em nào đọc nhớ bài nhanh, nhớ bài chậm… Đến buổi chiều, GV chia học sinh theo nhóm riêng để ôn luyện phù hợp với khả năng và sức học. Em nào viết chưa tốt thì cầm tay viết từ từ; em nào đọc chưa thông các cô luyện thêm. Riêng những em nào đọc được, viết được được giao làm bài tập. Như vậy, các em hoàn thành hết bài trong ngày mà không cần làm ở nhà”.

Tại Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), sau hơn 1 tháng triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1, việc dạy, học diễn ra thuận lợi. Theo cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng nhà trường: Trong một lớp có từ 30 - 35 học sinh, giáo viên rất khó quán xuyến hết. Nhất là khối lớp 1, các em mới bắt đầu học chữ không thể yêu cầu tiếp thu hết trong một buổi học. Nhờ dạy 2 buổi/ngày, các em học sinh sáng không tiếp thu kịp thì buổi chiều sẽ được giáo viên rèn luyện và củng cố lại kiến thức, kỹ năng. Với cách dạy linh hoạt, không nóng vội nên việc dạy, học của giáo viên, học sinh thuận lợi. Phụ huynh cũng không thấy áp lực việc học của con nên đồng tình, hỗ trợ rất tốt.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-vien-can-tho-chu-dong-trong-tung-tiet-day-alkFQMtGR.html